Giá sầu riêng hôm nay 1/5: Lặng sóng dịp lễ, “cơn đau đầu” đến từ thị trường xuất khẩu
Giá sầu riêng hôm nay 1/5/2025 giữ ổn định tại thị trường nội địa. Trong khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm kéo kim ngạch rau quả giảm mạnh theo.
Giá sầu riêng trong nước hôm nay 1/5: Giao dịch ổn định, giá không biến động
Thị trường sầu riêng trong nước ngày 1/5 ghi nhận diễn biến tương đối bình lặng. Các loại sầu riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ vẫn được thu mua ở mức giá ổn định so với hôm qua, không có điều chỉnh mới trong kỳ nghỉ lễ.

Tại miền Tây, giá sầu riêng Ri6 loại A dao động từ 54.000–58.000 đồng/kg; loại VIP giữ mức 65.000–70.000 đồng/kg. Sầu riêng Thái loại A phổ biến trong khoảng 80.000–85.000 đồng/kg, còn dòng Thái VIP ổn định ở mức 100.000–105.000 đồng/kg.
Ở Đông Nam Bộ, các mức giá nhìn chung tương tự. Ri6 loại A được thu mua trong khoảng 52.000–56.000 đồng/kg; Ri6 VIP đạt 65.000–70.000 đồng/kg. Giá các loại Musang King cao cấp duy trì từ 120.000–135.000 đồng/kg cho loại A. Trong khi đó, các dòng như Sáu Hữu, Chuồng Bò… cũng không ghi nhận biến động mới.
Dù giá giữ vững, lượng giao dịch tại nhiều vựa thấp hơn thường ngày do hoạt động thu mua tạm dừng hoặc chậm lại vì kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5.
Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sụt giảm mạnh trong quý I
Bức tranh xuất khẩu sầu riêng đang đối mặt nhiều thách thức. Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VinaFruit), tính đến hết ngày 21/4, tổng giá trị xuất khẩu rau quả đạt khoảng 453 triệu USD, giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nguyên nhân chính được xác định là do xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sụt giảm đáng kể.
Cụ thể, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc trong quý I chỉ đạt khoảng 521 triệu USD, giảm hơn 238 triệu USD so với cùng kỳ, tương đương mức sụt giảm 31%. Việc kiểm soát chặt chẽ các lô hàng, yêu cầu về chất lượng cao và thời gian kiểm định kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó.
Trong khi đó, thị trường Mỹ lại ghi nhận mức tăng trưởng đến 65%, đạt hơn 111,5 triệu USD nhờ vào đẩy mạnh xuất khẩu dừa, thanh long và xoài. Sự phân hóa rõ nét giữa các thị trường cho thấy xuất khẩu sầu riêng cần có chiến lược linh hoạt và nâng cao chất lượng hơn nữa.
Triển vọng phục hồi xuất khẩu rau quả quý II: Kỳ vọng từ Trung Quốc
Dù xuất khẩu sầu riêng sụt giảm trong quý đầu năm, ngành rau quả Việt Nam vẫn có cơ sở kỳ vọng vào sự phục hồi trong quý II/2025. Một trong những động lực lớn đến từ chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam hồi giữa tháng 4.
Tại đây, nhiều nghị định thư quan trọng được ký kết, mở ra cơ hội mới cho trái cây Việt vào thị trường Trung Quốc như chanh leo và ớt. Dù chưa đề cập trực tiếp đến sầu riêng, các tín hiệu chính sách mới từ Trung Quốc có thể mở ra cơ hội nới lỏng kiểm soát với mặt hàng "trái cây vàng" này trong thời gian tới.
Các chuyên gia đánh giá, nếu kiểm soát vùng trồng, bảo đảm tiêu chuẩn và đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, sầu riêng Việt vẫn có thể trở lại mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay.