HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HOSE: HNG) vừa thông qua nghị quyết giải thể công ty con là Công ty TNHH MTV Kinh doanh Xuất Nhập khẩu Hoàng Anh Gia Lai (viết tắt là Xuất nhập khẩu HAGL).
Lý do ban lãnh đạo đưa ra là đơn vị kinh doanh không hiệu quả, cũng như HAGL Agrico đang thay đổi chiến lược kinh doanh.
Tính đến thời điểm hiện tại, HAGL Agrico cho biết Xuất nhập khẩu HAGL không còn bất cứ khoản nợ và/hoặc nghĩa vụ theo hợp đồng nào phải thực hiện đối với bất kỳ chủ thể nào.
|
Bên cạnh đó, sau khi công ty con nói trên thanh toán tất cả các khoản nợ và chi phí giải thể, toàn bộ tài sản còn lại (nếu có) sẽ thuộc về HAGL Agrico.
Theo đó, HAGL Agrico sẽ chịu trách nhiệm liên đới thanh toán nợ chưa thanh toán, số thuế chưa nộp, quyền lợi của người lao động chưa giải quyết (nếu có) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hệ quả phát sinh của doanh nghiệp như không chính xác, trung thực với hồ sơ giải thể được nộp tại cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 3 năm.
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH MTV Kinh doanh Xuất Nhập khẩu Hoàng Anh Gia Lai được thành lập tháng 2/2013, là công ty con do HAGL Agrico sở hữu 100% vốn điều lệ, hoạt động chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và logistics. Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là ông Nguyễn Hoàng Phi, thành viên HĐQT của HAGL Agrico.
Đáng chú ý, hồi tháng 9/2020, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum ban hành quyết định về việc thu hồi hơn 20.000 m2 đất của Xuất nhập khẩu HAGL thuê tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum. Nguyên nhân do doanh nghiệp này đã vi phạm quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.
Theo tìm hiểu của Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, Xuất nhập khẩu HAGL là một trong số công ty con bết bát nhất của HAGL Agrico từ trước đến nay. Thống kê trong 6 năm gần nhất (2016-2021), doanh nghiệp trên chưa từng có lãi, số lỗ lũy kế vượt ngưỡng 270 tỷ đồng vào cuối năm ngoái.
Xuất nhập khẩu HAGL lỗ nặng nhất ở hai năm 2018-2019 với lần lượt 81 tỷ đồng và 77,3 tỷ đồng. Đây cũng là giai đoạn doanh thu thuần sụt giảm rất mạnh, từ mức 454 tỷ đồng (2016) xuống còn 255,6 tỷ đồng (2017), và 114 tỷ đồng (2018), 83,7 tỷ đồng (2019).
Nợ phải trả được doanh nghiệp "thanh lý" khá nhanh thời điểm này, nếu năm 2019 là 967 tỷ đồng, thì năm 2020 giảm còn 223 tỷ đồng và giảm tiếp xuống 178 tỷ đồng trong năm 2021.
Với việc giải thể Xuất nhập khẩu HAGL thì HAGL Agrico chỉ còn 6 công ty con và 1 công ty liên kết.
Động thái giải thể công ty con diễn ra trong bối cảnh HAGL Agrico vừa có quý thứ 6 liên tiếp thua lỗ. Với khoản lỗ sau thuế gần 560 tỷ đồng quý II/2022, doanh nghiệp đã nâng tổng lỗ lũy kế lên 4.100 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2022.
Tổng kết nửa đầu năm, HAGL Agrico công bố doanh thu 317 tỷ đồng, giảm 30% cùng kỳ; lỗ sau thuế gần 670 tỷ đồng, trong khi cùng giai đoạn năm 2021 ghi nhận lỗ 122 tỷ đồng.
Tổng tài sản tại ngày 30/6/2022 đạt 11.318 tỷ đồng, giảm 19% so với đầu năm. Tài sản phần lớn nằm ở các hạng mục như hàng tồn kho với 1.416 tỷ đồng, giảm 9%; tài sản cố định 4.736 tỷ đồng, giảm 19,5%; chi phí xây dựng dở dang 3.450 tỷ đồng, giảm 28%...
Thời điểm trên, dư nợ vay tài chính của HNG ở mức 6.164 tỷ đồng, tăng 5% sau 6 tháng đầu năm. Tập trung đến 64% trong đó là nợ ngắn hạn, bao gồm khoản vay từ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) là 2.083 tỷ đồng; vay từ Thagrico là 1.072 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng là vay ngân hàng.
Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.
Vân Oanh