Trong báo cáo phân tích mới đây, MBS Research dự báo lợi nhuận ròng của Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) năm 2024 có thể tăng 27 lần so với cùng kỳ (svck) và cho riêng quý 4/2024, con số này có thể tăng trưởng 25 lần svck.
MBS dự phóng DBC năm 2024 có thể tăng 27 lần svck và cho riêng quý 4/2024, con số này có thể tăng trưởng 25 lần svck. |
DBC là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN), giống gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm, quy mô đàn heo lớn nhất cả nước sở hữu hơn 1 triệu con. Sở hữu 9 nhà máy TACN từ Bắc vào Nam với tổng công suất hơn 1,5 triệu tấn/năm. Ứng dụng mô hình sản xuất công nghệ cao 3F tối ưu và khép kín: Trang trại, Thức ăn chăn nuôi, Thực phẩm. |
Cụ thể, trong Q4/2024, với sự hỗ trợ của nhu cầu tiêu dùng cuối năm sẽ giúp giá heo duy trì ở ngưỡng 63,000 đồng/kg (+25% svck). Giá heo duy trì cao cùng với chi phí sản xuất chăn nuôi giảm sẽ giúp mảng chăn nuôi heo có được KQKD khả quan cho cả năm 2024. Bên cạnh đó, giá heo tăng cao sẽ kích thích tỷ lệ tái đàn từ các hộ chăn nuôi, giúp mảng kinh doanh heo giống và thức ăn chăn nuôi cải thiện. Qua đó giúp lợi nhuận ròng DBC 2024 ước tính đạt 697 tỷ đồng (gấp 27 lần svck).
Trong bối cảnh dịch bệnh ASF vẫn chưa có biện pháp kiểm soát hiệu quả khiến cho cung heo chạy dịch liên tục xuất hiện trong ngắn hạn và khả năng kiểm soát tốt nguồn heo lậu sẽ giúp cho nguồn cung heo nội địa trong năm 2025-26 khó có khả năng dư thừa, nhờ đó giá heo hơi tiếp tục duy trì ở mức nền cao, trên 60,000 đồng.
Chu kỳ tăng giá thịt heo là động lực tăng trưởng chính cho lợi nhuận ròng giai đoạn 2024-26
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nhờ vào việc kiểm soát dịch bệnh ASF (dịch tả lợn châu Phi) hiệu quả và khả năng mở rộng đàn, sản lượng thịt heo tại Việt Nam trong năm 2025 sẽ đạt mức tăng trưởng 3,3% svck năm trước, đạt khoảng 3,9 triệu tấn, cao hơn mức tăng 2,5% của năm 2024. Đây là một tín hiệu tích cực cho ngành chăn nuôi, khi Việt Nam vẫn duy trì vị trí là một trong những quốc gia tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới, xếp thứ 5 về tiêu thụ thịt lợn mổ xẻ nội địa.
Doanh thu và LN gộp mảng chăn nuôi DBC theo năm (tỷ đồng) (hình bên trái); Dự báo giá heo hơi và biên LN gộp DBC năm 24-25 (hình bên phải). Nguồn MBS Research |
Theo đó, Chứng khoán MBS dự báo tốc độ tăng trưởng tiêu thụ thịt heo bình quân hàng năm vào giai đoạn 2024-2026 sẽ đạt 3,8%/năm, tương đương với sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 37kg/người vào năm 2024. Trong khi đó, giá thịt heo dự báo sẽ có sự biến động nhẹ: mức giá trung bình năm 2025 là khoảng 63.000 đồng/kg, giảm nhẹ so với năm 2024, nhưng sẽ tăng khoảng 2% vào năm 2026, khi nhu cầu thịt heo phục hồi mạnh mẽ hơn.
Các doanh nghiệp chăn nuôi theo mô hình trang trại khép kín sẽ hưởng lợi lớn từ những xu hướng này vì nó không chỉ giúp kiểm soát tốt hơn các yếu tố như chất lượng thức ăn, điều kiện sống của đàn lợn, mà còn giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh như ASF. Qua đó giúp các doanh nghiệp duy trì ổn định đàn lợn và đảm bảo chất lượng thịt heo ra thị trường. Khi điều kiện chăm sóc đàn lợn thuận lợi và thị trường giá heo hơi ổn định, các doanh nghiệp trang trại khép kín cũng dễ dàng tái đàn để cung cấp thêm sản phẩm ra thị trường, từ đó nâng cao sản lượng và doanh thu.
Mảng thức ăn chăn nuôi tiếp tục hưởng lợi từ giá đầu vào giảm nhiệt trong năm 2024 và duy trì ổn định trong năm 2025-2026
Theo dự báo từ USDA, sản lượng ngô toàn cầu trong niên độ 2024/25 sẽ giảm nhẹ 0,7% so với niên độ 2023/24, đạt khoảng 1.217,2 triệu tấn. Sự suy giảm này chủ yếu đến từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Ukraine và EU, trong khi Trung Quốc, Brazil và Argentina lại dự kiến sẽ có sự gia tăng sản lượng. Bên cạnh đó, nguồn cung đậu tương toàn cầu dự báo sẽ tăng mạnh 8,7% svck năm trước, lên khoảng 428,9 triệu tấn, nhờ vào sự gia tăng sản lượng tại Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc. Điều này sẽ giúp nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho thức ăn chăn nuôi tiếp tục ổn định trong nửa cuối năm 2024 và trong giai đoạn 2025-2026, đồng thời giá nhập khẩu ngô và đậu tương không có biến động lớn và duy trì ở mức thấp.
Doanh thu và lợi nhuận gộp của DBC mảng thức ăn chăn nuôi và dự báo cho năm 2024-25 (tỷ đồng) |
Đối với các doanh nghiệp trong ngành thức ăn chăn nuôi như DBC, việc giá nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. DBC, với mô hình 3F (Feed – Farm – Food), sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc này, khi có hơn 65% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu từ nước ngoài. Mô hình này giúp DBC duy trì tính linh hoạt trong việc quản lý chi phí và gia tăng hiệu quả sản xuất.
Với giả định nguồn cung thế giới ổn định hết năm 2026 nhờ vào sự dồi dào trong lượng hàng tồn kho tại Hoa Kỳ, MBS Research kỳ vọng giá nguyên vật liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu duy trì sẽ duy trì ở mức nên thấp và doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi sẽ đạt tăng trưởng kép tăng 10% trong giai đoạn 2024-26 khi sản lượng tiêu thụ cải thiện so với mức nền thấp năm 2023 khi hộ nông dân tích cực tái đàn trở lại và giá bán ước tính không đổi.
Mảng sản xuất VACCINE: Tiềm năng thương mại hóa còn lớn
Trong tháng 8/2024, DBC đã được Cục Thú y cấp chứng nhận GMP, đánh dấu bước tiến quan trọng trong lộ trình thương mại hóa vaccine phòng bệnh tả lợn châu Phi (ASF). Nhà máy sản xuất vaccine của DBC hiện có công suất 100 triệu liều/năm và dự kiến sản xuất ba loại vaccine chính: ASF, tai xanh, và lở mồm long móng. MBS Research đánh giá rằng, với công suất tối đa 200 triệu liều/năm, DBC không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn có tiềm năng mở rộng xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như Trung Quốc, Philippines và Thái Lan.
Tuy nhiên, báo cáo từ Cục Chăn nuôi cho thấy, tính đến hết 9 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 930 ổ dịch ASF và hơn 67.000 con heo bị tiêu hủy. Điều này phản ánh rằng việc tiêm vaccine phòng bệnh chưa đạt hiệu quả tối ưu. Hiện tại, thị trường vaccine ASF đã có sự hiện diện của hai sản phẩm từ Navetco và AVAC. Là đơn vị "đi sau", vaccine của DBC phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe hơn để đảm bảo tính hiệu quả đối với đàn heo tại Việt Nam.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo, DBC đang tiếp tục triển khai tiêm thử nghiệm vaccine trên đàn heo tại các trang trại liên kết và tiến tới mở rộng phạm vi thử nghiệm trên toàn quốc. Quá trình này dự kiến kéo dài 3-4 tháng, với số lượng tiêm thử lớn nhằm thu thập đầy đủ dữ liệu về hiệu quả và an toàn của vaccine. Nếu vaccine này được phê duyệt để thương mại hóa, đây sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng và mở ra cơ hội lớn không chỉ cho DBC mà còn cho ngành chăn nuôi trong nước.
Bản tin doanh nghiệp 12/12: Saigonres tham vọng lợi nhuận 2025 tăng gấp 3,5 lần, SCIC miệt mài đấu giá chuỗi nhà thuốc DK Pharma Saigonres đặt mục tiêu lợi nhuận 365 tỷ đồng năm 2025, gấp 3,5 lần năm trước; SCIC miệt mài đấu giá thoái vốn chuỗi nhà ... |
Hoàng Anh