Giá xăng, dầu trong nước giảm gần 1.000 đồng/lít: Tin vui cho khách Việt!

09/02/2024 - 12:12
(Bankviet.com) Trên cơ sở điều hành của liên bộ Công Thương - Tài chính, các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh giá xăng dầu kể từ 15 giờ chiều ngày 8/2/2024.

Giá xăng dầu hôm nay 7/2/2024: Sẽ điều chỉnh vào ngày 29 Tết

Giá xăng dầu hôm nay 8/2/2024: Có thể giảm gần 1.000 đồng/lít?

Cụ thể, cơ quan quản lý quyết định giảm 790 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92 xuống còn 22.120 đồng/lít và giảm 900 đồng/lít đối với xăng RON 95 xuống còn 23.260 đồng/lít. Như vậy, đây là lần đầu tiên giá xăng giảm kể từ đầu năm 2024. Trước đó, mặt hàng nhiên liệu này có 4 lần tăng giá liên tiếp.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 290 đồng/lít xuống 20.700 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 340 đồng/lít xuống 20.580 đồng/lít và dầu mazut giảm 490 đồng/kg xuống mức 15.590 đồng/kg. Tại kỳ điều hành này, liên bộ chỉ trích lập quỹ bình ổn đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg. Cơ quan quản lý không trích lập, đồng thời không chi quỹ bình ổn đối với tất cả nhiên liệu còn lại.

Mới đây, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu kiểm tra, rà soát hiện trạng và điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu.

Thương nhân đầu mối sẽ phải báo cáo chi tiết về điều kiện có cầu cảng chuyên dụng (sở hữu, thuê, khả năng tiếp nhận tàu chở xăng dầu); kho tiếp nhận xăng dầu (số lượng, sở hữu, thuê của doanh nghiệp nào, ở đâu, thời gian thuê); phương tiện vận tải xăng dầu (số lượng, sở hữu, thuê, chủng loại phương tiện, thời gian thuê).

Thương nhân đầu mối cũng phải báo cáo cụ thể về hệ thống phân phối xăng dầu, trong đó có liệt kê cửa hàng thuộc sở hữu, cửa hàng thuê (từ 5 năm trở lên), đại lý bán lẻ xăng dầu, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu.

Bên cạnh đó, thương nhân phân phối phải báo cáo hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân với các thông tin cửa hàng thuộc sở hữu, cửa hàng thuê, cửa hàng trực thuộc đại lý bán lẻ xăng dầu, cửa hàng trực thuộc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu…

Người đứng đầu Bộ Công Thương đề nghị Petrolimex, Mipecorp cần bám sát diễn biến thị trường, phát huy vai trò của doanh nghiệp Nhà nước, phát triển mạnh hơn nữa mạng lưới phân phối bán lẻ; chủ động, xây dựng các phương án dự phòng để trong mọi tình huống đều bảo đảm đủ xăng, dầu, nhất là trong bối cảnh 2024 được dự báo sẽ là năm tiếp tục khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng xăng dầu trong nước.

Ngoài ra, các tập đoàn, tổng công ty liên quan cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có kế hoạch cụ thể để triển khai các kịch bản, phương án cung ứng, kinh doanh xăng dầu, cung ứng đủ nguồn hàng; bố trí đủ nhân lực, tổ chức trực hoặc tăng ca để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục cho thị trường trong và sau dịp Tết.

Bộ Công Thương đang khẩn trương xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu theo hướng tiếp cận nhiều hơn với thị trường nhằm vừa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hoạt động có hiệu quả vừa bảo đảm công tác quản lý của Nhà nước.

Thanh Hằng (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán