Đoàn Giám sát thường niên của AMRO tới làm việc với các quốc gia ASEAN+3 để tìm hiểu, cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô, thảo luận chính sách với các cơ quan chức năng và các bên liên quan để có thể đưa ra các đánh giá khách quan về sức khỏe của nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách phù hợp.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ hợp tác tài chính tiền tệ ASEAN+3. Đoàn Giám sát thường niên tới Việt Nam lần này sẽ làm việc từ ngày 18 - 24/9/2023
Trong chương trình công tác, đoàn AMRO đã có buổi làm việc với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam để cập nhật tình hình về triển vọng cho vay, đồng thời thảo luận về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
Tại buổi làm việc với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, TS. Sumio Ishikawwa, Trưởng nhóm - Chuyên gia Kinh tế trưởng của AMRO đề nghị tham vấn, tìm hiểu một số vấn đề về triển vọng tăng trưởng tín dụng của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024; tình hình tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại đang gia tăng trong khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN sẽ hết hạn vào cuối năm nay; những biện pháp mà ngành Ngân hàng đang thực hiện để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR)....
TS. Sumio Ishikawwa cũng đặt ra vấn đề liên quan đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng; các quy định về giám sát ngân hàng; rủi ro vỡ nợ từ các chủ đầu tư bất động sản trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn.
Ngoài ra, một số quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng đã được phía AMRO trao đổi và đề nghị phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đưa ra ý kiến.
Tại buổi làm việc, đại diện các ban chuyên môn Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đưa ra phản hồi đối với các vấn đề mà phía AMRO đề nghị tham vấn.
Chẳng hạn, đối với tăng trưởng tín dụng, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4-4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) định hướng mức tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Theo đó, các giải pháp điều hành tín dụng được điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Tính đến ngày 26/8/2024, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt mức 14,47 triệu tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng 6,63% so với con số cuối năm 2023 và cao hơn so với cùng kỳ chỉ đạt mức 5,15%.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, để tăng trưởng tín dụng đạt được mục tiêu đặt ra trong những tháng còn lại của năm 2024 là một thách thức. Bởi mặc dù kinh tế đang trong xu hướng phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn nên cầu tín dụng khó có sự đột phá lớn; một số ngành sản xuất, dịch vụ phục vụ nhu cầu trong nước còn nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng sản xuất do thiếu đơn hàng.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp giải thể, đóng cửa, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp giảm sút; xu hướng thắt chặt, cắt giảm chi tiêu của người dân… dẫn đến các TCTD gặp khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng. Thêm vào đó, cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội khu vực phía Bắc…
Về vấn đề nợ xấu, trước tình hình nợ xấu có xu hướng tăng cao, Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực, các TCTD đã rất tích cực, chủ động triển khai các biện pháp để xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh, tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Tuy nhiên, quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD còn gặp nhiều vướng mắc, đến từ nhiều yếu tố khách quan.
Đồng thời, các vướng mắc về mặt pháp lý là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu chưa cao, làm hạn chế tiến độ, hiệu quả của việc xử lý nợ xấu trong ngành Ngân hàng…
Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng thảo luận về những vấn đề phía AMRO quan tâm. Ghi nhận các ý kiến tham vấn của Hiệp hội Ngân hàng, TS. Sumio Ishikawwa cho biết: “Các nội dung thông tin của buổi làm việc sẽ được AMRO tổng hợp thành Báo cáo giám sát kinh tế vĩ mô Việt Nam”.
Đại diện AMRO cũng bày tỏ mong muốn sau buổi làm việc sẽ tiếp tục trao đổi và nhận được sự hỗ trợ từ phía Hiệp hội Ngân hàng để AMRO có cái nhìn đa chiều, sâu sắc hơn.
Được biết, sau khi hoàn thành chương trình làm việc với các cơ quan, tổ chức có liên quan, Đoàn Giám sát sẽ có báo cáo để tư vấn về tình hình kinh tế vĩ mô và tính bền vững tài chính; đồng thời cảnh báo những rủi ro, bất ổn và đưa ra khuyến nghị chính sách phù hợp đối với Việt Nam trong thời gian tới.
Q.L