Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức thành công Kỳ họp thứ 6, nhiệm kỳ VII

22/01/2025 - 18:12
(Bankviet.com) Sáng ngày 9/1/2025, Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức Kỳ họp lần thứ 6, nhiệm kỳ VII nhằm thống nhất về phương hướng hoạt động năm 2025. Kỳ họp cũng thông qua việc cử ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tạm thời giữ vai trò và làm thay các công việc của Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội.

Tại kỳ họp, các thành viên Hội đồng Hiệp hội đã nhất trí thông qua việc miễn nhiệm ông Phạm Đức Ấn thôi làm Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, sau khi ông Phạm Đức Ấn đã thôi giữ chức Chủ tịch HĐTV Agribank và nhận nhiệm vụ mới - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Đồng thời, thông qua đề xuất của Thường trực Hội đồng Hiệp hội phân công 1 Phó Chủ tịch thực hiện nhiệm vụ điều hành hoạt động của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trong quá trình chờ để bầu người đại diện thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhiệm kỳ VII (2020 - 2025). Cụ thể, Thường trực Hội đồng Hiệp hội đề xuất và thông qua nhân sự là ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tạm thời giữ vai trò và làm thay các công việc của Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội.

af2i7864ok.jpg
Quang cảnh hội nghị

Vị thế, uy tín ngày càng được nâng tầm cả ở trong nước lẫn quốc tế

Báo cáo kết quả hoạt động năm 2024, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, với ý chí quyết tâm cao, tích cực triển khai thực hiện các nghị quyết, kế hoạch, chương trình công tác; đồng thời nỗ lực, xử lý kịp thời những công việc phát sinh, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, vị thế và uy tín được nâng tầm cả ở trong nước lẫn quốc tế.

Cụ thể, năm 2024 là năm nhiều bộ luật sửa đổi bổ sung liên quan đến hoạt động ngành Ngân hàng được Quốc hội thông qua, trong đó có Luật Các TCTD, theo đó Chính phủ và các bộ, ban, ngành ban hành nhiều nghị định, thông tư nhằm hướng dẫn các bộ luật trên. Hiệp hội Ngân hàng đã thể hiện rõ nét vai trò trong việc góp ý, phản biện các dự thảo luật, nghị định, thông tư, nhất là những lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Trong năm qua. Hiệp hội đã góp ý 90 dự thảo/dự án các văn bản pháp luật (bao gồm 9 dự thảo/hồ sơ dự án luật, 70 các văn bản hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) 2024, Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023; và hàng chục dự thảo nghị định, thông tư và các văn bản khác…), tổ chức 41 cuộc tọa đàm hội thảo với nhiều nội dung thiết thực nhằm góp ý dự thảo luật, nghị định, thông tư...

Các văn bản góp ý của Hiệp hội đều tập hợp từ những ý kiến có trách nhiệm, tâm huyết, chất lượng từ các tổ chức tín dụng, vì thế phần lớn ý kiến đều được ghi nhận, tiếp thu.

Hiệp hội Ngân hàng đã tạo được mối liên kết mật thiết với các bộ, ban, ngành, đặc biệt là Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính... Qua đó, tất cả các văn bản xin ý kiến đều được phải hồi chi tiết.

Bên cạnh đó, Hiệp hội đã làm tốt chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên, cũng như hỗ trợ các tổ chức hội viên tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động.

af2i7764okkkkkkkkkkkkkkkk.jpg
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng

Hiệp hội cũng đang tích cực phối hợp với các thành viên và các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu xây dựng một số quy ước trong hoạt động ngân hàng, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai thực hiện giữa các TCHV, như: Bộ quy tắc Chuyển tiền một chiều ra nước ngoài; Quy trình phối hợp hỗ trợ xử lý tài khoản/thẻ liên quan đến giao dịch nghi ngờ gian lận, giả mạo, lừa đảo; Sổ tay hướng dẫn cung cấp, vận hành và sử dụng dịch vụ thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR.

Về công tác truyền thông, Hiệp hội Ngân hàng ghi nhận nhiều cải tiến, đổi mới, góp phần đắc lực vào việc tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật của Nhà nước, cũng như của ngành Ngân hàng, giới thiệu các sản phẩm dịch vụ, hoạt động của các tổ chức hội viên, cũng như của Cơ quan Thường trực. Hoạt động của Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ và Website Hiệp hội từng bước nâng cao hiệu quả và chất lượng, được nhiều bạn đọc quan tâm.

Về công tác đào tạo, trong năm 2024, trên cơ sở đăng ký nhu cầu đào tạo của các TCTD trên cả nước, Hiệp hội đã nắm bắt và triển khai các chương trình đào tạo sát với nhu cầu đào tạo thực tế của các TCTD, trong năm đã tổ chức 48 chương trình đào tạo (tăng 126%), với số học viên tham gia các lớp 10.000 người....

Về hợp tác quốc tế, Hiệp hội đã làm việc với nhiều đoàn tổ chức quốc tế để trao đổi, lắng nghe và hỗ trợ các tổ chức quốc tế kết nối với các cơ quan quản lý, tổ chức hội viên, góp phần mở rộng khả năng tìm kiếm cơ hội hợp tác, đem lại lợi ích cho các tổ chức hội viên. Đồng thời, tổ chức một số đoàn khảo sát trực tiếp đến một số nước nhằm học tập kinh nghiệm hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, nhiệm vụ của ngành Ngân hàng và Nghị quyết của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, Hiệp hội tiếp tục nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2025.

Ngoài ra, nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cũng đề xuất thành lập Ủy ban Quản lý rủi ro, trực thuộc Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng.

Tại kỳ họp, các thành viên Hội đồng Hiệp hội cũng lắng nghe báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch thu chi tài chính năm 2024 của Cơ quan Thường trực Hiệp hội; Báo cáo tiến độ triển khai việc sửa chữa, cải tạo Trụ sở của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; Báo cáo xin ý kiến Kế hoạch tổ chức các sự kiện năm 2025: Hội nghị Thường niên, Đại hội Nhiệm kỳ VIII (2025-2030). Các thành viên Hội đồng Hiệp hội đã nhất trí thông qua các báo cáo, đề xuất được trình bày tại hội nghị.

Đoàn kết, trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ

Phát biểu tại cuộc họp, bà Vũ Thị Hải Phượng, Ủy viên Hội đồng Hiệp hội, Phó Chủ tịch HĐQT, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) cho biết, với định hướng tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 ở mức cao, áp lực lên các TCTD sẽ rất lớn. Trong khi đó, năm vừa qua, nhiều bộ luật sửa đổi bổ sung liên quan đến hoạt động ngân hàng được thông qua, dẫn tới việc các TCTD phải đối mặt với rủi ro liên quan đến tuân thủ luật định mới. Ngoài ra, các rủi ro về an ninh mạng, chuyển đổi số, thanh khoản... vẫn hiện hữu. Do đó, các TCTD rất cần sự hỗ trợ từ phía Hiệp hội để hiểu rõ luật, đảm bảo tuân thủ các quy định trong luật mới

Về việc xây dựng các quy ước chung, đại diện MB rất đồng tình và cho rằng, đây là điểm mạnh của Hiệp hội, giúp các TCTD thống nhất và phối hợp tốt hơn. Ngoài ra, bà Vũ Thị Hải Phượng cũng ủng hộ đề xuất thành lập Ủy ban Quản lý rủi ro.

Ông Phạm Quang Thắng, Ủy viên Hội đồng Hiệp hội, Phó Tổng Giám đốc Techcombank, cũng nhấn mạnh rủi ro pháp lý về mặt tuân thủ trong bối cảnh nhiều quy định, luật định mới được sửa đổi, ban hành, tác động lớn đến hoạt động ngân hàng. Do đó, ông Thắng đề nghị Hiệp hội đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để hiểu đúng các quy định, đồng thời tăng cường kết nối với các tổ chức hội viên. Ngược lại, các hội viên cần có trách nhiệm tham gia tích cực, đồng hành cùng Hiệp hội trong hoạt động góp ý văn bản pháp luật.

Đánh giá cao những nỗ lực của Hiệp hội Ngân hàng trong năm qua, bà Phan Thị Thanh Bình, Ủy viên Hội đồng Hiệp hội, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, nhấn mạnh tới sự hỗ trợ của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trong công tác truyền thông, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam vừa qua.

Về hoạt động chuyên môn, bà Phan Thị Thanh Bình đề nghị Hiệp hội tiếp tục phát huy thế mạnh, tăng cường tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyên môn cho các tổ chức hội viên trong năm 2025. Ngoài ra, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam sẽ trình dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm Tiền gửi trong năm nay, do đó, rất cần sự hỗ trợ của Hiệp hội về mặt truyền thông.

Trao đổi tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Đô, Ủy viên Hội đồng Hiệp hội, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank bày tỏ mong muốn các tổ chức hội viên ngày càng gắn kết, tham gia tích cực, trách nhiệm hơn nữa vào các hoạt động của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Đồng thời, đề nghị Hiệp hội tổ chức nhiều hơn các hội thảo, tọa đàm liên quan đến các chủ đề như ngân hàng số, AI, khung chính sách dành cho tín dụng xanh... nhằm tạo điều kiện cho các TCTD học hỏi kinh nghiệm từ các tổ chức quốc tế.

Nhất trí và đánh giá cao những kết quả mà Hiệp hội Ngân hàng đạt được ông Nguyễn Đức Thái Hân, Ủy viên Hội đồng Hiệp hội, Phó Tổng Giám đốc ACB cũng cho rằng, vị thế, uy tín của Hiệp hội đã được nâng cao. Đại diện ACB đồng thời chia sẻ với áp lực của Hiệp hội Ngân hàng trong việc tham gia soạn thảo, ban hành các quy ước chung.

Ghi nhận vai trò và những đóng góp lớn của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Phạm Toàn Vượng, Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Agribank khẳng định, Agribank sẽ tiếp tục tích cực tham gia các hoạt động của Hiệp hội, có trách nhiệm hơn nữa với các văn bản góp ý, góp phần vào tiếng nói chung của Hiệp hội Ngân hàng.

Chia sẻ ý kiến tại cuộc họp, bà Phạm Thị Huyền Trang, Phó Giám đốc Khối Quản trị rủi ro, đại diện TPBank nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của việc quản trị rủi ro trong hoạt động của các ngân hàng thương mại, từ đó, nhất trí thành lập Ủy ban Quản lý rủi ro. Đại diện TPBank đề xuất năm 2025, Hiệp hội cần tiếp tục phát huy thế mạnh, có nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa, hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức hội viên.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng ghi nhận các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng Hiệp hội.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký tin tưởng, những nền tảng đã xây dựng được, cùng sự quyết tâm của Hội đồng Hiệp hội, đội ngũ cán bộ người lao động tại Cơ quan thường trực Hiệp hội, sự tin tưởng và ủng hộ của các TCHV, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, vững vàng vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, phát triển an toàn, bền vững, đóng góp chung vào kết quả của ngành Ngân hàng và góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

chup-anh-luu-niem-090125.jpg
Các thành viên Hội đồng Hiệp hội chụp ảnh lưu niệm

Báo cáo Kết quả hoạt động năm 2024 và Kế hoạch hoạt động năm 2025 được cung cấp tại Hội nghị đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam hướng đến trong năm 2025:

Thứ nhất, tiếp tục tham gia góp ý cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng, thông qua đó kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Thứ hai, kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các TCHV trong quá trình hoạt động để kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét tháo gỡ.

Thứ ba, tiếp tục xây dựng các quy ước trong hoạt động ngân hàng.

Thứ tư, tiếp tục kiện toàn hoạt động của các Ủy ban và các đơn vị trực thuộc; triển khai các công tác trọng tâm và kế hoạch hoạt động của từng đơn vị, trong đó tập trung cùng Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam góp ý cơ chế chính sách liên quan hoạt động ngân hàng.

Thứ năm, tổ chức các cuộc họp, hội thảo, tọa đàm để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các TCHV.

Thứ sáu, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông của Hiệp hội Ngân hàng để truyền thông kịp thời, chính xác, đầy đủ các hoạt động của ngành Ngân hàng, Hiệp hội và các TCHV; phản ánh nhanh, kịp thời các hoạt động của Cơ quan Thường trực Hiệp hội, thực hiện công tác truyền thông về các sự kiện, hội thảo/tọa đàm do Hiệp hội tổ chức/phối hợp tổ chức...

Thứ bảy, tăng cường mối liên hệ, gắn kết với các TCHV, nắm tình hình hoạt động, tăng cường giao lưu, trao đổi, phối hợp, hỗ trợ hiệu quả cho các TCHV...

Thứ tám, tiếp tục triển khai Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng.

Thứ chín, nghiên cứu, rà soát nội dung Điều lệ Hiệp hội Ngân hàng để chỉnh sửa cho phù hợp với Nghị định 126/2024/NĐ-CP ngày 8/10/2024 thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

Thứ mười, lập kế hoạch và triển khai, tổ chức thành công Hội nghị Thường niên năm 2025 và Đại hội Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nhiệm kỳ VIII (2025-2030).

Mười một, tiếp tục phối hợp với các đơn vị của cơ quan quản lý Nhà nước đào tạo, tập huấn triển khai các cơ chế, chính sách mới được ban hành, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng nhận hoàn thành theo quy định của NHNN đối với các chương trình đã được NHNN công nhận, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức pháp lý cho các TCHV, tăng cường đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số, an ninh mạng, an toàn thông tin và Fintech mà các TCHV quan tâm, đẩy mạnh triển khai đào tạo, tập huấn về tín dụng xanh, ngân hàng xanh và phát triển bền vững.

Mười hai, tiếp tục thực hiện tốt nghĩa vụ thành viên của Hiệp hội Ngân hàng ASEAN, tích cực tham gia các hoạt động hợp tác với Hiệp hội Ngân hàng ASEAN và Hiệp hội Ngân hàng các nước, các tổ chức và đối tác quốc tế trong khu vực và thế giới.

Mười ba, nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan Thường trực Hiệp hội; bảo đảm công tác hậu cần, tài chính, kế toán đáp ứng kịp thời, thông suốt mọi hoạt động của cơ quan, đồng thời quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài chính, tài sản của cơ quan. Phát huy vai trò của các đoàn thể, đẩy mạnh các phong trào thi đua trong cơ quan, tạo không khí sôi nổi, đóng góp tích cực, thiết thực để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan. Đồng thời tiếp tục triển khai các thủ tục liên quan việc sửa chữa, nâng cấp trụ sở Hiệp hội.

Q.L

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ