Giá vốn tăng mạnh bào mòn lợi nhuận của Dược phẩm Imexpharm (IMP)

21/07/2024 - 01:06
(Bankviet.com) Mặc dù vẫn ghi nhận sự tăng trưởng về doanh thu, tuy nhiên giá vốn tăng nhanh hơn đã bảo mòn khiến Dược phẩm Imexpharm ghi nhận lợi nhuận đi lùi trong quý 2 và cả 6 tháng đầu năm. Công ty còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên 2024.

Công ty CP Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP) vừa công bố báo cáo tài chính tổng hợp quý 2/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 83 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, Dược phẩm Imexpharm ghi nhận doanh thu thuần đạt 517 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Sau khi khấu trừ giá vốn, công ty đạt hơn 200 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng gần 4% so với quý 2/2023.

Giá vốn tăng mạnh bào mòn lợi nhuận của Dược phẩm Imexpharm (IMP)
Công ty CP Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP).

Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ giảm mạnh 74%, xuống còn vỏn vẹn 2,8 tỷ đồng. Các nguồn thu khác cũng đóng góp không đáng kể trong bức tranh tài chính của Dược phẩm Imexpharm. Chi phí tài chính kỳ này cũng giảm 23%, xuống còn 6,4 tỷ đồng.

Trong khi đó, chí phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi phí bán hàng tăng 18%, lên mức 83,5 tỷ đồng, chí quản lý doanh nghiệp tăng 22%, lên mức hơn 31 tỷ đồng.

Sau khi khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, Dược phẩm Imexpharm ghi nhận đạt gần 66 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 17% so với quý 2/2023.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Dược phẩm Imexpharm đạt hơn 1.008 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 9%, chủ yếu đến từ doanh thu hàng sản xuất. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 161 tỷ đồng, giảm 19% so với nửa đầu năm 2023, do giá vốn trong kỳ tăng mạnh.

Năm 2024, Dược phẩm Imexpharm thống nhất kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu thuần ở mức 2.365 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ở mức 423 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 19% và 12% so với thực hiện năm 2023.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, bà Trần Thị Đào ,Tổng Giám đốc điều hành của Dược phẩm Imexpharm cho biết, Công ty tập trung cả hai kênh bán hàng ETC và OTC. Trong đó, Công ty dự kiến sẽ đạt được mức tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ trên kênh bán hàng ETC lên đến 49%.

“Năm 2024 sẽ tăng trưởng 12% lợi nhuận nhờ vào mở rộng khu vực phía Bắc và khai thác tối đa ở khu vực miền Trung và miền Nam. Do đó, Công ty vẫn quan tâm kênh OTC. Còn kênh ETC là điều tất yếu mà Công ty buộc phải khai thác 100% như đã trình bày”, bà Trần Thị Đào chia sẻ.

Đại hội IMP đã thông qua chính sách chi trả cổ tức mới cho năm 2024 và 2025, tăng lên thành 20%, bao gồm 10% cổ tức bằng tiền và 10% cổ tức bằng cổ phiếu.

Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Dược phẩm Imexpharm mới chỉ thực hiện được 42% chỉ tiêu doanh thu và mới hoàn thành 38% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm 2024.

Tại thời điểm cuối quý 2/2024, tổng tài sản của Dược phẩm Imexpharm ghi nhận ở mức 2.505 tỷ đồng, mở rộng hơn 4% so với thời điểm hồi đầu năm, trong đó tăng mạnh ở các khoản đầu tư tài chính và các khoản phải thu ngắn hạn.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả tăng mạnh 38% so với thời điểm hồi đầu năm, lên mức 427 tỷ đồng, toàn bộ đều là nợ ngắn hạn. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm hơn 96 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với hồi đầu năm, toàn bộ số tiền được vay tại Shinhan Bank chi nhánh Bắc Sài Gòn.

Giá vốn tăng mạnh bào mòn lợi nhuận của Dược phẩm Imexpharm (IMP)
Diễn biến giá cổ phiếu IMP từ đầu năm đến nay.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu IMP của Dược phẩm Imexpharm lao dốc mạnh trong 3 phiên cuối tuần vừa qua sau khi bền bỉ đi lên từ đầu năm đến nay và đạt mức đỉnh lịch sử. Chỉ trong 3 ngày 17, 18 và 19/7, cổ phiếu của Dược phẩm Imexpharm đã giảm 13,39%. Chốt phiên 19/7, cổ phiếu IMP đang dừng ở mức 81.400 đồng/cp, vẫn tăng hơn 43% so với hồi đầu năm.

Cổ phiếu IMP vào sóng tăng sau động thái tính "đường dài" của Dược phẩm Imexpharm

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán có xu hướng điều chỉnh giảm, cổ phiếu IMP của Dược phẩm Imexpharm bất ngờ ngược dòng tăng ...

Đình Tư

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán