Hé lộ ngân hàng duy nhất giữ được tỷ lệ nợ xấu dưới 1%

31/10/2023 - 14:23
(Bankviet.com) Tính đến cuối quý III/2023, chỉ còn lại một ngân hàng giữ được tỷ lệ nợ xấu dưới 1% đó là Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), trong khi tỷ lệ này vào cuối năm 2022 đang là 6 nhà băng.

Vietcombank báo lãi quý III tăng 20%, số dư nợ xấu vọt tăng 84% sau 9 tháng

Vietbank báo lãi quý III lao dốc 67%, nợ xấu tăng 24%

Loạt nhà băng rầm rộ thanh lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ nhưng vẫn "ế"

Theo báo cáo tài chính quý III/2023 của Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank, HNX:BAB) cho thấy, nợ xấu cuối quý III ở mức 762 tỷ đồng, tăng 48% so với hồi đầu năm chủ yếu do nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 tăng mạnh. Trong khi đó, nợ nhóm 5 ở mức 424 tỷ đồng, tương đương với hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của ngân hàng này tăng từ 0,55% (cuối năm 2022) lên 0,7% (quý II/2023) và 0,77% (quý III/2023). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu BacABank đạt 144%.

BacABank là ngân hàng nhỏ hiếm hoi thường xuyên nằm trong nhóm những ngân hàng tỷ lệ nợ xấu thấp, thậm chí hiện là ngân hàng thấp nhất.

Hé lộ ngân hàng duy nhất giữ được tỷ lệ nợ xấu dưới 1%
Chỉ còn một ngân hàng giữ được tỷ lệ nợ xấu dưới 1%

Về bức tranh tài chính của ngân hàng, BacABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong quý III/2023 ở mức 77 tỷ đồng, giảm tới 73% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức lãi quý thấp nhất của Ngân hàng này kể từ năm 2016.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần giảm nhẹ 1%, còn 1,645 tỷ đồng. Lãi trước thuế 9 tháng giảm 23% so với cùng kỳ, còn hơn 551 tỷ đồng. Lãi sau thuế cũng giảm 22%, còn hơn 444 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản BacABank đạt 145.000 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cuối năm 2022. Trong đó, tiền mặt giảm 16% (còn 597 tỷ đồng), tiền gửi tại NHNN giảm 41% (còn 463 tỷ đồng), tiền gửi tại TCTD khác cũng giảm 17% (còn 9,106 tỷ đồng)… Tín dụng tăng 4,8% so với đầu năm, tiền gửi khách hàng tăng 18,2% so với đầu năm.

Trên sàn chứng khoán, đóng phiên giao dịch ngày 30/10, cổ phiêu BAB đang ở mức 12.700 đồng/cp, khối lượng giao dịch là 2.470 đơn vị.

Ở diễn biến liên quan, các ngân hàng từng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1% trong nhiều năm liền như ACB, Vietcombank, Techcombank đều đã ghi nhận tỷ lệ này tăng lên trong năm nay và vượt mốc 1%.

Cụ thể, tại Ngân hàng Vietcombank, dư nợ cho vay khách hàng tăng hơn 44.700 tỷ trong 9 tháng đầu năm, tương đương tăng 3,9%. Nợ xấu cuối quý 3 là 14.393 tỷ đồng, tăng 84% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 0,68% cuối năm 2022 lên 1,21% (tháng 9/2023). Tỷ lệ này cũng cao hơn đáng kể so với mức 0,82% ghi nhận vào cuối quý 2/2023.

Tuy nhiên, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của Vietcombank vẫn rất cao, đạt 270%, là mức cao nhất toàn ngành. Theo đó, cứ mỗi đồng nợ xấu thì Vietcombank đã trích lập 2,7 đồng.

Tại Techcombank, nợ xấu tăng 113% trong 9 tháng đầu năm lên 6.467 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 0,74% (cuối năm 2023) lên 1,07% (quý II/2023) và tiếp tục lên 1,4% (quý III/2023). Tính chung nợ vay và trái phiếu doanh nghiệp, tỷ lệ này ở mức 1,3%. Sự gia tăng này chủ yếu đến từ nợ xấu của khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp SME, trong khi nợ cấu của doanh nghiệp lớn vẫn ở mức 0%. Mặc dù nợ xấu tăng nhưng chi phí tín dụng của ngân hàng nhìn chung ổn định ở mức 0,7% trước hoàn nhập và 0,5% sau hoàn nhập, phản ánh giá trị lớn của tài sản đảm bảo.

Ngân hàng Techcombank cho biết, điểm tích cực là tỷ lệ nợ xấu tuy tăng lên nhưng tỷ lệ nợ nhóm 2 đã giảm mạnh từ 2,1% (quý II/2023) xuống 1,3%. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu tại Techcombank đạt 93%, tức cứ mỗi một đồng nợ xấu thì ngân hàng cũng đã trích lập gần 1 đồng.

Tại ACB, nợ xấu ngân hàng cũng tăng 77,4% trong 9 tháng đầu năm lên 5.401 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 136% lên 1.045 tỷ; nợ nhóm 4 tăng 132% lên 1.014 tỷ; nợ nhóm 5 tăng 54% lên 3341 tỷ đồng. Theo đó tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 0,7% (cuối năm 2022) lên 1,06% (quý II/2023) và 1,2% (quý III/2023). Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt 95%.

Đáng chú ý, dù tỷ lệ nợ xấu tăng nhưng 3 ngân hàng trên vẫn đang là những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất với tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp trong hệ thống. Đồng thời, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của những ngân hàng này cũng thuộc top đầu.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã từ 2% hồi đầu năm tăng vọt lên 3,56% đến cuối tháng 7/2023, tương đương hơn 440.000 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, NHNN cho biết, tỷ lệ nợ xấu trên đã bao gồm cả 5 nhà băng đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Sài Gòn (SCB), Đông Á (Dong A Bank), Xây Dựng (CBBank), Đại Dương (OceanBank) và Dầu khí Toàn cầu (GPBank). Nếu loại trừ 5 ngân hàng này ra, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các nhà băng hiện ở mức 1,92%.

Nếu tính nợ xấu nội bảng cộng thêm các khoản nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống tổ chức tín dụng (gồm các khoản được giữ nguyên nhóm, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn thành nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...), tỷ lệ này là 6,16% (tương đương 768.000 tỷ đồng).

NHNN trình phương án tăng vốn điều lệ cho nhóm Big 4

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa trình phương án tăng vốn điều lệ cho 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, với mục ...

Nguyên nhân khiến lợi nhuận nhiều ngân hàng sụt giảm

Ngành ngân hàng đang phải chịu ảnh hưởng không nhỏ từ xu hướng giảm lãi suất, kéo theo mức giảm thu nhập lãi thuần. Ngoài ...

Nợ xấu ngân hàng tăng nhanh: Khi nào đạt đỉnh?

Ở thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý III với tình hình nợ xấu đáng lo ngại.

Thiên Thanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán