Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã làm rất tốt vai trò cầu nối giữa các tổ chức hội viên với cơ quan quản lý nhà nước

11/05/2024 - 20:01
(Bankviet.com) Nhân dịp Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH Việt Nam) kỷ niệm 30 năm thành lập, ông Nguyễn Hồng Hải, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp, đã có những chia sẻ, đánh giá về vai trò, vị thế của Hiệp hội. Theo ông, HHNH Việt Nam đã thực hiện rất tốt vị trí, vai trò của mình là làm cầu nối giữa các hội viên với các cơ quan nhà nước nhằm ổn định và phát triển an toàn, hiệu quả hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam, góp phần thực thi chính sách tiền tệ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
ong-nguyen-hong-hai1.jpg
Ông Nguyễn Hồng Hải, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp

Phóng viên: Được biết, ông và Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp có nhiều dịp làm việc với HHNH Việt Nam (qua các hội thảo, tọa đàm góp ý về các văn bản quy phạm pháp luật…). Qua chất lượng của việc tham gia các hoạt động và các ý kiến góp ý, ông có những nhận định/đánh giá như thế nào về hoạt động của HHNH Việt Nam đối với sự phát triển của nền kinh tế, của ngành Ngân hàng và của các tổ chức hội viên?

Ông Nguyễn Hồng Hải: Trên phương diện phối hợp giữa Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm với HHNH Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm, cá nhân tôi nhận thấy, HHNH Việt Nam trong suốt thời gian qua đã thực hiện rất tốt vị trí, vai trò của mình là làm cầu nối giữa các hội viên với các cơ quan nhà nước nhằm ổn định và phát triển an toàn, hiệu quả hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam, góp phần thực thi chính sách tiền tệ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Riêng đối với lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm, những kết quả trong xây dựng, hoàn thiện thể chế đều thể hiện những dấu ấn quan trọng của HHNH Việt Nam và các hội viên của Hiệp hội trong phản biện chính sách, trong tổng kết thực tiễn, xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và trong triển khai thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, Hiệp hội và các hội viên cũng luôn có những đóng góp quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của hoạt động đăng ký và cung cấp dịch vụ công về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Nhiều ý kiến chất lượng cao về thể chế, về hoạt động đăng ký đã được HHNH Việt Nam, các hội viên trao đổi trực tiếp hoặc gửi đến Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm. Nội dung các ý kiến này khá toàn diện, từ các vấn đề của thực tiễn, yêu cầu cho sự phát triển ổn định, an toàn, hội nhập của thị trường tín dụng cho đến các vấn đề pháp lý liên quan đến giao dịch vay có bảo đảm, thủ tục hành chính liên quan (chủ thể, nghĩa vụ được bảo đảm, tài sản được dùng để bảo đảm, cơ chế xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm; xác lập, thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm; thủ tục, hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm, cơ sở dữ liệu và trực tuyến hóa hệ thống đăng ký…). Chính phủ, Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan khác liên quan đã ghi nhận, cụ thể hóa nhiều ý kiến vào trong quy định pháp luật (gần đây là Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm, các văn bản pháp luật khác liên quan…) vào trong tổ chức thực hiện, thi hành pháp luật, trong cung cấp dịch vụ công về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm.

Qua đó, có thể nhận thấy, HHNH Việt Nam đã góp phần tích cực trong thúc đẩy, hiện thực hóa thể chế, hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm được đổi mới hơn, hoàn thiện hơn, gần với cuộc sống thị trường và đi vào cuộc sống thị trường kịp thời hơn; góp phần hoàn thiện công cụ pháp lý bảo chứng cho sự an toàn, minh bạch hơn về tài sản, giao dịch, khơi thông các quan hệ tài sản và thị trường trong nền kinh tế; các tổ chức tín dụng, người dân, doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn trong cung ứng vốn hoặc trong tiếp cận các nguồn vốn với chi phí thấp hơn, an toàn hơn. Đồng thời, sự tham gia của HHNH Việt Nam cũng giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có được bằng chứng pháp lý chính xác, thuận tiện về tài sản, về giao dịch trong thực hiện quản lý nhà nước hoặc khi giải quyết các vụ việc theo quy định của pháp luật; giảm thiểu nợ xấu cho nền kinh tế; góp phần cải thiện chỉ số hợp đồng về năng lực cạnh tranh ở Việt Nam.

ong-nguyen-hong-hai2.jpg
Ông Nguyễn Hồng Hải, thay mặt lãnh đạo Bộ Tư pháp trao bằng khen cho HHNH Việt Nam về thành tích trong hoàn thiện thể chế về đảm bảo thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm (tháng 10/2021)

Phóng viên: Đâu là điểm ông ấn tượng nhất đối với HHVN Việt Nam? Vì sao?

Ông Nguyễn Hồng Hải: Trong quá trình phối hợp công tác và trong các hoạt động khác liên quan đến lĩnh vực giao dịch bảo đảm, HHNH Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với cá nhân tôi. Nhưng có lẽ điểm ấn tượng nhất đó là sự khẳng định vị trí, vai trò, uy tín của Hiệp hội trong việc làm cầu nối giữa các hội viên với các thiết chế có thẩm quyền về xây dựng thể chế, áp dụng, thi hành pháp luật, qua đó góp phần bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của các hội viên, góp phần duy trì sự vận hành ổn định, an toàn theo hướng phát triển của hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần không nhỏ trong thực thi các chính sách tiền tệ, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước.

Để làm được những điều này, cá nhân tôi nhận thấy, bên cạnh việc luôn nhận được sự quan tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của các cấp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì cũng là do Hiệp hội đã tổ chức điều hành, định hướng hiệu quả các hoạt động thuộc tôn chỉ, mục đích của Hiệp hội, kết hợp trí tuệ của các đơn vị, cá nhân thuộc Hiệp hội, của các hội viên trên tinh thần chủ động, gắn với thực tiễn thị trường tín dụng. Sự chủ động, gắn liền với thực tiễn thị trường tín dụng của HHNH Việt Nam thể hiện từ việc nhận diện vấn đề và phản biện chính sách, quy định trong văn bản hiện hành và trong các dự thảo văn bản của cơ quan có thẩm quyền, cho đến tổ chức triển khai thi hành kịp thời các quy định, chính sách mới trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm.

ae9i9550.jpg
HHNH Việt Nam phối hợp với Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm (tháng 2/2023)

Phóng viên: Để làm tốt hơn nữa chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên, cũng như tham gia tích cực hơn vào hoạt động phản biện về cơ chế, chính sách, qua đó có những đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, của ngành Ngân hàng, cũng như của chính các tổ chức hội viên, theo ông, HHNH Việt Nam nên làm gì trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Hồng Hải: Về vấn đề này, tôi cho rằng, trong thời gian qua, Hiệp hội đã thực hiện rất tốt chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên, đặc biệt là trong hoạt động phản biện về cơ chế, chính sách và trong tổ chức triển khai thi hành pháp luật. Để kế thừa, phát huy hơn nữa những kết quả mang tính nền tảng này, trong thời gian tiếp theo, tôi hy vọng Hiệp hội sẽ: (i) Tiếp tục động viên được sự tích cực của các Hội viên trong việc tham gia ý kiến vào quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, về đăng ký biện pháp bảo đảm nói riêng. Trong đó, việc chọn lọc hội viên, nhóm hội viên hạt nhân trong hoạt động phản biện về cơ chế, chính sách cũng cần hết sức được chú trọng; (ii) Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng cần phát huy hơn nữa vai trò là cầu nối giữa các hội viên với các cơ quan xây dựng, thi hành pháp luật với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt hơn để kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong thực thi các cơ chế chính sách, tạo cơ sở, nhất là cơ sở thực tiễn cho việc đề xuất xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

z3618488565349_a5627dc5307b0d74b72d1b39d8af1753.jpg
Hội thảo “Thực tiễn quốc tế tốt nhất trong điều chỉnh quan hệ pháp lý giữa bên nhận bảo đảm với các chủ nợ, người có quyền khác trên cùng một tài sản” do HHNH Việt Nam phối hợp với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Bộ Tư pháp và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức (tháng 8/2022)

Phóng viên: Năm 2024, HHNH Việt Nam kỷ niệm 30 năm thành lập. Nhân dịp này, ông có kỳ vọng/nhắn gửi gì để Hiệp hội làm tốt hơn nữa vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên, cũng như có nhiều đóng góp trong việc góp ý/phản biện về cơ chế chính sách?

Ông Nguyễn Hồng Hải: Trước hết, thay mặt Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, tôi xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến HHNH Việt Nam và các hội viên của Hiệp hội, đồng thời cũng gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới Hiệp hội và các hội viên đã luôn đồng hành, tham gia tích cực, hiệu quả trong thực hiện các hoạt động của Cục triển khai theo thẩm quyền. Những kết quả trong quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm và trong cung cấp dịch vụ công về đăng ký biện pháp bảo đảm trong suốt thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của HHNH Việt Nam và các hội viên Hiệp hội.

Với những kết quả mà Hiệp hội đã đạt được qua 30 năm thành lập và phát triển, cá nhân tôi tin tưởng sâu sắc và xin chúc HHNH Việt Nam sẽ tiếp tục thu được những kết quả quan trọng hơn nữa để tiếp tục tạo cơ sở vững chắc cho sự vận hành ổn định, an toàn, sự phát triển của hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần đáp ứng kịp thời, hiệu quả những yêu cầu của thị trường, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam chúng ta hiện nay.

Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, phát huy hiệu quả của công tác phối hợp với HHNH Việt Nam trong thực hiện tôn chỉ, mục tiêu của Hiệp hội, cũng như trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, thi hành pháp luật, chính sách về giao dịch bảo đảm, về hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Hải

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ