HPG lập đỉnh, cổ phiếu nhóm thép vào sóng tăng
Đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm nay (28/6), cổ phiếu HPG tiếp tục tăng 3,10% lên mức 26.600 đồng/cổ phiếu, chính thức xác lập mức đỉnh cao nhất 12 tháng. Giao dịch diễn ra sôi động với khối lượng hơn 30 triệu cổ phiếu được giao dịch, thanh khoản đạt gần 770 tỷ đồng trong phiên, thuộc top cổ phiếu có thanh khoản cao nhất hôm nay. Cũng từ ngày 8/6 đến nay, HPG được nhà đầu tư nước ngoài gom hàng liên tiếp 15 phiên, trong đó có nhiều phiên đạt giá trị mua ròng hàng trăm tỷ đồng.
Đà phục hồi của cổ phiếu HPG trong thời gian gần đây đã giúp giá trị tài sản của ông Trần Đình Long tăng thêm hàng chục nghìn tỷ đồng |
Đà phục hồi của cổ phiếu HPG trong thời gian gần đây đã giúp giá trị tài sản của ông Trần Đình Long tăng thêm hàng chục nghìn tỷ đồng. Hiện ông Long vẫn là cổ đông lớn nhất tại Hòa Phát với hơn 1,51 tỷ cổ phiếu HPG nắm giữ, tương đương 26,08% vốn.
Như vậy, nếu tính riêng giá trị tài sản căn cứ theo lượng cổ phiếu nắm giữ trực tiếp tại các doanh nghiệp (không tính phần cổ phiếu nắm qua công ty liên quan và người thân), ông Trần Đình Long sở hữu hơn 40.000 tỷ đồng nhờ cổ phiếu HPG.
Diễn biến cổ phiếu HPG trong phiên 28/6 |
Con số này chính thức vượt mặt tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (hiện nắm 690 triệu cổ phiếu VIC trị giá hơn 36.000 tỷ đồng) để đưa ông Long trở thành người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cũng cần nói là tài sản tính trên giá trị cổ phiếu nắm giữ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm không chỉ do giá cổ phiếu VIC mà còn do ông sử dụng cổ phần để góp vốn thành lập công ty. Hồi tháng 3/2023, ông Vượng giao dịch chuyển nhượng hơn 49 triệu cổ phiếu VIC để góp vốn vào Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM.
Còn theo Tạp chí Forbes thống kê, tổng tài sản của ông Phạm Nhật Vượng vẫn dẫn trước với 4,3 tỷ USD. Con số này giúp ông Vượng giữ vững vị thế tỷ phú giàu nhất Việt Nam và cách biệt so với ông Trần Đình Long (tổng tài sản 2,2 tỷ USD).
Trở lại với Hòa Phát, thời gian gần đây, không chỉ HPG mà hàng loạt cổ phiếu cùng nhóm khác cũng đang trong cơn sóng tăng giá. Trong khoảng 3 tuần qua, POM của Thép Pomina đã bứt phá gần 40%, cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim tăng tới 17% hay "khiêm tốn" hơn một chút là cổ phiếu HSG của Tôn Hoa Sen cũng đã tăng 13%...
Không chỉ HPG mà hàng loạt cổ phiếu cùng nhóm thép cũng đang trong cơn sóng tăng giá |
Triển vọng và thách thức đan xen của ngành thép
Đà tăng giá cổ cổ phiếu nhóm thời gian gia được cho là nhờ ngành thép đón nhận nhiều thông tin tức tích cực. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép sản xuất trong tháng 5 đạt 2 triệu tấn, tăng 3,1% so với tháng trước. Tổng sản lượng tiêu thụ tăng khá mạnh thêm 13,3% lên 2,14 triệu tấn. Xuất khẩu tăng gần 30% lên 822.657 tấn, cao gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước.
Riêng với Hòa Phát, tháng 5 vừa qua, sản lượng bán các sản phẩm thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép) của tập đoàn đạt 530.000 tấn, tăng 16% so với tháng 4 (nhưng vẫn giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái). Đây cũng là mức tiêu thụ thép cao nhất của doanh nghiệp kể từ đầu năm.
Có thể thấy, việc tiêu thụ thép dần hồi phục phần nào củng cố thêm cơ sở để các nhà sản xuất thép tái khởi động lại các lò cao đã đóng vào cuối năm ngoái khi thị trường ảm đạm. Không chỉ có Hòa Phát, Pomina cũng đã có kế hoạch mở lại lò cao, thậm chí còn dự định tăng vốn để bổ sung nguồn lực mở rộng sản xuất kinh doanh.
Thực tế, năm 2023, các doanh nghiệp ngành thép đều lên kế hoạch kinh doanh có lãi trở lại, dựa trên giả định thời điểm khó khăn nhất của ngành đã qua.
Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước đã thay đổi mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND có kỳ hạn từ 1/6 tháng xuống dưới 5% được đánh giá có thể ảnh hưởng tới những nhóm ngành có tổng nợ vay lớn, trong đó có doanh nghiệp thép. Không chỉ vậy, mới đây, việc khởi công dự án Vành đai 4 Hà Nội cũng mang tới thêm một tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp ngành thép.
Nhận xét về triển vọng ngành, theo ông Đỗ Tiến Duy - Chuyên gia Phân tích thuộc Phòng Đầu tư và Phân tích Công ty CP Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam (VISC), không thể phủ nhận triển vọng của ngành thép khá sáng, tuy nhiên cùng với đó là không ít những thách thức, dự báo có thể ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của các doanh nghiệp thép trong ngắn hạn.
Theo đó, nhu cầu tiêu thụ thép tuy có cải thiện nhưng nhìn chung vẫn còn yếu đã tác động khá nhiều đến giá bán thép thành phẩm trên toàn cầu, và sự giảm giá nhanh từ các doanh nghiệp thép Trung Quốc để cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu cũng đã góp phần vào xu hướng giảm giá thép trên phạm vi toàn cầu.
Cùng với đó, giá nguyên liệu tăng đã tạo khó khăn cho các nhà máy thép trong việc bù lại giá thành sản xuất và có lãi; cùng với đó là sự trì trệ trong thị trường bất động sản và chính sách siết chặt tín dụng từ hệ thống ngân hàng đã làm giảm nhu cầu sử dụng thép xây dựng.
Về tổng thể, ông Duy cho rằng tình hình ngành thép vẫn đang gặp khó khăn do giá thép giảm, nhu cầu yếu, và áp lực từ giá nguyên liệu tăng. Điều này đặt ra thách thức cho doanh nghiệp ngành thép trong việc đạt được lợi nhuận trong quý II/2023 cũng như cả năm 2023.
Vi phạm công bố thông tin, Tập đoàn Tiến Bộ (TTB) bị phạt gần 100 triệu đồng Ngày 26/6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 179/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong ... |
Công an Thành phố Hà Nội đã có Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Thao túng thị trường chứng khoán" với bộ 3 ... |
Thị trường chứng khoán ngày 28/6/2023: Tín hiệu kỹ thuật phiên chiều Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam dẫn nguồn Vietstock đưa ra những phân tích tín hiệu kỹ thuật phiên chiều ngày ... |
Lưu Lâm