Góc chuyên gia: Chứng khoán tháng 11 nhiều khả năng đi ngang cùng thanh khoản thấp

08/11/2024 - 22:40
(Bankviet.com) Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục trầm lắng với thanh khoản sụt giảm và áp lực bán ròng từ khối ngoại. Dù có yếu tố tích cực, nhưng thiếu động lực mạnh khiến TTCK khó bứt phá, trong khi nhà đầu tư chuyển hướng dòng tiền vào các kênh khác để tránh rủi ro.

Thị trường chứng khoán trong nước vẫn đang trong giai đoạn trầm lắng khi thanh khoản liên tục sụt giảm qua nhiều tháng. Dữ liệu cho thấy giá trị giao dịch bình quân trong quý III/2024 đã giảm khoảng 15% so với quý trước, chỉ đạt mức trung bình 14.500 tỷ đồng/phiên. Cùng với đó, khối ngoại đã bán ròng một lượng kỷ lục, gần 80.000 tỷ đồng từ đầu năm đến nay, làm giảm đáng kể dòng tiền vào thị trường.

Chứng khoán tháng 11 nhiều khả năng đi ngang cùng thanh khoản thấp
Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy thị trường chứng khoán đang vận động theo chiều hướng “cưa chân bàn,” khi có các đợt hồi phục ngắn hạn, nhưng sau đó lại tiếp tục suy giảm. Việc thị trường diễn biến giằng co trong biên độ hẹp đã khiến không ít nhà đầu tư thua lỗ, tài khoản dần bị bào mòn. Trước những rủi ro này, tâm lý "đóng băng" đang bao trùm, với nhiều nhà đầu tư chọn đứng ngoài và chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân từ Đại học Kinh tế TP. HCM nhận định, giai đoạn hiện tại thị trường chứng khoán đang khiến nhà đầu tư e ngại do biến động trong biên độ hẹp, khó có cơ hội sinh lời. Dù có một số yếu tố tích cực, nhưng thị trường vẫn thiếu động lực bứt phá khỏi trạng thái tích lũy, đặc biệt trong bối cảnh khối ngoại vẫn liên tục rút ròng.

"Hiện vàng và lãi suất tiết kiệm đang hấp dẫn dòng tiền nhàn rỗi hơn so với chứng khoán, do đó nhiều người chọn đứng ngoài để quan sát thêm diễn biến", ông Huân chia sẻ. Theo Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi từ dân cư vào hệ thống ngân hàng Việt Nam đã đạt mức cao kỷ lục, gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024, tăng 305.000 tỷ đồng so với cuối năm trước, phản ánh tâm lý thận trọng của người dân.

Về định giá thị trường, chỉ số P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang dao động quanh mức 14 lần – một mức trung bình so với VN-Index trong khoảng 10 - 15 năm qua. Tuy nhiên, trạng thái thiếu thông tin hỗ trợ cùng những kỳ vọng chưa đạt thành như nâng hạng thị trường chứng khoán đã dịch chuyển sang năm sau, trong khi đó khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng.

Ngoài ra, theo chuyên gia, với số lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn vào tháng 11 và 12, lo ngại về tác động đến thanh khoản trên thị trường là không thể phủ nhận. Bên cạnh đó, Thông tư 02 sẽ đáo hạn vào cuối năm, buộc các ngân hàng phải đối mặt với việc hạch toán các khoản nợ xấu trong năm 2025.

"Nếu không có dòng tiền mới hoặc yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ hơn, rất khó để thị trường chứng khoán bứt phá trở lại", ông Huân nhận định.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc điều hành chi nhánh TP. HCM của Chứng khoán DSC, cũng cho rằng TTCK hiện đang thiếu động lực ngắn hạn và giao dịch rất khó đoán. Mặc dù khả năng hồi phục trong trạng thái chán nản không phải là không có, nhưng ông nhận định dư địa giảm vẫn còn, nhất là khi thị trường chưa có yếu tố hỗ trợ cụ thể.

"Nếu không xuất hiện chất xúc tác mạnh mẽ như câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán, VN-Index khó có thể ghi nhận đợt tăng trưởng lớn trong ngắn hạn", chuyên gia từ DSC chia sẻ.

Mobifone sắp chốt quyền trả cổ tức, cổ phiếu MFS dựng mô hình "cây thông"

Cổ phiếu MFS của Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Mobifone bật tăng trần lên 37.300 đồng trong phiên 08/11, đánh dấu chuỗi 5 ...

Chứng khoán sáng 8/11: VN-Index giảm hơn 5 điểm, cổ phiếu công nghệ và viễn thông bứt phá

Sáng 8/11, VN-Index giảm hơn 5 điểm về mốc 1.254 điểm, trong khi nhóm cổ phiếu công nghệ và viễn thông tạo điểm sáng khi ...

Một cổ phiếu vận tải biển bật tăng 30% chỉ sau 3 phiên

Cổ phiếu MVN của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam tăng trần, đạt 38.100 đồng/cổ phiếu với khối lượng khớp lệnh gần 52.000 đơn ...

Linh Đan

Linh Đan

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán