Giá xăng trong nước tiếp tục giảm gần 2.000 đồng/lít

11/10/2023 - 23:09
(Bankviet.com) Từ 16h chiều nay (11/10), giá xăng trong nước tiếp tục giảm mạnh. Như vậy, giá xăng hôm nay đã có đợt giảm thứ 2 liên tiếp.

Giá xăng dầu hôm nay 4/10/2023: Thị trường trượt dốc dài

Giá xăng dầu hôm nay 9/10/2023: Xăng trong nước có thể tiếp tục giảm vào kỳ tới?

Cụ thể, sau khi điều chỉnh, kể từ 16 giờ ngày 11/10, giá xăng E5RON92 đã giảm 1.595 đồng/lít, xuống còn 21.907 đồng/lít; xăng RON95-III giảm tới 1.798 đồng/lít, xuống còn 23.044 đồng/lít. Các loại dầu cũng đồng loạt giảm. Giá dầu diesel không cao hơn 22.410 đồng/lít, giảm 1.184 đồng/lít. Giá dầu hỏa về mức 22.464 đồng/lít, giảm 1.352 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Dầu mazut xuống 16.238 đồng/kg, giảm 1.214 đồng/kg.

Giá xăng trong nước
Giá xăng trong nước chiều nay tiếp tục giảm mạnh (Nguồn ảnh: Internet)

Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính không trích lập và không chi quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Theo số liệu của Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 2/10/2023 - 10/10/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Tâm lý thận trọng của các nhà giao dịch trước khả năng gián đoạn nguồn cung do căng thẳng tại khu vực Trung Đông đang diễn ra; việc giảm kỳ vọng đối với các biện pháp hạn chế sản lượng tự nguyện của Ả rập Xê út…

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 2/10/2023 và kỳ điều hành ngày 11/10/2023 là: 92,040 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5 RON92 (giảm 9,454 USD/thùng so với kỳ trước); 97,021 USD/thùng xăng RON95 (giảm 9,811 USD/thùng); 113,919 USD/thùng dầu hỏa (giảm 8,896 USD/thùng); 114,460 USD/thùng dầu diesel (giảm 8,904 USD/thùng); 484,764 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 45,687 USD/tấn).

Nguyên nhân giá trong nước giảm là do giá dầu thế giới có chiều hướng giảm. Bên cạnh đó, giá nhập khẩu từ thị trường Singapore cũng đang giảm so với kỳ điều hành trước. Đây là cơ hội để giá xăng dầu trong nước điều chỉnh giảm mạnh từ chiều 11-10. Kỳ này, liên bộ Công thương - Tài chính quyết định tiếp tục không yêu cầu trích lập và ngừng chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 28 lần điều hành, trong đó có 17 lần tăng, 8 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.

Bộ Công Thương đề xuất một tuần chỉnh giá xăng một lần

Tại báo cáo tóm tắt của Bộ Công Thương về tờ trình sửa đổi Nghị định 83 và 95 kinh doanh xăng dầu, gửi Văn Phòng Chính phủ ngày 10/10, Bộ nêu hai phương án điều hành giá.

Một là giữ nguyên như hiện nay nhưng rà soát và sửa quy định về phương thức, tần suất xác định các chi phí để tính đúng, đủ và kịp thời hơn cho doanh nghiệp. Phương án thứ hai, Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá, doanh nghiệp đầu mối trên cơ sở này sẽ tự xác định, công bố giá bán lẻ. Sau đó họ báo cáo về liên Bộ Công Thương - Tài chính để giám sát.

Theo Bộ Công thương, trong giai đoạn vừa qua, thời gian điều hành giá xăng dầu đã liên tục được rút ngắn dần (từ 30 ngày xuống 15 ngày và hiện nay là 10 ngày). Với đề xuất của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trước đây về việc cần quy định "cứng" mức chiết khấu (thù lao kinh doanh), Bộ Công Thương "bác" đề nghị này, vì theo Thông tư 104/2021 của Bộ Tài chính mức chiết khấu cho các đối tượng liên quan khi tham gia vào chuỗi cung ứng xăng dầu đã được tính trong chi phí kinh doanh định mức.

Mặt khác, theo Bộ này, chiết khấu do các doanh nghiệp tự thỏa thuận, đây cũng là yếu tố cạnh tranh quan trọng giữa các thương nhân để mở rộng thi phần. Do vậy, để giá xăng dầu trong nước theo sát và cập nhật kịp thời biến động của giá xăng dầu trên thế giới, Bộ Công thương đề xuất tiếp tục rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu xuống còn 7 ngày và xác định thời điểm công bố cố định vào ngày thứ năm hàng tuần.

Cũng trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công thương kiến nghị rút ngắn thời gian rà soát, điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam từ 6 tháng/lần xuống 3 tháng/lần. Giải trình về lý do đề xuất, Bộ Công thương cho rằng chu kỳ suy thoái kinh tế trên thế giới hiện nay đang có xu thế ngắn lại, tốc độ cũng như tần suất tăng giá từ hàng hóa đến dịch vụ thường xuyên hơn.

Vì vậy, việc rà soát, điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam định kỳ 6 tháng/lần (trừ trường hợp có biến động bất thường) trên thực tế chưa cập nhật kịp thời biến động của các loại chi phí, dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ.

Tại báo cáo, liên quan đề xuất muốn được lấy hàng từ nhiều nguồn của doanh nghiệp bán lẻ, Bộ Công Thương cho rằng hiện thương nhân đầu mối đang nhập khẩu từ nhiều nhà cung cấp và mua từ hai nhà máy lọc dầu trong nước. Thương nhân phân phối cũng được phép mua xăng dầu từ các đầu mối và các thương nhân phân phối khác.

Do đó, việc cho phép đại lý bán lẻ được mua xăng dầu từ nhiều nguồn, tối đa 3 nguồn, sẽ tạo ra cạnh tranh về chiết khấu. Theo Bộ Công Thương, việc giảm thời gian điều hành giá sẽ đảm bảo giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến trên thị trường thế giới.

Việc điều hành kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh giá có biến động lớn, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này. Tại báo cáo tóm tắt, Bộ Công Thương cũng nêu quan điểm không cần phải quy định mức chiết khấu cụ thể tại công thức tính giá cơ sở xăng dầu.

Bởi lẽ, hiện đã có quy định mức chiết khấu đầy đủ cho các đối tượng tham gia chuỗi cung ứng xăng dầu. Mức chiết khấu do các doanh nghiệp tự thỏa thuận. "Nếu nghị định cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được mua nhiều nguồn, điều chỉnh thời gian rà soát, công bố các chi phí giảm từ 6 tháng xuống 3 tháng, và rút ngắn thời gian điều hành thì vấn đề chiết khấu sẽ được giải quyết", Bộ Công Thương nhận định.

Giá xăng dầu hôm nay 10/10/2023: Thị trường thế giới khởi sắc, trong nước ra sao?

Ghi nhận vào lúc 5h20 ngày 10/10 (theo giờ Việt Nam), giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng mạnh sau một tuần lao ...

Giá xăng dầu hôm nay 11/10/2023: Xăng trong nước liệu có giảm mạnh?

Giá xăng dầu tại kỳ điều hành ngày 11/10 được dự báo giảm mạnh theo xu hướng thế giới. Nếu cơ quan quản lý không ...

Thanh Hằng (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán