Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi các hội viên giảm lãi suất từ 1,5%-2% Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng: Dòng vốn tín dụng chỉ là bổ sung giúp doanh nghiệp vượt khó |
Lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng
Phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, Hiệp hội là một trong những tổ chức hội nghề nghiệp ra đời sớm nhất trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, cùng với sự chuyển đổi mạnh mẽ từ hệ thống ngân hàng “một cấp” sang hệ thống ngân hàng “hai cấp”, hình thành nên cộng đồng các ngân hàng thương mại, công ty tài chính hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường.
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, sự ra đời của Hiệp hội Ngân hàng đã đánh dấu một bước phát triển mới của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam. Từ đây, các tổ chức tín dụng hội viên đã có tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của mình, làm cầu nối giữa tổ chức hội viên với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm mục tiêu: Ổn định, an toàn và hiệu quả, góp phần thực thi chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm |
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng khẳng định, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển 30 năm qua, Hiệp hội Ngân hàng ngày càng hoàn thiện và lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, hoạt động bám sát tôn chỉ, mục đích, ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả. Nếu như khi mới thành lập, Hiệp hội có 35 tổ chức hội viên thì đến nay hiệp hội đã có 75 hội viên, gồm 63 hội viên chính thức, 10 hội viên liên kết và 2 hội viên danh dự. Trong số đó, có 42 ngân hàng thương mại, 14 công ty tài chính, 15 tổ chức trung gian thanh toán và Fintech, 2 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và đào tạo, 2 định chế tài chính khác.
Quy mô và chất lượng hoạt động của các tổ chức hội viên cũng ngày càng tăng lên, chiếm thị phần chủ chốt trên thị trường tiền tệ, tín dụng, quản lý khối tài sản rất lớn, với tổng tài sản đến nay chiếm gần 95% toàn ngành (trên 13,6 triệu tỷ đồng), vốn điều lệ chiếm 90% toàn ngành (715 nghìn tỷ đồng).
Hoạt động góp ý về cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực ngân hàng được Hiệp hội đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh trong những năm qua. Thông qua các hội thảo, tọa đàm, văn bản góp ý, các ý kiến góp ý/phản biện của Hiệp hội Ngân hàng được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan đánh giá cao. Nhiều ý kiến được ghi nhận, tiếp thu, chỉnh sửa và bổ sung vào trong Luật, Nghị định, Thông tư….
Bên cạnh đó, Hiệp hội còn liên tục đổi mới trong hoạt động để thực hiện ngày càng hiệu quả chức năng của mình nhất là trong việc tạo ra môi trường giao lưu, hợp tác giữa các ngân hàng và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động tài chính, tín dụng và đầu tư, triển khai các chương trình đào tạo, hội thảo và hợp tác nghiên cứu giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng của nhân viên ngân hàng, từ đó cải thiện hiệu suất làm việc và chất lượng dịch vụ…
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ |
Phát huy vai trò cầu nối tin cậy của các hội viên
Biểu dương và chúc mừng những thành tích cùng với những đóng góp thiết thực của Hiệp hội Ngân hàng đối với sự nghiệp phát triển của ngành ngân hàng trong 30 năm qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng khẳng định, Hiệp hội Ngân hàng đã và đang hoàn thành rất tốt vai trò, là cầu nối đáng tin cậy giữa các tổ chức hội viên với cơ quan quản lý nhà nước, hỗ trợ các hội viên để cùng hợp tác, phát triển an toàn và hiệu quả. Các tổ chức hội viên đã có sự trưởng thành, lớn mạnh không ngừng cả về quy mô và năng lực hoạt động, góp phần cùng toàn ngành ngân hàng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao.
Theo Phó Thống đốc, sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển đất nước ta đang chuyển sang giai đoạn mới với yêu cầu cao hơn, nặng nề hơn, nhiều vấn đề mới, phức tạp hơn, đặt ra thách thức nhiều hơn cho ngành ngân hàng. Để góp phần cùng toàn ngành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao trong các giai đoạn tới, Phó Thống đốc nhấn mạnh rất cần có sự tham gia tích cực của Hiệp hội Ngân hàng.
Trước những thách thức, nhiệm vụ nặng nề của ngành trong thời gian tới, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng lưu ý Hiệp hội Ngân hàng cần tiếp tục thực hiện tốt và có hiệu quả trong việc tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngân hàng. Tăng cường hơn nữa hoạt động nghiên cứu, nắm bắt các vấn đề thực tiễn của ngành ngân hàng, của các tổ chức hội viên để kịp thời có những đề xuất thiết thực và hiệu quả. Qua đó, góp phần giúp các cơ chế, chính sách, quy định được Ngân hàng Nhà nước ban hành sớm đi vào cuộc sống.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Lễ kỷ niệm |
Bên cạnh đó, Hiệp hội cần tiếp tục làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình, đặc biệt là vai trò tập hợp, đoàn kết, động viên các hội viên hợp tác, hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh doanh; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tổ chức hội viên; tuyên truyền, vận động hội viên nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng; phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo trong hoạt động để đóng góp tích cực hơn nữa vào thành tựu chung của ngành ngân hàng.
Đồng thời, chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ cho các tổ chức hội viên nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực trong hoạt động ngân hàng. Hơn nữa là tăng cường công tác truyền thông về các chủ trương, chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, tích cực đóng góp có hiệu quả vào công tác truyền thông chung của ngành nhằm định hướng dư luận, giúp xã hội hiểu rõ và đúng hơn về hoạt động ngân hàng.
Tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.