Giải ‘bài toán’ tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa

24/05/2025 - 19:23
(Bankviet.com) Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, tạo chuyển biến rõ nét từ sản xuất đến tiêu thụ.
Đưa văn hoá vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng dân tộc: Cần tổng hoà nhiều giải pháp Bộ Công Thương thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số Lan tỏa ‘tiếng thơm’ cho sản phẩm miền núi

Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước – Bộ Công Thương xung quanh vấn đề này.

Giải ‘bài toán’ tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước – Bộ Công Thương

Hướng đi chiến lược, hiệu quả thực tiễn

- Với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020 và giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ban ngành, các địa phương triển khai nhiều hoạt động để phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Xin ông chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn: Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế các vùng đặc biệt khó khăn, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về phát triển các vùng khó khăn theo phạm vi quản lý Nhà nước được giao. Các chính sách này bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn.

Trong đó, không thể không kể đến Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020, giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn tiếp theo. Chương trình được thực hiện tại 287 huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn thuộc 48 tỉnh/thành phố trên cả nước. Đây là chương trình đặc thù, hết sức cần thiết nhằm xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng tại khu vực này.

Việc thực hiện chương trình trong những năm qua đã đem lại những kết quả khả quan về mức tăng trưởng hàng năm về giá trị của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa và hải đảo để đưa vào hệ thống phân phối trong cả nước và phục vụ xuất khẩu.

Bước đầu từ những giải pháp, những hoạt động nêu trên trong giai đoạn vừa qua đã hình thành nên chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền theo hướng hiện đại, bền vững để có thể hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh của các địa phương ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Tạo lập chuỗi cung ứng bền vững, thúc đẩy tiêu dùng đặc sản vùng miền

- Hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu sản phẩm hàng hoá nói chung và sản phẩm miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa và hải đảo nói riêng là hoạt động được Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm triển khai. Đến nay, hiệu quả của các hoạt động này ra sao, thưa ông?

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn: Hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu là một điểm sáng trong thực thi chính sách. Các chương trình như “Tuần lễ giới thiệu nông sản địa phương” tại các siêu thị lớn hay các sự kiện khuyến mại, giảm giá đã giúp quảng bá rộng rãi các đặc sản vùng miền, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng và sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt, việc xây dựng các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP đã giúp các sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ vùng miền có kênh phân phối ổn định và dễ dàng tiếp cận hơn với thị trường trong nước.

Các hoạt động thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bước đầu đã góp phần quảng bá, giới thiệu giúp cho người tiêu dùng được tiếp cận với các sản phẩm sản phẩm đặc trưng có thế mạnh của địa phương, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, các gian hàng trưng bày, triển lãm tại các chợ phiên văn hoá, các lễ hội thương mại gắn với du lịch. Sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ được tác động trở lại thúc đẩy sản xuất tại khu vực này.

Nhiều vùng sản xuất tập trung cũng đã được hình thành và hiện tại cũng đang duy trì thực hiện tốt, nhiều sản phẩm của địa phương đã được bảo hộ về sở hữu trí tuệ và góp phần phát triển thương hiệu, nâng cao hiệu quả kinh tế. Một số vùng sản xuất nông sản được hình thành với các sản phẩm chất lượng được kết nối vào các hệ thống phân phối hiện đại (hệ thống siêu thị) như các sản phẩm nông sản của Sơn La (mận, nhãn, rau củ quả...), các sản phẩm OCOP của vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vải thiều Bắc Giang, Sâm Ngọc Linh...).

Giải ‘bài toán’ tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa
Vải thiều Lục Ngạn được bày bán tại các siêu thị (Ảnh: Cấn Dũng)

Đặc biệt một số sản phẩm cùng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã vươn tầm quốc tế (xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU, Australia…) như vải thiều (Bắc Giang); xoài, chanh leo, thanh long (Sơn La); chanh leo (Lâm Đồng)...

Số hoá xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm miền núi vươn xa

- Phát huy những kết quả đạt được, Bộ Công Thương sẽ có thêm những những hoạt động gì để hỗ trợ thương mại hóa và mở rộng chuỗi cung ứng sản phẩm miền núi vùng sâu vùng xa và hải đảo?

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn: Thời gian tới để tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nói chung và sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình, chúng tôi tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm. Xây dựng và triển khai các chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm như các tuần hàng, phiên chợ, lễ hội... Tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ kinh phí để các doanh nghiệp, HTX vùng đặc thù này tham gia các hội chợ uy tín trong và ngoài nước, đặc biệt là các hội chợ về nông sản, đặc sản, thủ công mỹ nghệ, nơi yếu tố vùng miền và văn hóa được đánh giá cao. Tăng cường tổ chức các hội nghị kết nối giữa nhà sản xuất với các nhà phân phối lớn, nhà bán lẻ hiện đại (siêu thị, chuỗi cửa hàng), doanh nghiệp xuất khẩu và các sàn thương mại điện tử. Việc kết nối sẽ nhấn mạnh tiềm năng về chất lượng và sự độc đáo của sản phẩm.

Phát triển thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ số, hỗ trợ đưa sản phẩm miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo lên sàn thương mại điện tử. Đồng thời hỗ trợ đào tạo kỹ năng bán hàng online, livestream, marketing số cho bà con và HTX. Việc mô tả sản phẩm online sẽ chú trọng làm nổi bật nguồn gốc, quy trình sản xuất độc đáo và giá trị văn hóa. Khuyến khích và hỗ trợ áp dụng tem truy xuất nguồn gốc (QR code) để người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu thông tin về sản phẩm, quy trình sản phẩm, câu chuyện văn hóa và khẳng định chất lượng.

Xây dựng các chiến dịch truyền thông tổng thể, kể những câu chuyện hấp dẫn về sản phẩm gắn liền với con người, văn hóa đặc trưng từng địa phương. Đồng thời, phổ biến thông tin thị trường; hỗ trợ cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm.

Tích hợp các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo vào Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia, Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đề án “Đối mới thương thức tiêu thụ nông sản”, Chương trình OCOP… để tăng hiệu quả tiêu thụ sản phẩm.

Bộ Công Thương sẽ tăng cường đào tạo nhân lực. Đồng thời thông qua các Đề án, Chương trình Bộ Công Thương xây dựng những mô hình thí điểm phù hợp với điều kiện kinh tế từng vùng, miền, đặc biệt là mô hình thí điểm về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Xin cảm ơn ông!

Song song với tiêu thụ nội địa, Bộ Công Thương xác định thông qua hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài sẽ nỗ lực đưa sản phẩm miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo ra thị trường quốc tế.

Phương Lan thực hiện

Theo: Báo Công Thương