Mới đây, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu A1-1 Thi công phần còn lại của Gói thầu A1 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (tổng mức đầu tư 29.586 tỷ đồng).
Theo đó, Nhà thầu trúng thầu là Liên danh Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng - Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Liên danh 319 - Vinaconex). Giá trúng thầu là 447,222 tỷ đồng, đã bao gồm các loại thuế, phí và dự phòng (giá dự toán 448,243 tỷ đồng); thời gian thực hiện hợp đồng 10 tháng, hợp đồng theo đơn giá cố định.
Điểm qua “năng lực” liên danh Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng - Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam.
Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, VCG: HOSE), tiền thân là Công ty dịch vụ và xây dựng nước ngoài, được thành lập vào tháng 9/1988. Doanh nghiệp này thực hiện cổ phần hóa vào năm 2006 rồi "ra mắt" thị trường chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) hai năm sau đó. Đến năm 2020, Vinaconex chính thức chuyển sàn, niêm yết tại Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và hiện đang lưu hành 534,465,514 cổ phiếu. Vốn điều lệ của Vinaconex hiện tại đạt hơn 4.858,8 tỷ đồng.
Vinaconex vốn được biết đến là một trong những nhà thầu hàng đầu Việt Nam. Đặc biệt, trong năm 2023 - năm trọng điểm của đầu tư công, doanh nghiệp này nổi lên là một trong những "ngôi sao sáng", khi liên tục góp mặt dự thầu và trúng thầu nhiều dự án lớn.
Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm, Vinaconex đã trúng thầu 6 dự án lớn với tổng giá trị 17.904 tỷ đồng. Trong đó, có 4 dự án liên danh, bao gồm: dự án cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi trị giá 5.232 tỷ đồng (liên danh với Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng); dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang 3.549 tỷ đồng, (liên danh với Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải); dự án cao tốc Vũng Áng – Bùng với 5.200 tỷ đồng (liên danh Sơn Hải - Vinaconex - Công ty CP 484 - Công ty CP Xây lắp 368 - Công ty CP 479 Hòa Bình); dự án núi giao Phú Thứ, tuyến đường kết nối TP. Phủ Lý (Hà Nam) 1.207 tỷ đồng (cùng với Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính thi công). Hai dự án còn lại được VCG thi công độc lập bao gồm cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang 900 tỷ đồng và Vành đai 4 - Hà Nội với 1.816 tỷ đồng.
Đáng chú ý, "ông lớn" làng thầu này còn góp mặt trong Liên danh Vietur trúng gói thầu 5.10 và nằm trong liên danh duy nhất đáp ứng yêu cầu kỹ thuật gói thầu 4.6. Đây là hai gói thầu thi công nhà ga hành khách và các hạng mục quan trọng thuộc dự án sân bay Long Thành.
Đáng chú ý trước đó, VCG cũng đã tham gia 3 gói thầu khác thuộc dự án Long Thành gồm: Gói 3.4 - Thi công san nền và thoát nước, với tổng vốn đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng; gói 2.4 - Thi công xây dựng công trình tường rào với trị giá 24,1 tỷ và gói 1.3 - Thi công rà phá bom mìn (141,3 tỷ). Ngoài ra, theo một số thông tin, Vinaconex cũng đang nộp thầu thêm nhiều hạng mục khác ở dự án trọng điểm quốc gia này, như đường cất hạ cánh với giá trị gói thầu 6.721 tỷ đồng và các hạng mục như sân đỗ, đài điều khiển không lưu cao…
Về tình hình kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2023, Vinaconex ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.381 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù đã được tiết giảm nhưng giá vốn hàng bán vẫn neo cao ở mức 2.318 tỷ đồng, “ngốn” gần hết doanh thu. Do đó, lợi nhuận gộp chỉ đạt 63.2 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ.
Trong quý III, doanh thu hoạt động tài chính giảm 58%, xuống còn 44,7 tỷ đồng. Chi phí tài chính ghi nhận ở mức 159 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới 202 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022, còn chi phí bán hàng tăng gấp gần 2 lần, lên mức 31 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của Vinaconex đạt 24,5 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 9 tháng, Vinaconex đạt 8.915 tỷ đồng doanh thu, tăng 33% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 205 tỷ đồng, giảm gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả kinh doanh trong thời gian gần đây |
Về sức khoẻ tài chính, tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Vinaconex đạt 30.032 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận ở mức 1.269 tỷ đồng. Hàng tồn kho đạt 6.988 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với đầu năm, chủ yếu nằm ở chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Vinaconex tại cuối quý III giảm hơn 2.000 tỷ đồng, về còn 20.007 tỷ đồng. Nợ vay tài chính của Vinaconex giảm 14%, về còn 11.624 tỷ đồng, bao gồm 6.203 tỷ đồng vay tài chính ngắn hạn và 5.422 tỷ đồng vay dài hạn.
Cơ cấu tài sản và nguồn vốn của Vinaconex |
Theo tìm hiểu, năm 2010, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra quyết định số 606/QĐ-BQP chuyển Công ty xây dựng 319 thành Công ty TNHH MTV 319 hoạt động theo hình thức Công ty mẹ - Công ty con. Hơn một năm sau đó, công ty đổi tên thành Tổng Công ty 319 với vốn điều lệ 650 tỷ đồng, đồng thời bổ nhiệm ông Phùng Quang Hải làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên. Đến năm tháng 11/2016, Tổng Công ty 319 có sự thay đổi lớn khi Tổng giám đốc Trần Đăng Tú được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐTV thay ông Phùng Quang Hải.
Theo giới thiệu trên website của Tổng công ty 319, doanh nghiệp này có 15 công ty con và 10 đơn vị thành viên.
Từ khi mới thành lập cho đến cuối năm 2016, Tổng công ty 319 là chủ đầu tư hoặc liên danh của rất nhiều dự án BT, BOT hay bất động sản.
Thứ nhất, dự án đường giao thông từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn được thực hiện theo hình thức BT, dài gần 66km với tổng mức đầu tư hơn 4.598 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2014 và đã hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 9/2017. Chủ đầu tư của dự án này là liên danh Tổng công ty 319, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi và Tổng công ty CP Đầu tư xây dựng & Thương mại Miền Trung. Liên danh này đã lập ra Công ty TNHH BT Thọ Xuân Nghi Sơn với vốn điều lệ 492 tỷ đồng. Trong đó, Tổng công ty 319 chiếm 40% vốn điều lệ, 60% vốn điều lệ được chia đều cho hai thành viên còn lại.
Thứ hai, dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT do Liên danh Công ty CP tập đoàn Đại Dương (Oceangroup), Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty CP đầu tư và thương mại 319 và Công ty CP đầu tư Văn Phú Invest làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng.
Để thực hiện dự án, Liên danh đã lập ra Công ty CP đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang với vốn điều lệ 496,322 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm: 319 góp 19%, Vinaconex góp 21%, Oceangroup góp 41% và Văn Phú Invest góp 15%. Dự án được khởi công từ tháng 2/2014 và hoàn thành vào đầu năm 2016. Dự án này từng bị Tổng cục Đường bộ yêu cầu báo cáo, giải trình sự chênh lệch về mức thu bình quân ngày của 10 ngày kiểm tra, giám sát tăng 8,27% với mức thu thực tế bình quân ngày trước đó.
Thứ ba, dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo QL20, đoạn Km 123 + 105 - Km 268 thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT và BT, với tổng mức đầu tư 2.451,31 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là liên danh: Tổng công ty 319, Công ty Thái Sơn và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh.
Tháng 3/2014, Liên danh trên đã thành lập Công ty TNHH BOT và BT quốc lộ 20 có số vốn điều lệ là 555,3 tỷ đồng do ông Nguyễn Việt Dũng làm đại diện pháp luật. Trong đó, Tổng công ty 319 góp 222,12 tỷ đồng (tương đương 40%), Công ty Thái Sơn và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh mỗi công ty góp 166,59 tỷ đồng (tương đương 30%).
Thứ tư, dự án Khu trung tâm đô thị Thương mại - Dịch vụ - Tài chính - Du lịch Nha Trang được UBND tỉnh Khánh Hòa công bố quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Phân khu 1 vào tháng 4/2014. Theo đó, khu vực sân bay Nha Trang cũ (có diện tích khoảng 238 ha) sẽ trở thành một trung tâm với chức năng đô thị - thương mại – dịch vụ - tài chính – du lịch, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật gần 680 tỷ đồng. Sau đó, dự án được giao cho liên danh Công ty CP đầu tư bất động sản Thành Đông và Tổng công ty 319 là chủ đầu tư.
Ngoài các dự án trên, Tổng công ty 319 còn tham gia đầu tư vào nhiều dự án khác như: Dự án đầu tư (BOT) nâng cấp mặt đường QL1A đoạn Phan Thiết - Đồng Nai; Dự án đầu tư (BT) xây dựng cầu đường Bình Tiên nối quận 6, quận 8, Bình Chánh, TP.HCM; Dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho cán bộ chiến sĩ công an tại Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội; Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp Minh Khai mở rộng tại thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên; Dự án khu nhà ở cán bộ Viettel tại xã An Khánh, Hoài Đức…
Mới nhất là gói thầu xây lắp thuộc Dự án Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý (Đà Nẵng) với giá trúng thầu 535 tỷ đồng; Gói thầu số 16 thuộc Dự án Đường liên huyện dọc kênh chính qua huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong (311 tỷ đồng); Gói thầu số 1 thuộc Dự án Công trình đường ven sông Cái Lớn, tỉnh Kiên Giang (216 tỷ đồng).
Về tình hình kinh doanh, năm 2022, Tổng Công ty 319 có giá trị sản xuất đạt 4.289 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch của Tổng công ty và Bộ Quốc phòng giao; doanh thu đạt 4.517 tỷ đồng, bằng 107% kế hoạch của Tổng công ty và 113% kế hoạch của Bộ Quốc phòng giao; lợi nhuận trước thuế đạt 91,08 tỷ đồng, bằng 122% kế hoạch của Tổng công ty và Bộ Quốc phòng giao.
Vinaconex tăng vốn gấp đôi cho công ty con để trả nợ ngân hàng Công ty mẹ - Vinaconex muốn bơm thêm gần 80 tỷ đồng cho công ty con - Vinaconex 25 thông qua việc chào bán cổ ... |
9 tháng đầu năm, lãi sau thuế của Vinaconex (VCG) "bốc hơi" gần 80% 9 tháng đầu năm, mặc dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận sau thuế của Vinaconex chỉ đạt 205 tỷ đồng, giảm gần 80% so ... |
Doanh nghiệp bất động sản quý III: Lợi nhuận “héo hon”, loay hoay xử lý hàng tồn kho và nợ vay Chi phí, hàng tồn kho, nợ vay là những yếu tố kìm hãm sự vực dậy của các doanh nghiệp bất động sản. |
Tiểu Vy