Toàn cảnh buổi Tập huấn. Ảnh: Bảo Đăng |
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng tham dự khai mạc chương trình Tập huấn. Cùng tham dự chương trình còn có bà Lin Huang, Trưởng nhóm Cơ sở Hạ tầng tài chính, Bộ phận Tư vấn các định chế tài chính, IFC; ông Jinchang Lai, chuyên gia trưởng Nhóm Phát triển Cơ sở Hạ tầng tài chính, IFC; bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Văn Trình, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế thuộc Hiệp hội Ngân hàng và các đại biểu đến từ các tổ chức hội viên Hiệp hội.
Thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế
Phát biểu khai mạc Tập huấn, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) thường tiềm ẩn nhiều rủi ro, để hạn chế rủi ro có thể xảy ra dẫn đến các tranh chấp phát sinh trong quá trình thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm, khâu soạn thảo Hợp đồng có vai trò hết sức quan trọng. Nhìn chung, hợp đồng tín dụng giữa TCTD và khách hàng phải lập bằng văn bản và phải có tối thiểu 14 nội dung theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, hợp đồng còn có những nội dung thỏa thuận riêng tùy thuộc vào TCTD và khách hàng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng phát biểu. Ảnh: Bảo Đăng |
“Hiệp hội nhận được nhiều phản ánh của các TCTD về các tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, trong đó những thỏa thuận chung đã tuân thủ 14 nội dung theo quy định nhưng các thỏa thuận riêng chưa phù hợp dẫn đến khi giải quyết tại Tòa án có nguy cơ vô hiệu một phần hoặc vô hiệu toàn phần. Do đó, các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng cần hết sức chặt chẽ, có khả năng thực hiện được, không trái với quy định pháp luật nhằm đảm bảo khi ra tòa, hợp đồng tín dụng và hợp đồng tài sản bảo đảm được giải quyết đồng bộ cùng nhau, tránh trường hợp bị tách riêng để giải quyết dẫn đến khó khăn khi xử lý tài sản bảo đảm”- ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Vì vậy, buổi tập huấn này nhằm nâng cao kỹ năng soạn thảo Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng bảo đảm cho các TCTD, trong đó tập trung vào nội dung của Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng bảo đảm – đặc biệt là các điều khoản để ngăn ngừa rủi ro về tài sản thế chấp, rủi ro tín dụng và xử lý tài sản bảo đảm - Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Bà Lin Huang, Trưởng nhóm Cơ sở Hạ tầng tài chính, Bộ phận Tư vấn các định chế tài chính IFC (tham dự trực tuyến) |
Đại diện IFC, bà Lin Huang, Trưởng nhóm Cơ sở Hạ tầng tài chính, Bộ phận Tư vấn các định chế tài chính cho biết, IFC đã thúc đẩy khung pháp lý về hợp đồng tín dụng trong khuôn khổ Dự án về tài trợ vốn dựa trên tài sản là động sản cách đây 2 năm. Tại Việt Nam, các ngân hàng thương mại (NHTM) ngày càng sử dụng động sản làm bảo đảm để tài trợ cho vay nhiều hơn, số lượng giao dịch cho vay bằng động sản tăng lên ngay cả trong thời kỳ dịch bệnh. Đây là tín hiệu tích cực. “Hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm là 2 cấu phần quan trọng bên cho vay sẽ ký kết với đối tác để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp mà 2 bên đều phải tôn trọng. Với tầm quan trọng của hoạt động tài trợ vốn với tài sản bảo đảm là động sản, IFC mong chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, đưa ra những hợp đồng và hướng dẫn thực thi nhằm hạn chế rủi ro” – bà Lin Huang nói.
Ông Nguyễn Văn Trình, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng. Ảnh: Bảo Đăng |
Từ góc độ thực tiễn, ông Nguyễn Văn Trình, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng cho biết, có 3 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc soạn thảo hợp đồng bao gồm: quy định pháp lý từ các luật chung, luật chuyên ngành, đến các nghị định, thông tư…; yếu tố kinh doanh (ký ít nhất, ngắn nhất, dễ sử dụng nhất, chi phí thấp nhất) và phải phù hợp với thực tiễn. Khi soạn thảo hợp đồng mẫu thì phải đảm bảo yếu tố công khai, giải thích hợp đồng, tuân thủ quy định về bảo vệ người tiêu dùng theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, tránh trường hợp hợp đồng vô hiệu.
Ông Nguyễn Văn Trình nêu lên một số vấn đề có vướng mắc nhiều nhất xung quanh hợp đồng tín dụng, từ vấn đề tên gọi, các điều khoản cần có phải đúng đề mục theo quy định, mục đích sử dụng vốn cần ghi cụ thể. Điều khoản về sự kiện vi phạm và chế tài là phần rất quan trọng để bảo vệ quyền lợi của ngân hàng cũng như những thỏa thuận về trích thu nợ tại chính bên vay và TCTD khác…
Ông Jinchang Lai, chuyên gia trưởng Nhóm Phát triển Cơ sở Hạ tầng tài chính IFC. Ảnh: Bảo Đăng |
Tại buổi Tập huấn, ông Jinchang Lai chia sẻ những vấn đề cần lưu ý trong việc tài trợ vốn có bảo đảm là động sản. Theo đó, ông Jinchang Lai cho rằng tài trợ vốn có bảo đảm là động sản luôn là một hệ thống sản phẩm chính trong tài trợ thương mại, tại các thị trường phát triển lành mạnh, có tới 60-70% các khoản vay được tài trợ bằng động sản.
Ở Việt Nam, theo tính toán của IFC, có khoảng 30% các khoản tài trợ thương mại có tài sản thế chấp liên quan đến động sản. Ông Jinchang Lai cho rằng cần phải tăng tỷ trọng này, có thể lên 45% trong vài năm nữa. “Cơ hội cho vay dựa trên động sản có thể nhìn thấy khắp nơi xung quanh chúng ta, đó là các khoản vay dành cho doanh nghiệp xuất khẩu dựa trên đơn đặt hàng, được bảo đảm bằng các khoản phải thu trong tương lai, khoản vay dành cho các bên cung ứng của các cửa hàng lớn hay của siêu thị, các công ty cho thuê ô tô, các công ty dọn vệ sinh sẽ được bảo đảm bằng các khoản phải thu, khoản vay dành cho các công ty quản lý tài sản để lắp đặt các tấm điện năng lượng mặt trời trên mái nhà, bảo đảm bằng các thiết bị đã mua và các khoản phải thu trong tương lai, khoản vay cấp cho các bên mua hàng của bên cung ứng trên nền tảng thương mại điện tử sẽ được bảo đảm bằng lô hàng hóa hay các khoản phải thu…” – ông Jinchang Lai nói.
Để có được các bản hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm có chất lượng tốt hơn, ông Jinchang Lai cho rằng ngoài các khóa đào tạo, còn rất nhiều vấn đề cần được tiến hành như việc công bố các quyết định của tòa án trên nền tảng internet, những vụ việc mới thì cần được tổng kết, các hiệp hội ngành nghề cần xây dựng và phát triển những tiêu chuẩn của ngành và các hợp đồng mẫu.
Những lưu ý từ cơ quan tài phán
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Chánh án, Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh phát biểu |
Từ góc nhìn của cơ quan tài phán, bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Chánh án, Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho biết, tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm là loại tranh chấp chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong các loại tranh chấp kinh doanh thương mại. Đồng thời, đây cũng là loại án phức tạp, tỷ lệ hủy, sửa cao.
“Trong những vụ việc tranh chấp hợp đồng tín dụng mà Tòa án thụ lý, giải quyết, có một bộ phận vụ án, Tòa án chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện. Các vụ việc không được chấp nhận toàn phần rơi vào các tình huống lãi trong hợp đồng các bên thỏa thuận không đúng, yêu cầu tính lãi chưa phù hợp; TCTD yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm nhưng Tòa án thấy một số hợp đồng bị vô hiệu và vô hiệu toàn bộ…
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung nhấn mạnh, có một số nội dung các TCTD cần lưu ý khi soạn thảo hợp đồng đó là vấn đề khi thỏa thuận chọn lựa cơ chế trọng tài không đúng, vấn đề lãi hợp đồng và vấn đề giao dịch bảo đảm đối với bất động sản có thể bị Tòa án tuyên vô hiệu.
Việc lựa chọn Trọng tài kinh tế không đúng sẽ làm mất nhiều thời gian khởi kiện tại Tòa án hoặc Trọng tài kinh tế, có nhiều vụ việc khi Trọng tài giải quyết, Tòa án hủy phán quyết vì thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được. Do đó, bà Nguyễn Thị Thùy Dung khuyến nghị các TCTD khi xác lập hợp đồng phải lựa chọn tên Trung tâm trọng tài thật chính xác, thỏa thuận trọng tài kinh tế phải rõ ràng, chính xác, thực hiện được và phù hợp pháp luật (cả nội dung và hình thức). Đặc biệt, cần chú ý thẩm quyền đại diện của người đại diện phía bên kia khi xác lập thỏa thuận trọng tài hoặc giao kết hợp đồng.
Về lãi suất, đối với các hợp đồng xác lập trước ngày 1/1/2017, theo quy định ngân hàng sẽ tính lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả theo mức lãi do các bên thỏa thuận và lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn. Với các hợp đồng xác lập từ ngày 1/1/2017, ngân hàng được tính lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả, lãi quá hạn và lãi chậm thanh toán. Về nguyên tắc, lãi trong hạn do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá quyết định công bố về lãi của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; chỉ áp dụng hoặc lãi chậm thanh toán hoặc lãi phạt đối với số tiền chậm thanh toán.
Khi có tranh chấp, nếu việc thỏa thuận lãi không đúng quy định, Tòa án sẽ không chấp nhận và điều chỉnh phần lãi, kể cả lãi đã thanh toán đồng thời bên yêu cầu không được chấp nhận phải chịu án phí. Do đó, các TCTD cần thỏa thuận lãi đúng quy định pháp luật và khi có tranh chấp, nên đưa ra yêu cầu đúng để tránh mất án phí.
Liên quan hợp đồng bảo đảm tài sản, bà Nguyễn Thị Thùy Dung cho biết, vấn đề thường gặp nhất là hợp đồng thế chấp bị tuyên vô hiệu. Do đó, cần lưu ý các vấn đề pháp lý nhằm hạn chế rủi ro này. Hợp đồng phát sinh hiệu lực khi đăng ký vào sổ đăng ký tại Văn phòng Đăng ký đất đai các quận, huyện. Nếu hợp đồng thế chấp chỉ có vợ hoặc chồng ký, người còn lại không ký/ không biết và sau đó không đồng ý thì hợp đồng bị vô hiệu toàn bộ chứ không phải bị vô hiệu một phần. Trong trường hợp hiện trạng tài sản khi Tòa án giải quyết khác với hợp đồng thế chấp, Tòa án sẽ phải tiến hành xác minh, thẩm định tại chỗ, đo vẽ, định giá… Cùng với đó, pháp luật cũng quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình: trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
Như vậy, trường hợp giao dịch chuyển nhượng nhà đất bị vô hiệu nhưng bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và đã thế chấp nhà, quyền sử dụng đất đó cho ngân hàng theo đúng quy định thì giao dịch thế chấp đó không vô hiệu.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung khuyến nghị các TCTD khi nhận tài sản bảo đảm cần lập biên bản hiện trạng phù hợp với giấy chứng nhận, phải có các đồng sở hữu đồng ý việc thế chấp tài sản, cần xác minh việc quản lý tài sản của chủ sở hữu và sẵn sàng từ chối khi nhận thấy sự rủi ro.
Soạn thảo Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng bảo đảm cần đảm bảo đúng và đủ luôn tạo ra một hành lang bảo vệ và giúp các TCTD hạn chế các rủi ro trong hoạt động, rủi ro thị trường và rủi ro tín dụng. Buổi Tập huấn giúp các các TCTD có thêm các thông tin bổ ích về soạn thảo Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng bảo đảm, qua đó giúp giảm thiểu rủi ro cho các TCTD, đồng thời giúp nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng.
Bùi Trang