Hỏi đáp Giao dịch Hàng hóa (Số 54): Đáo hạn hợp đồng giao dịch hàng hóa Hỏi đáp Giao dịch Hàng hóa (Số 55): Quản trị rủi ro trong giao dịch hàng hóa |
Việc tìm hiểu cẩn trọng về giao dịch ký quỹ là điều vô cùng quan trọng để các nhà đầu tư thu về lợi nhuận tốt và tránh các rủi ro.
Thời gian qua, Báo Công Thương thường xuyên nhận được rất nhiều câu hỏi của các bạn đọc về hoạt động ký quỹ trong giao dịch hàng hóa tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV). Trong đó, bạn Hồ Quỳnh Anh (Nghệ An) hỏi: “Call Margin trong giao dịch hàng hóa là gì? Trường hợp nào thì tôi sẽ bị Call Margin?”. Bạn Võ Trung Kiên (Phú Yên) hỏi: “Tại sao trong một số trường hợp, giá tăng thì ký quỹ ban đầu tăng nhưng giá giảm thì ký quỹ lại không giảm?”.
Trong số Hỏi đáp Giao dịch Hàng hóa hôm nay, Báo Công Thương sẽ giải đáp các thắc mắc của bạn đọc xoay quanh vấn đề này.
Call Margin trong giao dịch hàng hóa
Call Margin (Gọi ký quỹ) trong giao dịch hàng hóa là tình trạng xảy ra khi giá trị ròng tài khoản giao dịch hàng hóa (TKGD) của nhà đầu tư không đủ để đảm bảo duy trì các vị thế mở nhà đầu tư đang nắm giữ trên TKGD. Như vậy khi giá trị ròng ký quỹ của TKGD dưới mức ký quỹ duy trì của TKGD, nhà đầu tư sẽ bị nhận lệnh gọi ký quỹ và sẽ bắt buộc phải nộp bổ sung ký quỹ đưa giá trị ròng ký quỹ lên lớn hơn hoặc bằng mức ký quỹ ban đầu yêu cầu để có thể tiếp tục tham gia giao dịch.
Biến động ký quỹ trong giao dịch hàng hóa
Ký quỹ là một khoản tiền hoặc tài sản được sử dụng để đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn và hợp đồng quyền chọn. Đây được xem là một đòn bẩy tài chính giúp các nhà đầu tư tối ưu nguồn vốn có sẵn để gia tăng lợi nhuận.
Ký quỹ của các sản phẩm được Sở Giao dịch Hàng hóa tính toán dựa trên độ biến động của thị trường thay vì dựa vào việc giá sản phẩm tăng hay giảm. Khi giá của sản phẩm biến động mạnh, ký quỹ sẽ được điều chỉnh để phản ánh đúng phần rủi ro tăng thêm. Ngược lại, khi giá của sản phẩm ít biến động hơn, ký quỹ sẽ không thay đổi nhiều do đánh giá mức độ rủi ro đã giảm.
Ký quỹ không phải là phương tiện để điều hướng thị trường và cũng không phải là cách thức để khuyến khích hoặc ngăn cản hoạt động của các nhà đầu tư. Ký quỹ được thiết lập như một phần quan trọng trong công tác quản lý rủi ro, nhằm giúp các nhà đầu tư giao dịch an toàn, hiệu quả khi tham gia vào thị trường.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam