‘Vàng nâu’ của Việt Nam bất ngờ lên cơn sốt: Đức, Italy đều đua nhau mua, lên kệ tại 80 quốc gia
Loại nông sản này vừa thu về gần 4 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê trong tháng 4 của Việt Nam đạt hơn 166 nghìn tấn, trị giá hơn 965 triệu USD, giảm 8% về lượng và giảm 9,2% về trị giá so với tháng trước đó. Lũy kế trong 4 tháng đầu năm mặt hàng này đã thu về gần 3,8 tỷ USD với hơn 665 nghìn tấn, giảm 9,4% về lượng nhưng tăng mạnh 51,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.

Giá xuất khẩu trung bình tăng vọt lên ngưỡng 5.700 USD/tấn - cao hơn tới 67,5% so với năm trước. Đây là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây, phản ánh sức hấp dẫn ngày càng lớn của cà phê Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Xét về thị trường, Đức là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam với hơn 112 nghìn tấn, trị giá hơn 628 triệu USD, tăng 17% về lượng và tăng mạnh 98% về trị giá so với 4T/2024. Giá tăng 68%, tương đương 5.566 USD/tấn.
Đứng thứ 2 là Italy với hơn 57 nghìn tấn, trị giá hơn 307 triệu USD, giảm 34% về lượng nhưng tăng 34% về trị giá. Bình quân giá xuất khẩu đạt 5.322 USD/tấn kể từ đầu năm, tăng mạnh 71%.

Tây Ban Nha là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 với hơn 50 nghìn tấn, trị giá hơn 292 triệu USD, giảm 9% về lượng nhưng tăng mạnh 51% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Giá bình quân 5.834 USD/tấn, tăng mạnh 67%.
Quỹ Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo, giá cà phê trung bình toàn cầu trong năm 2025 có thể tăng cao hơn nữa nếu sản lượng giảm đáng kể ở các vùng trồng cà phê chính trên toàn cầu. Nhu cầu đã vượt cung trong nhiều năm, khiến các hoạt động đầu cơ mua bán đẩy giá thị trường tăng cao hơn nữa.
Tại Việt Nam, thời tiết khô hạn kéo dài đã khiến sản lượng cà phê giảm 20% trong niên vụ 2023-2024, trong đó xuất khẩu giảm 10% trong năm thứ hai liên tiếp. Tương tự, tại Indonesia, sản lượng cà phê niên vụ 2023-2024 giảm 16,5% do lượng mưa lớn vào làm hư hại quả cà phê. Tại Brazil, tình trạng thời tiết khô nóng cũng khiến sản lượng cà phê không đạt mức dự báo, dẫn đến xuất khẩu giảm 1,6% trong niên vụ 2023-2024.
Brazil hiện sản xuất 40% cà phê thế giới, tiếp theo là Việt Nam (17%), Colombia (7%), Indonesia (6%) và Ethiopia (5%). Các quốc gia như Togo, Bờ Biển Ngà và Kenya cũng được xem là tiềm năng nếu khí hậu tiếp tục thay đổi.
Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 1,34 triệu tấn cà phê, lập kỷ lục về kim ngạch, với 5,62 tỷ USD. Giá cà phê xuất khẩu bình quân của năm 2024 cũng thiết lập mốc kỷ lục 4.177 USD/tấn, tăng 59% so với mức giá xuất khẩu bình quân 2.613 USD/tấn của năm 2023.
Lý giải nguyên nhân khiến giá cà phê liên tục phi mã, các nhà phân tích cho rằng, mặc dù Chính phủ của Tổng thống Trump chưa tăng thuế đối với cà phê từ châu Mỹ, nhưng những lo ngại về việc Mỹ sẽ tăng thuế đang khiến các thương nhân tại quốc gia này gia tăng nhập khẩu cà phê để chạy trước thuế. Hiệp hội Cà phê quốc gia Mỹ (NCA) nhận định, nếu Mỹ đánh thuế cao lên cà phê Brazil và cà phê từ các nước Bắc Mỹ, giá cà phê ở thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng vọt.
Về giá cà phê trong nước, trong gần hai thập kỷ, nông dân trồng cà phê Robusta ở Tây Nguyên chỉ bán được sản phẩm với giá trên dưới 40 triệu đồng/tấn, nhưng trong hai năm qua, giá cà phê đã tăng gấp 3,5 lần. Đến thời điểm này, nông dân trồng cà phê Robusta ở Tây Nguyên bán sản phẩm với giá trên dưới 134 triệu đồng/tấn.