Theo đó, Hoa Sen Sài Gòn dự kiến có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, bao gồm 40 tỷ đồng vốn góp của HSG và 60 tỷ đồng của các cổ đông sáng lập khác. Dù chỉ nắm 40% vốn, công ty này vẫn mang thương hiệu Hoa Sen.
Tập đoàn Hoa Sen vừa thông qua chủ trương đầu tư theo hình thức góp vốn với tỷ lệ 40% để thành lập Công ty CP Hoa Sen Sài Gòn |
Người đại diện cho phần vốn của HSG tại Hoa Sen Sài Gòn là ông Trần Ngọc Chu, Phó chủ tịch HĐQT thường trực – điều hành của HSG. Ngành nghề kinh doanh chính của Hoa Sen Sài Gòn là kinh doanh bất động sản, kho bãi, dịch vụ lưu trú ngắn hạn, dịch vụ ăn uống, xây dựng nhà ở…
Theo HSG, việc góp vốn thành lập Hoa Sen Sài Gòn nhằm tìm kiếm bất động sản có giá trị 1.000 – 3.000 tỷ đồng để phát triển các dự án văn phòng – trung tâm thương mại – nhà ở, bố trí văn phòng làm việc cho tập đoàn, cho thuê, hoặc xem xét chuyển nhượng (nếu điều kiện phù hợp).
Trong số các công ty con, công ty liên kết của HSG, chỉ có 1 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là Công ty CP Hoa Sen Yên Bái (được thành lập năm 2016). Công ty này được HSG rót thêm vốn vào tháng 2/2023, nâng vốn điều lệ từ 340 tỷ đồng lên 421 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của HSG tại Hoa Sen Yên Bái là 95,962%.
Như vậy, HSG sắp có thêm 1 công ty liên kết trong lĩnh vực bất động sản. Trong quá khứ, HSG có nhiều dấu ấn trên thị trường bất động sản. Tập đoàn chính thức lấn sân sang lĩnh vực này từ năm 2009 bằng việc đầu tư vào dự án khu dân cư Điền Phúc Thành ở quận 9, TP. Hồ Chí Minh.
Sau đó, HSG tiếp tục đầu tư thêm 2 dự án là Hoa Sen Phước Long B và căn hộ Hoa Sen Riverside. Năm 2011, HSG tuyên bố rút khỏi lĩnh vực bất động sản vì kinh doanh không được như kỳ vọng và sẽ tập trung vào hoạt động cốt lõi là thép.
Việc thành lập Hoa Sen Yên Bái cùng 3 công ty khác là Hoa Sen Hội Vân, Hoa Sen Vân Hội và Hoa Sen Quy Nhơn vào năm 2016 đánh dấu sự trở lại của HSG trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, ngoại trừ Hoa Sen Yên Bái, 3 công ty còn lại đều đã bị giải thể.
Như vậy, việc rót thêm vốn vào Hoa Sen Yên Bái, thành lập Hoa Sen Sài Gòn có thể là dấu hiệu cho việc lấn sâu hơn vào lĩnh vực bất động sản của HSG.
Về tình hình kinh doanh, trong niên độ tài chính 2022-2023 (từ 1/10/2022-30/9/2023), Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 31.650,7 tỷ đồng, giảm 36,3% và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 28,37 tỷ đồng, giảm 88,7% so với niên độ trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 9,9% xuống 9,7%.
Được biết, trong niên độ này, Hoa Sen đặt kế hoạch kinh doanh dựa trên 2 kịch bản. Kịch bản thứ nhất với phương án sản lượng thành phẩm đạt 1,4 triệu tấn, doanh thu ước tính 34.000 tỷ đồng, giảm 32% và lợi nhuận sau thuế dự kiến 100 tỷ đồng, giảm 60% so với niên độ trước.
Kịch bản thứ hai tích cực hơn với sản lượng thành phẩm là 1,5 triệu tấn, doanh thu ước tính 36.000 tỷ đồng, giảm 28%, nhưng lợi nhuận sau thuế dự kiến 300 tỷ đồng, tăng 20% so với niên độ trước.
Như vậy, với kết quả trên, Hoa Sen đã không hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong niên độ tài chính 2022-2023, cho dù là kế hoạch thận trọng hay tích cực.
Trong báo cáo phân tích về Hoa Sen mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đề cập tới chiến lược phát triển cho niên độ tài chính 2023-2024 (từ 1/10/2023-30/9/2024) của doanh nghiệp này.
Về tình hình chung, Hoa Sen cho biết, thị trường thép tuy đã qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng năm 2024 chưa thể kỳ vọng sản lượng tăng trưởng mạnh do một số khó khăn như nhu cầu nội địa còn yếu, kinh tế vĩ mô thế giới còn nhiều rủi ro... Do đó, Hoa Sen kỳ vọng giá nguyên liệu chính (HRC) sẽ không có nhiều biến động trong năm 2024 (dao động quanh mức 550-600 USD/tấn) và đặt kế hoạch kinh doanh dựa trên giả định này, cùng với đó là hạn chế vay nợ bằng USD để tránh rủi ro tỷ giá.
Về thị trường tiêu thụ, Hoa Sen tiếp tục duy trì cân bằng giữa thị trường nội địa và xuất khẩu ở tỷ lệ 50:50. Tuy nhiên, do sức mua trong nước yếu nên sản lượng tiêu thụ hiện đang nghiêng về kênh xuất khẩu, đồng thời không tập trung ở một thị trường trọng điểm mà thúc đẩy đồng thời ở các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, châu Á nhằm phân tán rủi ro.
Theo đó, Hoa Sen đặt kế hoạch sản lượng tiêu thụ duy trì trung bình 130.000 tấn/tháng, tương đương sản lượng cả năm có thể đạt 1,56 triệu tấn trong niên độ tài chính 2023-2024, tăng 11,4% so với niên độ trước.
Đối với kế hoạch đầu tư, Công ty không đầu tư lớn vào máy móc, thiết bị, mà sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống Hoa Sen Home, bao gồm mở rộng số lượng sản phẩm bày bán (SKU), trong đó chuyển dần sang các sản phẩm khác có biên lợi nhuận tốt hơn (gạch ốp lát, sơn…) với mục tiêu tăng tỷ trọng của các ngành hàng này lên 50% trong 3-5 năm tới; kiểm soát chi phí tại từng cửa hàng, đào tạo nhân viên để có thể tư vấn cho khách hàng với nhiều sản phẩm hơn, đồng thời tập trung tiếp cận các nhà thầu địa phương để có các đơn hàng ổn định; đặt chỉ tiêu bán hàng cụ thể cho từng cửa hàng, từng ngành hàng và yêu cầu mỗi cửa hàng cần có lãi trong vòng 6 tháng… Hiện tại, Hoa Sen đang duy trì khoảng 500 cửa hàng (bao gồm khoảng 400 cửa hàng truyền thống và 110 cửa hàng Hoa Sen Home).
Có thể thấy, sau khi lao dốc trong niên độ 2021-2022, kết quả kinh doanh niên độ 2022-2023 của Hoa Sen vẫn chưa hồi phục như kỳ vọng. Bước sang niên độ 2023-2024, Ban lãnh đạo Công ty tiếp tục cho thấy sự dè dặt trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ trong nước còn yếu và biến động tỷ giá còn khó lường.
HAGL Agrico lập công ty con vốn điều lệ gần 10.000 tỷ đồng Tại thời điểm 30/9, HAGL Agrico hiện có 6 công ty con, trong đó có hai pháp nhân tại Lào và 4 pháp nhân tại ... |
Năm 2024, Viglacera (VGC) đặt mục tiêu lãi trước thuế hơn 1.200 tỷ đồng Năm 2024, Tổng Công ty Viglacera đặt mục tiêu tổng doanh thu 13.468 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.216 tỷ đồng. |
Khách sạn Đông Á (DAH) hủy kế hoạch trích 80 tỷ đồng mua cổ phần Green Island Theo Khách sạn Đông Á, việc thay đổi này là do không còn đúng với thực tế kinh doanh của công ty. |
Tiểu Vy