Hàng trăm nghìn tấn ‘hạt vàng’ từ Mỹ vừa đổ bộ Việt Nam với giá hấp dẫn: Thuế nhập khẩu 0%, là mặt hàng cả thế giới đều cần

13/05/2025 - 17:25
(Bankviet.com) Giá nhập khẩu mặt hàng này từ Mỹ đã giảm đến 13% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường

Hàng trăm nghìn tấn ‘hạt vàng’ từ Mỹ vừa đổ bộ Việt Nam với giá hấp dẫn: Thuế nhập khẩu 0%, là mặt hàng cả thế giới đều cần

Hoàng Anh 13/05/2025 16:50

Giá nhập khẩu mặt hàng này từ Mỹ đã giảm đến 13% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hiệp hội chăn nuôi, lúa mì là loại hạt chủ yếu được sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp. Sản phẩm này không chỉ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng ở trong nước mà còn để xuất khẩu ngày càng tăng. Tuy nhiên, do Việt Nam gần như không trồng được lúa mì nên nguồn cung bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.

bc.png

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu lúa mì về Việt Nam trong tháng 4 đạt hơn 776 nghìn tấn với trị giá hơn 208 triệu USD, tăng mạnh 54,3% về lượng và tăng 56,5% về trị giá so với tháng trước đó.

b3.png

Lũy kế trong 4 tháng đầu năm nước ta đã nhập khẩu hơn 2,4 triệu tấn lúa mì với kim ngạch hơn 637 triệu USD, tăng 4,7% về lượng nhưng giảm nhẹ 0,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Xét về thị trường, Brazil đang là nhà cung cấp lớn nhất cho Việt Nam với hơn 989 nghìn tấn, trị giá hơn 254 triệu USD, tăng 30% về lượng và tăng 32% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Đứng thứ 2 là Úc với hơn 556.275 tấn, trị giá hơn 151 triệu USD, tăng 9% về lượng nhưng giảm 5% về trị giá. Giá bình quân 278 USD/tấn, giảm 12%.

Mỹ là nhà cung cấp lúa mì lớn thứ 3 của Việt nam với hơn 163 nghìn tấn, trị giá hơn 45 triệu USD, giảm 49% về lượng và giảm 56% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá bình quân 286 USD/tấn, tương ứng mức giảm 13%.

Lúa mì là một trong những nguồn lương thực thiết yếu, được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Đồng thời đây cũng là 1 trong những loại ngũ cốc lâu đời nhất thế giới, nó còn có tên gọi khác là lúa miến hay tiểu mạch. Với mức sản lượng đứng sau bắp (ngô) và gạo, nó được xem như nguồn cung cấp lương thực chủ yếu cho con người. Lúa mì được ứng dụng rộng rãi, nhiều nhất chính là làm ra các loại bánh mì, bột mì, tiếp đó là các thực phẩm như mì sợi, bánh kẹo, rượu, bia hay các nhiên liệu sinh học khác.

Theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP, giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của lúa mì từ 3% xuống 0% và mặt hàng ngô từ 5% xuống 2% để hỗ trợ cho ngành chăn nuôi trong nước trước sức ép của việc tăng giá nguyên liệu.

Dự báo sơ bộ của FAO về sản lượng lúa mì toàn cầu năm 2025 tăng nhẹ gần 1% so với năm trước, đạt 796 triệu tấn, chủ yếu sản lượng ở Liên minh châu Âu tăng trở lại, sau khi giảm trong năm 2024. Tại Mỹ, USDA dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 2024-2025 của Mỹ sẽ đạt 50,56 triệu tấn, cao hơn so mức 49,31 triệu tấn của niên vụ hiện tại. Xuất khẩu cũng được kỳ vọng tăng lên 21,09 triệu tấn trong niên vụ tới, từ mức 19,60 triệu tấn trong năm nay.

Về tiêu thụ, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo lượng tiêu thụ trên thế giới dự kiến giảm 1,4 triệu tấn xuống còn 805,2 triệu tấn, chủ yếu do nhu cầu sử dụng thực phẩm, hạt giống và công nghiệp thấp hơn đối với Ấn Độ và Trung Quốc.

Lượng lúa mì dự trữ của Ấn Độ đã tăng 57% lên mức cao nhất trong ba năm là 11,8 triệu tấn vào đầu năm nông nghiệp mới, cao hơn nhiều so với mục tiêu 7,46 triệu tấn của chính phủ và làm giảm nguy cơ thiếu hụt vốn đã khiến giá trong nước tăng vọt trước đó.
Trung Quốc đã giảm mạnh lượng ngũ cốc nhập khẩu từ một số quốc gia, bao gồm Ukraine và EU. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong tháng 3/2025, nước này đã giảm lượng ngũ cốc nhập khẩu gần 4 lần xuống còn 463,9 triệu USD, giảm nguồn cung ngô 23 lần và lúa mì 10,6 lần.

Hoàng Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán