Ngày 22/6/2024, tại Hà Nội, Học viện
Ngân hàng phối hợp với Hiệp hội Tư vấn
Tài chính Việt Nam (VFCA) đồng tổ chức Diễn đàn thường niên với chủ đề: Hoạch định
tài chính cá nhân - xu hướng nâng tầm chất lượng tư vấn tài chính.
Tham dự Diễn đàn, đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lí nhà nước có: PGS., TS. Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn
kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; PGS., TS. Chu Khánh Lân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược
ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).
Về phía các định chế tài chính, các diễn giả, chuyên gia kinh tế có ThS. Trịnh Văn Điển - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo
chứng khoán, Ủy ban
Chứng khoán Nhà nước; PGS., TS. Nguyễn Văn Thạo - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; TS. Nguyễn Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; PGS., TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính; ThS. Nguyễn Thùy Linh - Trưởng ban Nghiên cứu khoa học, Viện Khoa học tài chính và quản lý, VFCA; ông Hans Nguyễn - Cố vấn trưởng Dragon Capital Việt Nam; ông Huỳnh Minh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FIDT; ThS. Ngô Thành Huấn - Tổng Giám đốc điều hành Công ty cổ phần FIDT; ThS. Lê Thị Lan Anh - Tổng Giám đốc Smartlife Việt Nam; bà Nguyễn Hoàng Yến - Phó Giám đốc Khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Mirae Asset.
Về phía Ban tổ chức Diễn đàn có PGS., TS. Nguyễn Thanh Phương - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng; PGS., TS. Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng; TS. Lê Minh Nghĩa - Chủ tịch VFCA; ông Hoàng Anh Minh - Phó Chủ tịch VFCA, Tổng Biên tập Tạp chí Đầu tư tài chính; ông Lê Long Giang - Phó Chủ tịch VFCA; PGS., TS. Nghiêm Thị Thà - Tổng Thư ký Hiệp hội VFCA cùng sự tham dự của hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các khoa, phòng, ban chức năng của Học viện Ngân hàng, các hội viên của VFCA, các chuyên viên đến từ các định chế tài chính tại Việt Nam, các nhà đầu tư, sinh viên…
Tài chính nói chung và tài chính cá nhân nói riêng là nền tảng quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Tự chủ, độc lập và tự do về tài chính là mục tiêu của mỗi cá nhân, tổ chức, quốc gia trong tiến trình phát triển. Tuy nhiên, không phải cá nhân và tổ chức nào cũng có thể tự hiểu biết, tự lập kế hoạch, tự thực hiện và kiểm soát các hoạt động tài chính của mình để đạt được các mục tiêu trên. Tại các
thị trường tài chính phát triển, các nhà hoạch định tài chính cá nhân sẽ giúp mỗi người hoạch định tài chính toàn diện để từng bước đạt được các mục tiêu tài chính cá nhân.
Thị trường tài chính Việt Nam đã ra đời và phát triển được gần 30 năm là kênh dẫn vốn quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tạo ra đội ngũ nhân lực hành nghề tư vấn tài chính ngày càng đông đảo, đặc biệt, tạo ra dòng tài chính chính đáng, ổn định, minh bạch cho người dân. Tuy nhiên, thị trường tài chính Việt Nam trong ba năm qua đã và đang chứng kiến cuộc khủng hoảng niềm tin trên thị trường.
PGS., TS. Nguyễn Thanh Phương - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng phát biểu khai mạc Diễn đàn
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, PGS., TS. Nguyễn Thanh Phương - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết, Học viện Ngân hàng là trường đại học công lập thuộc NHNN. Với truyền thống tự hào hơn 63 năm xây dựng và phát triển, Học viện Ngân hàng đã và đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong số các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam; trở thành trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và dần khẳng định uy tín của mình hướng tới các chuẩn mực quốc tế. Hiện nay, Học viện Ngân hàng đang đào tạo 9 ngành với 30 chương trình đào tạo, có quy mô 16.000 sinh viên. Các chương trình đào tạo tại Học viện Ngân hàng được thiết kế hướng đến người học nhằm phát triển các kiến thức và kỹ năng toàn diện.
Với sứ mệnh cung cấp cho ngành Ngân hàng và xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao, các nghiên cứu có tầm ảnh hưởng, dịch vụ tư vấn có chất lượng, trong nhiều năm qua, Học viện Ngân hàng đã thực hiện hiệu quả hoạt động kết nối, hợp tác với các tổ chức xã hội hội - nghề nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động nhằm tạo ra các giá trị cho không chỉ các bên tham gia mà còn cả xã hội trong vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
“Với lĩnh vực tài chính cá nhân, Học viện Ngân hàng đã dành sự quan tâm nhất định trong những năm gần đây. Cùng với việc thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho các tổ chức tài chính vi mô, Học viện Ngân hàng còn thực hiện các chương trình đào tạo nâng cao hiểu biết tài chính cá nhân cho sinh viên, học sinh và người dân cũng như tổ chức các cuộc thi, tọa đàm về tài chính cá nhân hưởng ứng “Ngày
tiết kiệm thế giới” hợp tác với Quỹ Hợp tác quốc tế các Ngân hàng tiết kiệm Đức (DSIK)… Các khóa đào tạo và sự thành công của chuỗi sự kiện về tài chính cá nhân vừa qua đã khẳng định sự quan tâm, uy tín, vị thế của Học viện Ngân hàng trong lĩnh vực mới mẻ nhưng rất quan trọng này”, PGS., TS. Nguyễn Thanh Phương nhấn mạnh.
TS. Lê Minh Nghĩa - Chủ tịch VFCA phát biểu tại Diễn đàn
Tại Diễn đàn, TS. Lê Minh Nghĩa - Chủ tịch VFCA cho biết, trong kinh tế thị trường, hệ thống tài chính của bất kỳ quốc gia nào cũng đều có cấu trúc gồm ba trụ cột: Tài chính công, tài chính doanh nghiệp, tài chính cá nhân. Tuy nhiên, ở nước ta, tài chính cá nhân còn chưa được xem trọng. Những vướng mắc trên thị trường tài chính vừa qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có hai nguyên nhân quan trọng nhìn từ góc độ dân trí tài chính và hoạch định tài chính cá nhân: (i) Các chủ thể cá nhân tham gia thị trường với tư cách là người bán và người mua đang thiếu hụt kiến thức nền về tài chính và hoạch định tài chính; các chủ thể tham gia thị trường với tư cách nhà tư vấn tài chính nhưng chất lượng chuyên môn, kỹ năng và động cơ tư vấn chưa đáp ứng yêu cầu chuẩn mực hoạch định tài chính cá nhân; (ii) Người tư vấn chỉ nói về những ưu điểm của sản phẩm tài chính mà không nói đến những rủi ro, hạn chế sẽ gặp phải; nhà tư vấn tài chính chỉ quan tâm đến doanh số mà xem nhẹ lợi ích của người mua sản phẩm cũng như việc đưa ra các giải pháp tài chính tổng thể.
Đã đến lúc thị trường tài chính đòi hỏi các định chế tài chính, nhà tư vấn tài chính phải nâng cao tính chuyên nghiệp, nâng tầm hiểu biết về hoạch định tài chính cá nhân để tư vấn cho khách hàng lựa chọn giải pháp sản phẩm phù hợp nhất với bức tranh tài chính toàn diện của họ. Điều này thuộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các định chế tài chính, những người hành nghề tư vấn tài chính và dân trí tài chính để khơi thông dòng chảy cho các sản phẩm tài chính đến được với các cá nhân thụ hưởng, thúc đẩy xã hội phát triển văn minh và bền vững, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ ngân hàng, tài chính,
bảo hiểm; tổ chức cung ứng các dịch vụ chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại theo chuẩn mực quốc tế.
ThS. Nguyễn Thùy Linh - Trưởng ban Nghiên cứu khoa học, Viện Khoa học tài chính và quản lý, VFCA
trình bày tham luận tại Diễn đàn
ThS. Nguyễn Thùy Linh - Trưởng ban Nghiên cứu khoa học, Viện Khoa học tài chính và quản lý, VFCA tham luận với chủ đề: “Chất lượng tư vấn tài chính - Thực trạng và giải pháp” thông tin, tăng trưởng tài sản tài chính cá nhân của Việt Nam đang tăng nhanh hơn các nước châu Á khác. Ước tính đến năm 2027, thị trường quản lý gia sản Việt Nam sẽ đạt khoảng 600 tỉ
USD. Tuy nhiên, có 85% người dân không hiểu biết hoặc chỉ hiểu biết ở mức sơ bộ, căn bản về quản lý, hoạch định tài chính cá nhân. Việc hiểu biết không đầy đủ là một nguyên nhân dẫn đến tổn thất khi đầu tư hay sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Khảo sát về nhu cầu được tư vấn quản lý, hoạch định tài chính cá nhân, có 93,44% người tham gia khảo sát cho rằng họ có quan tâm đối với quản lý, hoạch định tài chính cá nhân; 55% mong muốn được tiếp cận hoạch định tài chính cá nhân từ các tổ chức tài chính uy tín. Qua đó, ThS. Nguyễn Thùy Linh đề xuất một số giải pháp nhằm nâng tầm chất lượng tư vấn tài chính: (i) Đổi mới tư duy nhận thức về nâng cao dân trí, quản lý và hoạch định tài chính cá nhân; (ii) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạch định tài chính cá nhân; (iii) Xây dựng và phát triển chương trình đào tạo về hoạch định tài chính cá nhân; (iv) Xây dựng, hoàn thiện tiêu chuẩn hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam; (v) Tăng cường giáo dục, truyền thông nâng cao dân trí tài chính, quản lý và hoạch định tài chính cá nhân.
ThS. Trịnh Văn Điển - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trình bày tham luận “Giải pháp nâng tầm chất lượng tư vấn trong ngành chứng khoán” nêu thực trạng của ngành chứng khoán và những khó khăn cho nhà đầu tư như: (i) Phương thức truyền thống là người môi giới đang hưởng phí trên giao dịch: Nhiều môi giới sẽ có xu hướng thúc đẩy giao dịch của khách hàng; (ii) Hạn chế kiến thức đầu tư từ khách hàng và thiếu hụt năng lực tư vấn kế hoạch đầu tư từ người môi giới: Khách hàng dễ hình thành tư duy đầu cơ, tạo nhiều rủi ro cho khách hàng về hiệu quả đầu tư và sự ổn định của thị trường; (iii) Sản phẩm chưa đa dạng về chiều rộng và chiều sâu: Hạn chế sự tham gia thị trường của các phân khúc nhà đầu tư. Không tối ưu được hiệu quả đầu tư theo mỗi giai đoạn tài chính cho nhà đầu tư.
Theo ThS. Trịnh Văn Điển, bài toán thúc đẩy nâng cao chất lượng người hành nghề môi giới chứng khoán thành người tư vấn, lập kế hoạch đầu tư cần được xem xét dưới góc nhìn tổng thể mà khách hàng là trọng tâm. Trong đó: (i) Đơn vị giáo dục cần bổ sung các chương trình đào tạo theo khung tiêu chuẩn của tư vấn lập kế hoạch đầu tư/hoạch định tài chính/quản lý gia sản chuyên nghiệp; (ii) Cơ quan quản lý cần bổ sung và phân cấp khung năng lực của người hành nghề môi giới, người tư vấn lập kế hoạch đầu tư giúp khách hàng nhận diện và đánh giá được chất lượng tư vấn; (iii) Định chế tài chính cần bổ sung các chương trình đào tạo hoạch định tài chính cá nhân và quản lý gia sản. Phát triển có định hướng và lộ trình cho mảng quản lý gia sản.
Ông Hans Nguyễn - Cố vấn trưởng Dragon Capital Việt Nam tham luận với chủ đề: “Giải pháp nâng tầm chất lượng tư vấn tài chính cho khách hàng cá nhân tại ngân hàng thương mại hiện nay - Bài học từ quốc tế” cho rằng, hiện trạng năng lực tư vấn của nhà tư vấn tài chính tại các ngân hàng Việt Nam đã cải thiện rất nhiều so với trước năm 2020 nhưng vẫn còn khá nhiều tư vấn viên đánh tráo sản phẩm
trái phiếu riêng lẻ, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với sản phẩm tiền gửi.
Theo ông Hans Nguyễn, để nhân viên tư vấn nhận thức tốt hơn, việc trang bị kiến thức tư vấn tài chính là cần thiết, tuy nhiên, công tác truyền thông để nâng cao kiến thức, kỹ năng, ý thức, hành vi, nhận thức của mọi người cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó, giáo dục đào tạo tại các trường đại học, trung tâm đào tạo để đào tạo cho giảng viên, cập nhật kiến thức tài chính cơ bản cho học sinh, sinh viên, cung cấp kiến thức tài chính và đầu tư cho mọi người cũng như kiến thức tài chính và chuyên môn cho chuyên gia; cung cấp các kỹ năng, kiến thức giúp mọi người biết cách quản lý tài chính, hoạch định tài chính cá nhân.
Làm rõ vai trò, tiêu chuẩn của nhà tư vấn tài chính Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, ThS. Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần FIDT cho rằng, giá trị lớn nhất mà người tư vấn tài chính mang đến cho khách hàng là: Xây dựng bản kế hoạch tài chính toàn diện; định kỳ kiểm tra tiến độ so với mục tiêu; cải thiện hiệu quả đầu tư, tối ưu thuế và cung cấp các khuyến nghị tài chính tổng quan (dòng tiền, bảo hiểm, tín dụng…).
Quy trình tư vấn chuẩn ISO được các nhà tư vấn tài chính chuyên nghiệp tuân thủ gồm sáu bước: (1) Làm rõ nhu cầu và mục tiêu tài chính của khách hàng; (ii) Thu thập thông tin khách hàng; (iii) Phân tích xây dựng bản kế hoạch; (iv) Trình bày kế hoạch và thảo luận với khách hàng; (v) Khách hàng ra quyết định có đồng ý bản kế hoạch; (vi) Hỗ trợ khách hàng rà soát điều chỉnh kế hoạch định kỳ.
ThS. Ngô Thành Huấn đưa ra khuyến nghị dành cho các định chế tài chính: Để thực sự bắt đầu cho việc tư vấn tài chính, việc đầu tiên là cần kiểm tra sức khỏe tài chính; người tư vấn tài chính cần có năng lực hiểu khách hàng nhiều hơn. Để tạo ra một lực lượng tư vấn tài chính, ngoài việc đào tạo tại các trường đại học, phát triển đào tạo nội bộ tại các công ty thì sự thay đổi cách tiếp cận khách hàng như tiệm cận vào dòng vốn toàn bộ tài sản của khách hàng cũng rất quan trọng. Nhà tư vấn khi có đủ kiến thức, kỹ năng sẽ được khách hàng trao quyền nắm giữ thông tin tài chính của họ.
PGS., TS. Nguyễn Thanh Phương - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng với tham luận: “Đào tạo nghề hoạch định và tư vấn tài chính” cho biết, từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, xu hướng phát triển nghề nghiệp ở Việt Nam và trên thế giới, Học viện Ngân hàng đang triển khai xây dựng chương trình đào tạo trình độ Đại học chuyên ngành “Hoạch định và tư vấn tài chính”. PGS., TS. Nguyễn Thanh Phương giới thiệu dự thảo chương trình đào tạo chuyên ngành Hoạch định và tư vấn tài chính, hệ chất lượng cao, theo đó, từ tháng 6/2024 đến tháng 12/2024, Học viện Ngân hàng sẽ: (i) Lập đề án xin ý kiến Hội đồng khoa học và đào tạo Học viện Ngân hàng; (ii) Xây dựng mục tiêu; (iii) Xây dựng chương trình dạy học; (iv) Xây dựng đề cương chi tiết học phần và bản mô tả chương trình đào tạo; (v) Thẩm định chương trình đào tạo.
Mục tiêu đào tạo chuyên ngành Hoạch định và tư vấn tài chính là: Có kiến thức nền tảng về kinh tế - xã hội, kiến thức toàn diện về tài chính, kiến thức vững chắc về hoạch định và tư vấn tài chính; khả năng học tập suốt đời, thích nghi với bối cảnh tại các môi trường làm việc khác nhau; có các kỹ năng cần thiết để giải quyết các vấn đề thực tiễn, lập kế hoạch tài chính và tư vấn cho khách hàng; đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp, thái độ tích cực và ý thức phục vụ cộng đồng.
Theo PGS., TS. Nguyễn Thanh Phương, chuẩn đầu ra của cử nhân Hoạch định và tư vấn tài chính phải biết vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực tài chính và chuyên ngành hoạch định và tư vấn tài chính; diễn giải thông tin, phản hồi và thích ứng với các tình huống thay đổi, đưa ra các quyết định phức tạp, giải quyết vấn đề, đánh giá hành động trong hoạch định và tư vấn tài chính khách hàng; giải quyết các vấn đề trong thực tiễn và xây dựng kế hoạch tài chính cho khách hàng gắn với thực hành đạo đức nghề nghiệp, thể hiện trách nhiệm cá nhân và xã hội; thể hiện nhận thức, hiểu biết và kỹ năng về giao tiếp, làm việc nhóm và ứng dụng công nghệ nhằm thực hiện dịch vụ hoạch định, tư vấn tài chính trong bối cảnh toàn cầu, môi trường, kinh tế - xã hội đương đại; nhận thức để trở thành người học tập suốt đời, tư duy sáng tạo trong giải quyết vấn đề và có tinh thần khởi nghiệp.
Dự kiến vị trí việc làm của chuyên ngành đào tạo gồm có: Chuyên viên hoạch định và tư vấn tài chính; chuyên viên tư vấn đầu tư; chuyên viên quản lý gia sản, tài sản; chuyên viên tư vấn và hoạch định thuế; chuyên viên quản trị rủi ro; chuyên viên phát triển sản phẩm, dịch vụ, giải pháp.
Các khách mời trao đổi, thảo luận tại Phiên “Bàn tròn đối thoại”
Tại phiên thảo luận “Bàn tròn đối thoại”, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận chuyên sâu, tập trung phân tích kỹ thực trạng chất lượng tư vấn tài chính trên thị trường tài chính Việt Nam trong giai đoạn qua, khẳng định rõ xu hướng và đề xuất các giải pháp nâng tầm chất lượng tư vấn tài chính theo chuẩn quốc tế; đồng thời, cung cấp các căn cứ khoa học và cơ sở thực tiễn, tham mưu cho các bên liên quan trọng xây dựng và hoạch định
chính sách phát triển lực lượng tư vấn tài chính đúng chuẩn cho thị trường tài chính, thúc đẩy hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam phát triển.
Tại Diễn đàn, Ban tổ chức đã trao Chứng nhận và vinh danh các học viên đã đạt kỳ thi về năng lực hoạch định tài chính cá nhân do VFCA tổ chức.
Ông Lê Long Giang - Phó Chủ tịch VFCA (ngoài cùng, bên trái) và ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần FIDT (ngoài cùng, bên phải) trao Chứng nhận và vinh danh các học viên đã đạt kỳ thi do VFCA tổ chức
Mai Lâm