Hàng trăm nghìn tấn hàng từ Campuchia đổ bộ giúp Việt Nam duy trì nhà xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới: Là mặt hàng Trung Quốc liên tục săn mua, nguồn cung ngày một khan hiếm

20/05/2025 - 17:32
(Bankviet.com) Việt Nam đã chi hơn 945 triệu đồng nhập khẩu mặt hàng này kể từ đầu năm.
Thị trường

Hàng trăm nghìn tấn hàng từ Campuchia đổ bộ giúp Việt Nam duy trì nhà xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới: Là mặt hàng Trung Quốc liên tục săn mua, nguồn cung ngày một khan hiếm

Hoàng Anh 20/05/2025 15:04

Việt Nam đã chi hơn 945 triệu đồng nhập khẩu mặt hàng này kể từ đầu năm.

Cao su được mệnh danh là "vàng trắng", từng là cây trồng chủ lực phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, giá giảm sâu trong nhiều năm qua đã khiến diện tích trồng thu hẹp, nông dân chuyển đổi cây trồng khác. Hệ quả, Việt Nam phải tăng nhập khẩu nguyên liệu này trong hai năm gần đây.

bv.png

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu cao su về Việt Nam trong tháng 4 đạt hơn 112 nghìn tấn với trị giá hơn 203 triệu USD, giảm 5,2% về lượng và giảm 7,5% về trị giá so với tháng trước đó. Lũy kế trong 4 tháng đầu năm Việt Nam nhập khẩu hơn 539 nghìn tấn cao su với trị giá hơn 945 triệu USD, tăng 7,3% về lượng và tăng mạnh 29,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Xét về thị trường, Campuchia là nhà cung cấp cao su lớn nhất cho nước ta với hơn 190 nghìn tấn, trị giá hơn 275 triệu USD, giảm 4% về lượng nhưng tăng mạnh 27% về trị giá. Đáng chú ý giá cao su nhập khẩu từ Campuchia đã tăng mạnh 32% lên 1.443 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.

b1.png

Nhà cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Việt Nam là Hàn Quốc với gần 62 nghìn tấn, trị giá hơn 105 triệu USD, tăng 14% về lượng và tăng 16% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Giá tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước, đạt bình quân 1.710 USD/tấn.

Đài Loan (TQ) là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 3 của Việt Nam với hơn 21 nghìn tấn, trị giá hơn 45 triệu USD, tăng 6% về lượng và tăng 17% về trị giá so với 4T/2025. Giá bình quân 2.130 USD/tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với ngành cao su Campuchia, theo Khmer Times, trong tháng 2/2025, giá bán cao su bình quân của nước này đạt 1.907 USD/tấn, giảm 26 USD/tấn so với tháng trước đó. Tuy nhiên, mức giá này lại tăng 441 USD/tấn (tăng 30,1%) so với mức 1.466 USD/tấn ghi nhận vào tháng 2/2024.

Giá xuất khẩu gỗ cao su cũng ghi nhận tăng cao khi đạt 330 USD/m3, tăng so với mức giá trung bình năm 2023 - 2024 là khoảng 230 USD/m3.

Theo báo cáo của Tổng cục Cao su, Bộ Nông Lâm ngư nghiệp Campuchia (MAFF), kim ngạch xuất khẩu mủ cao su trong 2 tháng đầu năm 2025 của Campuchia đạt 105,12 triệu USD, xuất khẩu gỗ cao su cũng đóng góp 968.530 USD. MAFF đã phát triển hai giống cao su mới là CRRI 12 và CRRI 19, có năng suất cao và phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Campuchia. Các giống cao su này sẽ được trồng đại trà trong tương lai.

Cũng theo Bộ, Campuchia hiện có 179 nhà máy, phân xưởng chế biến mủ và gỗ cao su, tăng 6 nhà máy so với năm 2023, tạo 140.000 việc làm và hỗ trợ đời sống kinh tế cho 420.000 hộ gia đình. Tổng diện tích trồng cao su của Campuchia đạt 425.443 ha, trong đó 330.259 ha (78%) đã cho thu hoạch, 95.184 ha (22%) vẫn đang trong giai đoạn sinh trưởng.

Năm 2024, tổng doanh thu từ xuất khẩu sản phẩm cao su đạt 671,7 triệu USD, tăng hơn 150 triệu USD so với năm 2023. Ngoài xuất khẩu, 58.000 tấn mủ cao su Campuchia đã được cung cấp cho ba nhà máy sản xuất lốp xe đang hoạt động tại các tỉnh Svay Rieng, Preah Sihanouk và Kratie, thu về 96,4 triệu USD, tăng hơn 50 triệu USD so với năm 2023.

Ở khía cạnh xuất khẩu, Việt Nam vẫn giữ vững vị thế là quốc gia xuất khẩu cao su lớn thứ ba toàn cầu. Trong năm 2024, xuất khẩu cao su Việt Nam đạt 2 triệu tấn, trị giá 3,4 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm 72,1% trong tổng khối lượng cao su xuất khẩu của nước ta. Đây là mức kim ngạch xuất khẩu cao su cao nhất từ trước tới nay. Trước đây, kim ngạch xuất khẩu cao su đạt cao nhất vào năm 2022 với 3,3 tỷ USD.

Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cao su tự nhiên trên toàn cầu đang tăng trưởng đều đặn ở mức 4-6% mỗi năm, đặc biệt từ các ngành sản xuất lốp xe và thiết bị công nghiệp. Điều này tạo cơ hội để các doanh nghiệp Việt đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới.

Hoàng Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán