"Combo" hấp dẫn tại QTP: Lãi lớn, cổ tức cao, SCIC sẽ bán vốn thành công?

06/05/2025 - 17:17
(Bankviet.com) Sau 5 năm kể từ lần thoái vốn đầu tiên không thành, SCIC tái khởi động thoái vốn tại Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCoM: QTP) trong đợt 1 năm 2025. Bối cảnh hiện tại đã khác xưa khi doanh nghiệp có nhiều cải thiện hiệu quả hoạt động và tài chính.
Chuyển động

"Combo" hấp dẫn tại QTP: Lãi lớn, cổ tức cao, SCIC sẽ bán vốn thành công?

Hồng Giang 06/05/2025 16:11

Sau 5 năm kể từ lần thoái vốn đầu tiên không thành, SCIC tái khởi động thoái vốn tại Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCoM: QTP) trong đợt 1 năm 2025. Bối cảnh hiện tại đã khác xưa khi doanh nghiệp có nhiều cải thiện hiệu quả hoạt động và tài chính.

Lợi nhuận tăng mạnh, cổ tức chạm ngưỡng 25%

Việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) công bố kế hoạch thoái vốn tại QTP trong đợt thoái vốn năm 2025 khiến doanh nghiệp này trở thành một trong những cái tên đáng chú ý trên thị trường.

Trước đó, vào cuối năm 2019, SCIC từng thông báo sẽ tổ chức đấu giá 51.401.089 cổ phần tại QTP tương ứng 11,42% vốn điều lệ với mức giá khởi điểm 23.800 đồng/cổ phần, tổng giá trị hơn 1.223 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc (16h00 ngày 4/12/2019) không có nhà đầu tư nào đăng ký tham dự đấu giá. Vì vậy, SCIC thông báo không tổ chức phiên đấu giá. Thời điểm đó, dù đã giảm lỗ nhưng Nhiệt điện Quảng Ninh đang gánh khoản nợ phải trả lên tới hơn 6.670 tỷ đồng.

Theo kế hoạch thoái vốn đợt 1 năm 2025 của SCIC gồm 31 doanh nghiệp Nhiệt điện Quảng Ninh nằm trong danh sách này. Tạm tính theo giá thị trường hiện tại là khoảng 13.600 đồng/cổ phiếu, ước tính SCIC dự kiến có thể thu về khoảng 699,08 tỷ đồng.

QTP hiện có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng, trong khi tổng vốn chủ sở hữu tính đến 31/12/2024 đạt 5.055.181.368.829 đồng, bao gồm cả thặng dư vốn cổ phần và các khoản vốn khác.

Về cơ cấu cổ đông, cổ đông trong nước chiếm phần lớn với 5.576 cổ đông, sở hữu tổng cộng 446.086.760 cổ phần, tương ứng 99,13% tổng số cổ phần. Nhóm cổ đông tổ chức trong nước nắm giữ tới 90,54%, trong khi cá nhân trong nước chiếm 8,59%. Cổ đông nước ngoài chiếm tỷ lệ rất nhỏ với 33 cổ đông, chỉ nắm giữ 0,87%, bao gồm 0,838% do tổ chức nước ngoài nắm giữ và 0,032% thuộc về các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài.

Nhóm cổ đông lớn hiện tại của QTP có sự góp mặt của nhiều "ông lớn" ngành điện, cụ thể: Tổng công ty Phát điện 1 đang nắm giữ 42% , Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại sở hữu 16,35%, SCIC nắm 11,42% và Tổng công ty Điện lực TKV giữ 10,62%...

z6570315020507_b699e57f99a5c05cc759f98175b9a2cb.jpg
Các cổ đông lớn tại QTP

Năm 2024, QTP đạt sản lượng điện sản xuất 7,46 tỷ kWh, tương đương 96,2% kế hoạch và 95,4% so với thực hiện năm 2023. Sản lượng điện thương phẩm đạt 6,79 tỷ kWh, hoàn thành 96,6% kế hoạch và bằng 95,6% cùng kỳ. Doanh thu cả năm đạt 11.918 tỷ đồng, bằng 96,8% kế hoạch, trong đó doanh thu bán điện đạt 11.914 tỷ đồng, chiếm gần 100% cơ cấu. Hiệu quả kinh doanh rất ấn tượng với lợi nhuận trước thuế đạt 688,5 tỷ đồng, vượt 24,1% so với kế hoạch, còn lợi nhuận sau thuế đạt 619,3 tỷ đồng.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 11,64%, ROE trung bình ngành 6,7% và lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 8,5%, ROA trung bình ngành đạt 3,21% đều cải thiện rõ rệt so với năm 2023.

z6573015135259_1da8c512c114ead1efea425dcd5fd676.jpg
QTP duy trì hoạt động sản xuất ổn định, ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong các năm gần đây, Nguồn: Fitrade.kinhtechungkhoan.vn

Không chỉ kinh doanh hiệu quả, QTP còn duy trì chính sách cổ tức hấp dẫn. Trong năm 2024, công ty chi cổ tức 2023 bằng tiền tương ứng với 15% vốn điều lệ. Đồng thời đã tiến hành trả tạm ứng cổ tức năm 2024 bằng tiền với tỷ lệ trả cổ tức 10%.

Về đầu tư xây dựng, tổng kế hoạch vốn năm 2024 là 182 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân hoàn thành 75,5 tỷ đồng, tương đương 41,5% kế hoạch. Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh 2 đã giải ngân 67,7 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch 135 tỷ đồng. Dự án bể lắng bùn cát hoàn thành 7,8 tỷ đồng trong tổng kế hoạch 8,6 tỷ đồng. Các dự án còn lại với kế hoạch vốn 38 tỷ đồng đang triển khai tiếp tục trong năm tới.

Bên cạnh đó, tính đến cuối năm 2024, QTP cũng đầu tư vào Công ty cổ phần dịch vụ sửa chữa Nhiệt điện Miền bắc (NPS) giá trị 1,5 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 1,25% vốn điều lệ của NPS. Hiệu quả vốn đầu tư trong năm 2024, NPS đã thực hiện thanh toán cổ tức 6,5%, tương đương giá trị 0,097 tỷ đồng. Kết quả chuyển vốn đầu tư, QTP đã ủy quyền cho EVNGENCO1 chuyển nhượng vốn đầu tư của QTP tại NPS cùng trong chương trình chuyển nhượng vốn của EVNGENCO1.

Tại thời điểm cuối năm 2024, tổng tài sản của QTP đạt 7.422 tỷ đồng, trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm khoảng 61% tổng tài sản với 4.549 tỷ đồng và tài sản dài hạn cuối năm 2024 đạt 2.873 tỷ đồng, giảm 16,4% so với đầu năm.

Bước sang quý I năm 2025, bức tranh tài chính của QTP tiếp tục duy trì sự ổn định với tổng tài sản ghi nhận ở mức 6.992 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn với 4.258 tỷ đồng, phản ánh chiến lược duy trì thanh khoản linh hoạt.

Tài sản dài hạn ghi nhận 2.734 tỷ đồng, trong đó tài sản cố định vẫn giữ vai trò chủ lực với giá trị 2.674 tỷ đồng, bên cạnh tài sản dở dang dài hạn 5,5 tỷ đồng và tài sản dài hạn khác ở mức 54,7 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ ngắn hạn tại thời điểm quý I ghi nhận 1.666,9 tỷ đồng và nợ dài hạn là 97,8 tỷ đồng, đưa tổng nợ phải trả lên 1.764,6 tỷ đồng, tương ứng khoảng 25% tổng tài sản. Tỷ lệ nợ ở mức thấp tiếp tục phản ánh một cấu trúc tài chính lành mạnh, ít rủi ro và đủ dư địa để huy động vốn đầu tư trong tương lai khi cần thiết.

Trong năm 2025, QTP đặt mục tiêu kế hoạch doanh thu đạt 11.933 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 575 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 460 tỷ đồng. Mặc dù chỉ tiêu lợi nhuận có phần thận trọng hơn so với năm 2024, nhưng công ty vẫn cho thấy cam kết chia sẻ giá trị với cổ đông khi dự kiến tiếp tục chi trả cổ tức bằng tiền mặt ở mức 10% vốn điều lệ.

SCIC thoái lui, kỳ vọng sẽ thay đổi điều gì tại QTP?

Với mức giá thị trường hiện tại khoảng 13.600 đồng/cổ phiếu, định giá toàn doanh nghiệp vào khoảng 6.120 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu là hơn 5.055 tỷ đồng, tương đương P/B khoảng 1,2 lần. Với lợi nhuận sau thuế 619,26 tỷ đồng, P/E tương ứng vào khoảng 9,89 lần. Đây là mức định giá tương đối khiêm tốn so với mặt bằng chung các doanh nghiệp trong ngành điện có nền tảng tài sản lớn, dòng tiền đều và cổ tức tiền mặt hấp dẫn. Đặc biệt, với tổng tài sản gần 7.000 tỷ đồng và tỷ lệ nợ ở mức thấp, QTP có đủ dư địa để tăng đòn bẩy hợp lý trong các chu kỳ đầu tư tiếp theo mà không ảnh hưởng đến cấu trúc tài chính an toàn.

Điều này khiến QTP trở thành mục tiêu phù hợp không chỉ với nhà đầu tư chiến lược muốn nắm quyền chi phối mà cả các nhà đầu tư tổ chức tìm kiếm cổ phiếu cổ tức cao, hoạt động ổn định và tiềm năng tăng giá khi cải thiện được hiệu quả quản trị và cấu trúc sở hữu.

nhiệt điện Quảng Ninh
SCIC dự kiến thoái vốn 11,42% vốn điều lệ tại QTP trong năm 2025

Ở góc nhìn ngắn hạn, QTP hấp dẫn với vai trò là cổ phiếu cổ tức cao, nền tảng tài chính an toàn và kết quả kinh doanh ổn định. Với lợi nhuận quý I/2025 tiếp tục duy trì tích cực và cấu trúc nợ thấp, cổ phiếu có thể được hỗ trợ bởi yếu tố dòng tiền cổ tức và thông tin thoái vốn.

Trong trung hạn, việc SCIC thoái vốn nếu diễn ra thành công sẽ là chất xúc tác giúp cổ phiếu tái định vị trong trương hợp có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược mới. Cổ đông mới có thể thúc đẩy các chương trình cải tổ quản trị, tối ưu hóa hiệu suất vận hành và mở rộng hoạt động đầu tư, từ đó nâng cao tỷ suất sinh lời cho doanh nghiệp.

Đối với các nhà đầu tư chiến lược, thương vụ thoái vốn của SCIC tại QTP là một cơ hội tiếp cận một tài sản điện lực đã vào chu kỳ sinh lời ổn định, hệ thống vận hành đã chứng minh hiệu quả qua nhiều năm. Nhà đầu tư có thể tập trung vào ba yếu tố cốt lõi: nâng cao hiệu suất thiết bị, kéo dài vòng đời tài sản thông qua đầu tư công nghệ, và tối ưu hóa vốn lưu động. Mục tiêu không chỉ là duy trì hoạt động ổn định, mà là tạo bước nhảy mới về hiệu quả tài chính và tỷ lệ sinh lời trên mỗi đơn vị vốn.

Đối với các nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân dài hạn, QTP đáp ứng các tiêu chí quan trọng của một cổ phiếu phòng thủ - đó là dòng tiền đều đặn, cổ tức cao và hoạt động kinh doanh không bị ảnh hưởng lớn bởi chu kỳ kinh tế.

Nhìn chung, thoái vốn Nhà nước tại QTP không chỉ mang tính kỹ thuật về cơ cấu cổ đông, mà còn có thể là khởi đầu cho một giai đoạn chuyển mình chiến lược. Với tổng tài sản gần 7.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ thấp và suất sinh lời tốt hơn mặt bằng nhiều doanh nghiệp cùng ngành, QTP có đủ nền tảng để chuyển đổi thành một công ty điện lực tự chủ và dẫn dắt phân khúc sản xuất điện truyền thống trong thời kỳ tái cơ cấu ngành năng lượng.

Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh được thành lập vào năm 2002 với các cổ đông sáng lập gồm: Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Than - Khoáng Sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Cơ khí Xây Dựng (COMA), Tổng Công ty Xuất Nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (VINACONEX) và Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA). Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý vận hành nhà máy nhiệt điện, sản xuất, truyền tải và phân phối điện năng.

QTP hiện đang quản lý vận hành 4 tổ máy phát điện thuộc Dự án Nhiệt điện Quảng Ninh 1 và Dự án Nhiệt điện Quảng Ninh 2 với tổng công suất 1.200MW. Ngoài ra, Công ty còn tham gia bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng, sản xuất bê tông, vôi và thạch cao, và xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác. QTP được giao dịch trên thị trường UPCOM từ tháng 3/2017.

Thành viên và cơ cấu của Hội đồng quản trị Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh:

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP); tỷ lệ sở hữu cổ phần có quyền biểu quyết 14,7%.

Ông Ngô Sinh Nghĩa - Thành viên HĐQT QTP; tỷ lệ sở hữu cổ phần có quyền biểu quyết 10,5% (nắm giữ 47.248.456 cổ phần của Tổng công ty Phát điện 1 - cổ đông lớn của QTP, tương đương 25%).

Ông Nguyễn Việt Dũng - Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc QTP (từ ngày 01/10/2024); tỷ lệ sở hữu cổ phần có quyền biểu quyết 8,4% (sở hữu 37.798.765 cổ phần của Tổng công ty Phát điện 1 - cổ đông lớn của QTP, tương đương 20%).

Ông Phan Duy An - Thành viên HĐQT QTP; tỷ lệ sở hữu cổ phần có quyền biểu quyết 8,4%.

Ông Nguyễn Quang Huy - Thành viên HĐQT QTP, Đại diện phần vốn của Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC); tỷ lệ sở hữu cổ phần có quyền biểu quyết 16,4%.

Ông Đoàn Xuân Hiệu - Thành viên HĐQT QTP (đến ngày 03/10/2024), Đại diện phần vốn của Tổng Công ty Điện lực TKV - CTCP; tỷ lệ sở hữu cổ phần có quyền biểu quyết 10,6%.

Bà Trần Thị Kim Chi - Thành viên HĐQT QTP (từ ngày 3/10/2024), Đại diện phần vốn của Tổng Công ty Điện lực TKV - CTCP; tỷ lệ sở hữu cổ phần có quyền biểu quyết: 10,6%.

Ông Trần Đức Hùng - Thành viên HĐQT, Đại diện phần vốn của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC); tỷ lệ sở hữu cổ phần có quyền biểu quyết 11,4%.

Hồng Giang

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán