Giá vàng "áp sát" đỉnh lịch sử, doanh nghiệp "bĩ cực" vì khoản vay 5.800 lượng vàng từ 2009

13/01/2024 - 23:03
(Bankviet.com) Trong phiên sáng 13/1, giá vàng tiếp tục băng băng đi lên, đến thời điểm 12h00, giá vàng miếng SJC đã gần tiến đến ngưỡng 78 triệu đồng/lượng, như vậy chỉ còn cách mức đỉnh lịch sử không còn xa. Đáng chú ý, Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn còn vay 5.833 lượng vàng SJC của Sacombank từ 2009 và không có khả năng trả nợ.

Khi giá vàng SJC tăng phi mã lên 80.000 đồng/lượng vào những ngày cuối năm 2023, bên cạnh niềm vui của những người nắm giữ vàng, có không ít cá nhân và doanh nghiệp "méo mặt" vì những khoản vay vàng, đa phần là những khoản vay từ hàng chục năm trước.

Một trường hợp điển hình là Công ty CP Kinh doanh Thuỷ hải sản Sài Gòn (UPCom: APT) – một trong những doanh nghiệp âm vốn nặng nhất sàn chứng khoán. Năm 2022, công ty tiếp tục lỗ thêm 141 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí tài chính, nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối năm lên 1.219 tỷ đồng. Với vốn điều lệ chỉ có 88 tỷ đồng, hiện APT đã âm vốn chủ 1.129 tỷ đồng.

Trong khi tổng tài sản chỉ còn 161 tỷ đồng, APT đang gánh nợ phải trả gần 1.300 tỷ đồng, chủ yếu là nợ gốc và lãi tại Sacombank. Vào tháng 5/2022, Sacombank đã khởi kiện APT ra tòa yêu cầu thanh toán nợ.

Tình cảnh bết bát của APT xuất phát từ việc đầu năm 2009, doanh nghiệp này tiến hành vay ngân hàng Phương Nam - nay đã sáp nhập vào Sacombank với số tiền 103 tỷ đồng và 5.833 lượng vàng SJC, có trị giá trị quy đổi 103 tỷ đồng (tương đương 17,66 triệu đồng/lượng).

Giá vàng
Khoản nợ của APT được ghi rõ trên Báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Khoản vay có kỳ hạn 12 tháng, đáo hạn vào ngày 8/1/2010 nhưng tại thời điểm đó, APT đã mất khả năng thanh toán. Hiện cả gốc lẫn lãi đều chưa trả được.

Đến cuối năm 2022, số dự nợ gốc của khoản vay vàng được quy đổi ở mức 401,31 tỷ đồng, tương đương 68,8 triệu đồng/lượng. Số tiền lãi vay chưa trả là gần 729 tỷ đồng, trong đó lãi vay vàng là 570 tỷ đồng.

Với việc giá vàng cuối năm 2023 tăng thêm khoảng 10 triệu đồng so với cuối năm 2022 thì nợ gốc và lãi của APT đối với khoản vay vàng này sẽ tăng thêm cả trăm tỷ đồng nữa.

Loại trừ khoản chi phí tài chính bao gồm lãi vay và đánh giá lại gốc của khoản vay theo biến động giá vàng thì hoạt động kinh doanh chính của APT vẫn tạo ra một khoản lợi nhuận nhỏ. Nhưng với việc tài sản của công ty không còn nhiều, khả năng thu hồi một phần gốc của Sacombank cũng khá khó khăn.

Về cơ cấu sở hữu, APT đang có 2 cổ đông chính là Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) - sở hữu 30% và Công ty TNHH Tập đoàn Somo Việt Nam sở hữu 41,1%.

Chủ tịch Somo, ông Nguyễn Lâm Vinh Huy hiện đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của APT. Ông Huy từng có thời gian dài là Phó tổng giám đốc của Ngân hàng Phương Nam và sau đó là Chủ tịch của Công ty vàng Sacombank-SBJ.

Đáng chú tại thời điểm APT thực hiện khoản vay với Phương Nam, cổ đông lớn nhất khi đó của công ty là ông Trần Phát Minh, sở hữu hơn 36% – cũng đang là Phó tổng giám đốc của Ngân hàng này. Đến tháng 11/2009, ông Minh được bầu làm Chủ tịch HĐQT của APT.

Ông Trần Phát Minh sau đó còn là Chủ tịch của Kiên Long Bank giai đoạn 2012-2013 cũng như có thời điểm là cổ đông cá nhân lớn nhất của Sacombank.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu APT hiện chỉ được giao dịch 1 ngày/tuần. Cổ phiếu này đã giảm sàn liên tục trong các phiên giao dịch cuối cùng của năm 2023, từ 3.800 xuống 1.900 đồng. Giải trình về vấn đề này công ty cho biết là do vấn đề cung cầu, tâm lý của nhà đầu tư.

Không chỉ riêng APT, vào cuối năm 2011, một công ty con của Công ty CP Licogi 16 - nay là Công ty CP Lizen (LCG) có khoản vay 5.852 lượng vàng với giá gốc khi vay khoảng 11-12 triệu đồng/lượng để đầu tư dự án bất động sản. Khi đó giá vàng SJC có giá 44 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên sau đó Licogi 16 đã đạt được thỏa thuận tách biệt khoản vay vàng này sang một pháp nhân mới không liên quan đến Licogi 16.

Cập nhật giá vàng mới nhất trưa 13/1/2024: Tăng dữ dội, áp sát mức đỉnh lịch sử

Trong phiên sáng 13/1, giá vàng tiếp tục băng băng đi lên, đến thời điểm 12h00, giá vàng miếng SJC đã gần tiến đến ngưỡng ...

Tâm lý mua-bán giằng co kịch liệt, nhóm Ngân hàng vẫn được khối ngoại mạnh tay "gom ròng"

Diễn biến phiên giao dịch 12/01, tâm lý mua-bán của khối ngoại giằng co kịch liệt trên HOSE khi giá trị giao dịch bán và ...

Giao dịch khối ngoại tuần 8-12/1: Nhóm Ngân hàng dù được gom mạnh, toàn thị trường vẫn tiếp diễn tình trạng bán ròng

Trong tuần qua, các nhà đầu tư nước ngoài "giải ngân" mạnh tay vào nhóm Ngân hàng nhưng toàn thị trường vẫn bị bán ròng ...

Mộng Diệp

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán