Giá xăng dầu hôm nay 20/2/2024: Thị trường thế giới đi lùi

20/02/2024 - 12:33
(Bankviet.com) Ghi nhận vào lúc 5h20 ngày 20/2 (theo giờ Việt Nam), giá xăng dầu thế giới trượt nhẹ do việc không chắc chắn về lộ trình hạ lãi suất của Mỹ và nhu cầu dầu trên toàn cầu chưa khởi sắc. Trong nước, Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Công thương trình nghị định kinh doanh xăng dầu mới trong tháng 3/2024.

Giá xăng dầu hôm nay 16/2/2024: Tăng đỉnh điểm

Giá xăng dầu hôm nay 19/2/2023: Sắc xanh ngày đầu tuần

Cụ thể, giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,38% về mức 78,16 USD/thùng, giá dầu thô Brent giao dịch ở ngưỡng 83,17 USD/thùng. Lo lắng về nhu cầu tiêu thụ dầu giảm khiến giá dầu khó giữ đà tăng, giảm ngay từ đầu phiên. Phân tích cho rằng, dữ liệu tồn kho dầu của Mỹ từ Cơ quan thông tin năng lượng (EIA) đã đẩy giá dầu lao dốc trong tuần trước, tiếp tục tác động lên giá đầu tuần này.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Khảo sát của Reuters thực hiện với các chuyên gia xăng dầu cho thấy, tồn kho dầu thô ước tăng 2,6 triệu thùng trong tuần trước. Kết quả từ báo cáo của EIA cho thấy, mức tồn kho cao gấp 5 lần so với dự báo, lên tới 12 triệu thùng.

Trong nước, từ 15h ngày 15/2, giá xăng E5 RON92 tăng 711 đồng/lít không cao hơn 22.831 đồng/lít, xăng RON95 tăng 675 đồng không cao hơn 23.919 đồng/lít. Giá các loại dầu cũng đồng loạt tăng, đối với dầu diesel tăng 654 đồng ở mức 21.361 đồng/lít, dầu hỏa tăng 633 đồng ở mức 21.221 đồng/lít còn dầu mazut tăng 308 đồng và ở mức 15.906 đồng/kg. Như vậy giá xăng đã tăng trở lại sau lần giảm đầu tiên trong năm 2024.

Theo dự báo của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, giá xăng dầu trong phiên điều chỉnh tới - ngày 23.2 có thể giảm theo biến động giảm của giá dầu thế giới. Theo đó, giá xăng RON 95 có thể giảm 250 đồng/lít; xăng E5 RON 92 giảm 250 đồng/lít; dầu DO giảm 400 đồng/lít.

Nhận định về giá xăng dầu trong năm 2024, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam - MXV cho biết, có nhiều yếu tố tác động lên diễn biến giá dầu thô thế giới trong năm 2024.

Điển hình là căng thẳng chính trị và chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC+ có thể đẩy giá dầu lên nhưng tăng trưởng kinh tế chậm lại và tiêu thụ ít đi có thể khiến giá chững hoặc đi xuống. Theo ông Quỳnh, nếu tăng trưởng nhu cầu yếu, OPEC+ sẽ duy trì chính sách sản lượng thấp hoặc thậm chí cắt giảm thêm để hỗ trợ giá dầu.

Tại cuộc họp vào cuối tháng 11/2023, nhóm đã quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng dầu/ngày. Theo đó, quý I/2024, thị trường có thể sẽ thâm hụt từ 500.000 - 800.000 thùng dầu/ngày. Với kịch bản trung tính này, giá dầu WTI có thể đạt trung bình khoảng 80 USD/thùng và dầu Brent khoảng 85 USD/thùng.

Kịch bản xấu nhất, nếu căng thẳng mở rộng ra khu vực Trung Đông hoặc kéo theo sự tham gia của Mỹ hay Iran, các huyết mạch dòng chảy dầu mỏ trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng lớn, trong đó có các eo biển quan trọng chiến lược bao gồm eo biển Hormuz với quyền kiểm soát của Iran và eo biển Bad Al-mandab dưới sự ảnh hưởng của phiến quân Houthi tại Yemen.

Nếu xung đột làm gián đoạn nghiêm trọng, khả năng giá dầu vượt 100 USD/thùng hoàn toàn có thể xảy ra. Theo Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, năm 2024 sẽ ít khả năng giá xăng dầu trong nước tăng vọt bất thường như năm 2022.

Về yếu tố thế giới, phần lớn là do rào cản từ sức ép tăng trưởng toàn cầu, ít nhất là khoảng nửa đầu năm. Cuối năm 2024, Mỹ sẽ tiến hành bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ mới nên nước này cũng sẽ tìm mọi cách để kiềm chế giá tăng nóng.

Còn về yếu tố trong nước, việc ban hành Nghị định 80 sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, trong đó rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày, sẽ giúp giá xăng dầu trong nước tiệm cận sát với giá thị trường thế giới.

Linh Linh (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán