Hoàn thiện thông tin tín dụng, giảm thiểu rủi ro tài chính

26/08/2023 - 02:14
(Bankviet.com) Thông tin tín dụng giúp các tổ chức tín dụng nhận định được những khách hàng có độ rủi ro cao theo lịch sử dư nợ của khách hàng vay, lịch sử chậm thanh toán…
Tăng cường thông tin tín dụng trong APEC CIC giảm giá 10% các sản phẩm thông tin tín dụng Cổng thông tin kết nối khách hàng vay: Minh bạch hóa thông tin tín dụng

Ngày 25/8, Tạp chí Ngân hàng, phối hợp với Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức tín dụng trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro".

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nêu nhận định, trong quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng, thông tin tín dụng có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp tạo lập cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia để Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong hoạt động kinh doanh; hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu đời sống, kinh tế, xã hội theo quy định của pháp luật.

Hoàn thiện thông tin tín dụng, giảm thiểu rủi ro tài chính
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo

Thông tin tín dụng giúp các tổ chức tín dụng nhận định được những khách hàng có độ rủi ro cao theo lịch sử dư nợ của khách hàng vay, lịch sử chậm thanh toán của chủ thẻ tín dụng, tránh việc trùng lặp tài sản được đảm bảo cho nhiều hợp đồng tín dụng tại nhiều ngân hàng.

Thông tin tín dụng càng hoàn thiện, các tổ chức tín dụng càng nhận định được những nguy cơ tiềm ẩn về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mà khách hàng sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư, thông qua việc so sánh các số liệu thống kê về lĩnh vực đầu tư, mức đầu tư theo hợp đồng tín dụng đối với nhu cầu thực tế của các ngành kinh tế và lĩnh vực tương ứng trên phạm vi cả nước và quốc tế.

Theo Phó Thống đốc, tại Việt Nam hiện nay, hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước do Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) làm đầu mối tổ chức, thực hiện. Thời gian qua, hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã có bước phát triển nhanh, là một trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia; CIC đã xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng khá lớn từ các nguồn dữ liệu trong và ngoài ngành. Qua đó, xây dựng, cung cấp các báo cáo tổng hợp, báo cáo phân tích định kỳ và đột xuất về hoạt động tín dụng phục vụ cho Ban lãnh đạo và các đơn vị Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, CIC thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng cho các tổ chức tín dụng để phục vụ mục đích đánh giá, phê duyệt tín dụng, quản trị rủi ro, quản lý danh mục...

Hoàn thiện thông tin tín dụng, giảm thiểu rủi ro tài chính
Hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức tín dụng trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro

Trong năm 2022, số lượng báo cáo do CIC cung cấp cho các tổ chức tín dụng tăng trưởng vượt bậc với hơn 77,7 triệu báo cáo, tăng hơn 55% so với cùng kì năm 2021. Nguồn thông tin tín dụng nhanh chóng, tin cậy đã góp phần quan trọng trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là trong thời đại ngân hàng số hiện nay.

Với góc nhìn tổng quan về cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng hiện nay, ông Cao Văn Bình - Tổng giám đốc CIC cho biết, tính tới tháng 8/2023, CIC đã lưu trữ trên 55,3 triệu khách hàng, tăng 6,6% so với cùng kỳ 2022, chiếm 65% tổng dân số trưởng thành, tăng trưởng cung cấp thông tin của CIC luôn đạt mức từ 15-20% mỗi năm, 6 tháng đầu năm 2023, đạt 31 triệu báo cáo các loại.

Cũng theo Tổng giám đốc CIC, còn nhiều dư địa để nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia như: Mở rộng nguồn thông tin ngoài ngành, mở rộng trao đổi thông tin xuyên biên giới, áp dụng công nghệ mới, đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tại hội thảo, đại diện các ngân hàng cũng đã chia sẻ về thực trạng khai thác, ứng dụng nguồn dữ liệu thông tin tín dụng tại ngân hàng và một số kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng, đáp ứng yêu cầu kinh doanh và quản trị rủi ro.

Hoàn thiện thông tin tín dụng, giảm thiểu rủi ro tài chính
Các diễn giả tham gia thảo luận tại hội thảo

Đồng thời, các diễn giả cũng gợi mở một số vấn đề mới về cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu.

Bà Đinh Thị Thái, Phó Tổng giám đốc Vietcombank đề xuất, để khai thác và sử dụng hiệu quả hơn nguồn thông tin tín dụng, CIC cần tăng cường liên kết với dữ liệu các ngành khác (ví dụ như thuế) để thông tin chính xác hơn, đồng thời giảm phí để các ngân hàng có điều kiện giảm lãi suất cho vay với khách hàng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Tổng giám đốc TPBank khẳng định, thông tin tín dụng là cơ sở để thúc đẩy tài chính toàn diện. Thực tế, nhiều khách hàng phải đi "vay nóng" vì thiếu lịch sử tín dụng, không được tiếp cận nguồn vốn rẻ của ngân hàng.

Ông Quân cho biết, từ năm 2019, TPBank đã phối hợp với CIC triển khai giải pháp kết nối Host to Host (H2H) và trong năm 2021 đã tiến hành nâng cấp kết nối tới hệ thống H2H mới của CIC. TPBank đánh giá hệ thống H2H của CIC có ưu điểm về thời gian xử lý yêu cầu, tích hợp nhiều sản phẩm trên một hệ thống, mang lại trải nghiệm tốt cho người sử dụng.

Nội dung thông tin trong các sản phẩm của CIC khá chi tiết và đầy đủ, là nguồn dữ liệu quan trọng được sử dụng trong các quy trình nghiệp vụ trọng yếu và các mô hình hỗ trợ ra quyết định được triển khai tại ngân hàng.

Thực tế là, trong 3 năm gần đây, số lượng bản ghi tra cứu CIC của TPBank liên tục tăng trưởng: năm 2021 tăng 39%, năm 2022 tăng 93%. Trong năm 2023, mặc dù trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn chung của toàn thị trường nhưng TPBank vẫn dự đoán nhu cầu tra cứu CIC của ngân hàng cũng sẽ tăng trưởng trên 30%.

Tại TPBank, nguồn dữ liệu thông tin tín dụng đã được sử dụng để thẩm định, phê duyệt, cấp tín dụng, theo dõi, đánh giá khách hàng, cũng như thiết lập hệ thống cảnh báo sớm để phục vụ hoạt động của ngân hàng.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện các tổ chức tín dụng đều khẳng định tầm quan trọng của thông tin tín dụng đối với hoạt động ngân hàng. Cụ thể, thông tin tín dụng giúp các tổ chức tín dụng nhận định được những khách hàng có độ rủi ro cao theo lịch sử dư nợ của khách hàng vay, lịch sử chậm thanh toán của chủ thẻ tín dụng, tránh việc trùng lặp tài sản được đảm bảo cho nhiều hợp đồng tín dụng tại nhiều ngân hàng.

Trên cơ sở đó, đại diện các tổ chức tín dụng cho rằng, thông tin tín dụng càng hoàn thiện, các tổ chức tín dụng cũng nhận định được những nguy cơ tiềm ẩn về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mà khách hàng sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư, thông qua việc so sánh các số liệu thống kê về lĩnh vực đầu tư, mức đầu tư theo hợp đồng tín dụng đối với nhu cầu thực tế của các ngành kinh tế và lĩnh vực tương ứng trên phạm vi cả nước và quốc tế.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương