Theo số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có tổng số hơn 25,2 triệu học sinh, sinh viên, trong đó có hơn 2 triệu sinh viên; hơn 1,3 triệu giáo viên, gần 99 nghìn cán bộ quản lý giáo dục; với 41,3 nghìn trường học,…
Năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục xác định chủ đề là “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”. Đây là năm học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12, cũng là năm học đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong thư gửi thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh, cùng các em học sinh, sinh viên nhân dịp khai giảng năm học mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - chia sẻ, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đã và đang có những chính sách ưu tiên phát triển giáo dục, đào tạo. Năm học mới 2024 - 2025 là năm học đầu tiên thực hiện Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12.
“Tôi mong ngành Giáo dục cần tập trung thực hiện tốt chủ đề năm học đã đề ra là: “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”. Giáo dục và đào tạo cần tiếp tục hướng đến phát triển con người và hạnh phúc của con người, phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đón lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 vào sáng 4/9. Ảnh: Thống Nhất |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị, các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục tâm huyết, yêu nghề, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cao quý của mình Các bậc phụ huynh, vì tương lai con em chúng ta, phối hợp tốt với nhà trường, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong công tác giáo dục.
“Tôi đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương, các cấp ủy Đảng, chính quyền chăm lo hơn nữa sự nghiệp giáo dục bằng các quyết sách kịp thời, thiết thực và đúng đắn để các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh, sinh viên, học viên được giảng dạy, học tập trong một môi trường lành mạnh và đầy đủ các điều kiện để phát huy năng lực sáng tạo, thực hiện thành công công cuộc đổi mới của giáo dục nước nhà” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị.
Trước đó, ngày 4/9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về việc tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024 - 2025. Theo đó, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 với phương châm: “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm; Thầy cô giáo là động lực; Nhà trường làm bệ đỡ; Gia đình là điểm tựa; Xã hội là nền tảng”, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý cho việc nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là chất lượng giáo viên cả công lập và ngoài công lập.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, giáo dục khuyết tật. Điều chỉnh hợp lý quy mô lớp học, thu gọn các điểm trường lẻ, bảo đảm nguyên tắc thuận lợi nhất cho trẻ em, học sinh và người dân, phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương.
Hôm nay 5/9, hoà chung không khí tưng bừng, háo hức, hơn 23 triệu học sinh trên cả nước chính thức dự Lễ khai giảng năm học mới 2024 - 2025. Ảnh: Ngọc Quỳnh |
Thủ tướng yêu cầu tăng cường trách nhiệm quản lí nhà nước, bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời số lượng sách giáo khoa cho năm học mới. Có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh diện chính sách, diện hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng yếu thế, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo...
Tăng cường đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo, chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng các điều kiện tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, giảm áp lực, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh.
Trước ngày khai giảng, chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn - nhìn nhận đây là năm học có rất nhiều nhiệm vụ và thử thách lớn. Một trong những nhiệm vụ được Bộ Giáodục và Đào tạo lấy làm trọng tâm của năm học này là nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trong đó sẽ nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Ngoài ra, Bộ sẽ kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm; kiểm tra, đánh giá hiệu quả đầu tư, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục.
Việc phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên cũng được ngành giáo dục ưu tiên, trong đó có tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ngành sẽ chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan. Ở bậc mầm non, Bộ sẽ chuẩn bị các điều kiện để triển khai thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới.
Người đứng đầu ngành giáo dục mong toàn thể nhà giáo, học sinh, sinh viên nỗ lực vươn lên, không ngừng đổi mới, sáng tạo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học.