Được Phòng thí nghiệm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo OpenAI của Mỹ phát triển, ChatGPT là một chatbot có khả năng đưa ra câu trả lời cụ thể trên nhiều lĩnh vực kiến thức, xử lý các truy vấn phức tạp, gỡ lỗi chương trình máy tính, sáng tác nhạc, viết thơ, ...
ChatGPT tận dụng Generative Pre-training Transformer 3 (GPT-3), một mô hình ngôn ngữ được huấn luyện trên bộ dữ liệu Internet lớn. GPT-3 nhằm mục tiêu trả lời các câu hỏi bằng ngôn ngữ tự nhiên, nhưng cũng có thể dịch nhiều ngôn ngữ và tạo văn bản ngẫu hứng một cách mạch lạc.
Với 175 tỷ tham số, mô hình ngôn ngữ của GPT-3 được cho là một trong những mô hình AI xử lý ngôn ngữ lớn nhất cho đến nay, giúp nó tốt hơn bất kỳ mô hình nào trước đây để tạo ra văn bản giống như con người làm.
Trong lĩnh vực ngân hàng và Fintech, các ứng dụng cho GPT-3 rất đa dạng, bao gồm các chatbot để giải đáp thắc mắc của khách hàng, xử lý tài liệu và tạo báo cáo, tư vấn tài chính được cá nhân hóa, dự báo tài chính và phát hiện gian lận,...
Hỗ trợ và giải đáp thắc mắc khách hàng
GPT-3 có thể được tích hợp vào trợ lý ảo để cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng 24/7 và trả lời các câu hỏi liên quan đến tài chính của khách hàng một cách nhanh chóng, cho dù đó là câu hỏi về số dư tài khoản hay nhận thông tin cập nhật về trạng thái khoản vay.
Công nghệ này cũng có thể được sử dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của nhân viên hỗ trợ, chẳng hạn bằng cách phân loại các yêu cầu dựa trên nội dung của chúng và sau đó, phân công/chuyển đến đúng địa chỉ hoặc bằng cách tóm tắt các câu hỏi, nhờ đó giúp các nhân viên nhanh chóng hiểu vấn đề và đưa ra phản hồi thích hợp một cách nhanh chóng.
Xử lý văn bản
Do GPT-3 có thể tự động trích xuất thông tin từ tài liệu và văn bản, nên công nghệ này có thể được sử dụng để tạo báo cáo tài chính và các tóm tắt, nhờ đó giúp giảm thời gian và công sức trong việc phân tích và xử lý dữ liệu thủ công.
Công nghệ này có thể phân tích một lượng lớn dữ liệu tài chính, xác định các mẫu và trích xuất những điểm đáng chú ý quan trọng, biến nó thành một công cụ mạnh khi lập dự báo tài chính và phân tích đầu tư.
Tư vấn tài chính cá nhân
Các cố vấn có thể sử dụng GPT-3 để cung cấp cho khách hàng những lời khuyên tài chính được cá nhân hóa. Công nghệ này có thể được sử dụng để thiết lập các kế hoạch tài chính và chiến lược đầu tư tùy chỉnh dựa trên mục tiêu của người dùng, mức độ chấp nhận rủi ro và tình hình tài chính. GPT-3 cũng có thể xác định các mô hình chi tiêu và đưa ra các đề xuất để tối ưu hóa ngân sách.
Việc sử dụng GPT-3 để tư vấn tài chính được cá nhân hóa cũng đồng nghĩa với tích hợp công nghệ này với nền tảng quản lý tài chính, do đó cung cấp cho nền tảng này dữ liệu tài chính cần thiết của khách hàng để đưa ra các đề xuất có liên quan.
Xử lý khoản vay
Khi xử lý khoản vay, GPT-3 có thể làm cho quy trình bảo lãnh phát hành hiệu quả hơn bằng cách tự động phân tích và đánh giá tình hình tài chính, lịch sử tín dụng và thu nhập của người vay.
Công nghệ này cũng có thể giúp cải thiện các quyết định tín dụng bằng cách giảm rủi ro do lỗi của con người, xác định các yếu tố rủi ro có thể bị bỏ qua và tự động gắn cờ các rủi ro tiềm ẩn.
Phát hiện gian lận
Các ngân hàng cũng có thể sử dụng GPT-3 để phát hiện gian lận. Các tổ chức có thể sử dụng dữ liệu giao dịch và gian lận trước đây để đào tạo GPT-3 nhằm nhận ra điểm bất thường trong các mẫu giao dịch, phát hiện hoạt động gian lận và gắn cờ điểm bất thường.
Công nghệ này có thể hỗ trợ phát hiện và ngăn chặn gian lận bằng cách tạo cảnh báo và báo cáo, đồng thời thông báo cho nhân viên có liên quan về gian lận tiềm ẩn.
OpenAI, nơi tạo ra GPT-3, được các nhà nghiên cứu AI xếp hạng là một trong ba phòng thí nghiệm AI hàng đầu trên toàn thế giới. Đầu tháng này, công ty đã nhận được khoản đầu tư nhiều tỷ đô la trong nhiều năm từ Microsoft, một thỏa thuận đánh dấu giai đoạn thứ ba của quan hệ đối tác giữa hai công ty và tiếp nối các khoản đầu tư trước đó từ gã khổng lồ công nghệ vào năm 2019 và 2021. ChatGPT AI chatbot của OpenAI đã tạo thành “cơn sốt” sau khi phát hành vào ngày 30/11/2022, vượt qua 1 triệu người dùng chỉ sau 5 ngày. Dữ liệu từ Pitchbook cho thấy đầu tư vốn mạo hiểm vào trí tuệ nhân tạo hoặc thuật toán có thể được sử dụng để tạo nội dung gốc đã tăng gần 500% từ năm 2020 đến năm 2022 lên 1,37 tỷ USD.
|
H.Y -