Hai doanh nghiệp đầu tiên trong ngành vừa công bố Báo cáo tài chính quý IV/2024 đã phần nào phác họa bức tranh tích cực khi sản lượng tiêu thụ bia, rượu duy trì mức tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Hình minh họa |
Cụ thể, Công ty CP Bia Sài Gòn Sông Lam (UPCoM: BSL), một công ty con của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước Giải Khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB) ghi nhận doanh thu quý IV/2024 đạt 257 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế của công ty tăng mạnh 31%, đạt gần 15 tỷ đồng. Tính chung cả năm 2024, doanh thu của BSL đạt 935 tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm 2023, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 21%, cán mốc 40 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của BSL qua các năm. Nguồn: Dữ liệu kinhtechungkhoan.vn |
Về cơ cấu doanh thu, phần lớn doanh thu của công ty đến từ hoạt động bán thành phẩm, còn lại doanh thu từ phế liệu mang về cho BSL gần 11 tỷ đồng. Đặc biệt, công ty ghi nhận 1.851 tỷ đồng doanh thu nội bộ từ việc xuất bán thành phẩm cho công ty mẹ Sabeco, cho thấy sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị của tập đoàn.
Trong khi đó, tại Công ty CP Rượu Hà Nội (Halico, UPCoM: HNR) - Chủ hãng rượu Vodka Hà Nội và Nếp Mới là thương hiệu quen thuộc trong ngành rượu nhưng từng đối mặt với thời kỳ dài thua lỗ cũng cho thấy sự chuyển biến tích cực trong năm 2024.
Trong quý IV/2024, doanh thu của Halico đạt 32 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, và mức lỗ chỉ còn chưa đến 1 tỷ đồng, giảm mạnh so với khoản lỗ hơn 6 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023. Tính cả năm 2024, Halico đạt doanh thu 112 tỷ đồng, mức tăng trưởng vượt bậc so với trung bình 5 năm qua. Đáng chú ý, mức lỗ của công ty giảm xuống còn 8 tỷ đồng, thấp nhất trong hàng chục năm, cho thấy những nỗ lực cải tổ và định hướng mới đang phát huy hiệu quả.
Kết quả kinh doanh của Halico qua các năm (Nguồn: Dữ liệu kinhtechungkhoan.vn) |
Tuy nhiên, ngành bia rượu vẫn đứng trước thách thức lớn khi từ đầu năm 2025, Nghị định 168 chính thức có hiệu lực. Các quy định siết chặt kiểm soát nồng độ cồn đi kèm hình thức xử phạt nghiêm khắc như tịch thu phương tiện, tước giấy phép lái xe hay trừ điểm bằng lái đã đặt áp lực lớn lên các doanh nghiệp trong ngành.
Để thích nghi với tình hình mới, các công ty bia rượu đã nhanh chóng triển khai nhiều chiến lược ứng phó như giảm giá, tặng quà và đẩy mạnh hoạt động quảng cáo. Mặc dù chịu áp lực từ chính sách, dữ liệu từ các báo cáo tài chính cho thấy sản lượng tiêu thụ bia rượu vẫn ổn định, nhờ sự thích nghi linh hoạt của các doanh nghiệp.
Đáng chú ý, Sabeco đã đưa ra một quyết định chiến lược đầy táo bạo nhằm củng cố vị thế trong ngành. Vào cuối tháng 12/2024, tập đoàn này đã chi 830 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ chào mua công khai cổ phiếu SSB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên 65,9% và chính thức nắm quyền kiểm soát công ty. Đây được đánh giá là bước đi quan trọng nhằm mở rộng thị phần và gia tăng sức cạnh tranh của Sabeco trong bối cảnh thị trường bia ngày càng cạnh tranh gay gắt.
Bia Sài Gòn Bình Tây nổi bật với dòng sản phẩm bia không độ, cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu quốc tế lớn như Heineken, Baltika, Steiger và Oettinger. Việc thâu tóm Bình Tây giúp Sabeco nhanh chóng gia nhập phân khúc bia 0 độ – một thị trường đầy tiềm năng trong bối cảnh kiểm soát nồng độ cồn ngày càng gắt gao. Hơn nữa, Sabeco có thể tận dụng thành công sản phẩm Sagota, vốn là thương hiệu chủ lực của Bình Tây, để mở rộng thị phần mà không cần đầu tư mới từ đầu. Đây được xem là chiến lược ứng phó hiệu quả trước những thách thức từ Nghị định 168, đồng thời củng cố vị thế dẫn đầu của Sabeco trong ngành bia Việt Nam.
Doanh nghiệp tư nhân làm sân bay: Kỳ tích về tiến độ và chất lượng Xây mới một nhà ga hành khách cũng mất tới 2-3 năm mới hoàn thành. Cùng thời gian đó hoặc ngắn hơn, doanh nghiệp (DN) ... |
Ngành thuế siết chặt thương mại điện tử: Dòng tiền không rõ ràng vẫn bị "định vị" Trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển, nhiều người kinh doanh trên mạng xã hội đang lan truyền các cách thức ... |
Thu Hà