Trước năm 2012, vàng nguyên liệu cho sản xuất nữ trang được cung cấp từ nhiều nguồn đa dạng, bao gồm cả hoạt động mua đi bán lại nữ trang đã qua sử dụng, nguồn nhập khẩu của Nhà nước và doanh nghiệp, các nguồn khác.
Tuy nhiên, sau khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP có hiệu lực, việc nhập khẩu vàng nguyên liệu bị hạn chế nghiêm ngặt. Mặc dù theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP, các doanh nghiệp được xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu nhưng chưa có doanh nghiệp nào nhận được giấy phép này trong hơn 10 năm qua. Điều này dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn vàng tái chế từ nữ trang đã qua sử dụng và các nguồn khác.
Trong thời gian gần đây, để đảm bảo tính minh bạch và chống lại các hoạt động kinh doanh vàng bất hợp pháp, Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp siết chặt quản lý. Các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp vàng không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ.
Thêm vào đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, từ ngày 15/6/2024, việc sử dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch vàng là bắt buộc. Những quy định này, kết hợp với tình hình giá vàng biến động mạnh, đã khiến nguồn cung vàng nguyên liệu trên thị trường ngày càng khan hiếm, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất nữ trang.
Giá bán của một sản phẩm nữ trang có thương hiệu được cấu thành từ nhiều thành phần, bao gồm giá trị nguyên vật liệu, nhân công, thiết kế, giá trị thương hiệu…Trong đó, nguyên liệu như vàng, bạc, đá quý chiếm tỷ lệ đáng kể (khoảng 60% giá vốn). Khi giá vàng biến động, các doanh nghiệp lớn có thể điều chỉnh giá bán sản phẩm hoặc thay đổi thiết kế để bù đắp chi phí giá vốn tăng lên. Ngược lại, cơ cấu giá vốn sản phẩm vàng của các hộ kinh doanh nhỏ thường đơn giản hơn, chủ yếu dựa trên hàm lượng vàng và công chế tác, ít có yếu tố thiết kế để tạo thêm giá trị gia tăng. Do đó, biên lợi nhuận của các sản phẩm này thường thấp hơn so với các sản phẩm có thương hiệu.
Với việc siết chặt quản lý nguồn gốc vàng, việc thu mua vàng nguyên liệu từ người dân sẽ trở nên khó khăn hơn do yêu cầu về hóa đơn chứng từ. Điều này dự kiến sẽ đẩy giá vàng nguyên liệu lên cao.
Trong bối cảnh này, các hộ kinh doanh nhỏ và các chuỗi trang sức có năng lực quản lý và tài chính hạn chế sẽ khó khăn trong việc cạnh tranh và có nguy cơ mất thị phần.
Ngược lại, các doanh nghiệp lớn như PNJ, DOJI, SJC,... với tiềm lực tài chính mạnh và hệ thống phân phối rộng khắp sẽ có nhiều ưu thế hơn trong việc đảm bảo nguồn cung ổn định, thậm chí có thể ký kết các hợp đồng mua bán dài hạn với giá ưu đãi. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp lớn củng cố vị thế trên thị trường và giành được miếng bánh thị phần.
Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) kết thúc nửa đầu năm 2024 đã ghi nhận doanh thu đạt 22.113 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.167 tỷ đồng, lần lượt tăng 34,3% và 7,4% so với cùng kỳ. Các mảng kinh doanh chính đều tăng trưởng, trong đó doanh thu mảng bán lẻ tăng 14%, mảng bán sỉ tăng 20% và đặc biệt doanh thu vàng 24K tăng đến hơn 80% nhờ sự sôi động của thị trường vàng.
Với mức giá 108.900 đồng/CP, vốn hóa của PNJ trên sàn chứng khoán lên tới hơn 1,4 tỷ USD |
Theo Chứng khoán Rồng Việt, do việc siết chặt quản lý của Nhà nước, trong thời gian qua, trên toàn hệ thống PNJ không có hoạt động mua bán vàng miếng do thiếu hụt nguồn cung, người dân chủ yếu chỉ mua vàng mà không bán lại. Dự kiến tình trạng này sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, khiến PNJ mất đi một nguồn doanh từ năm 2025. Tuy nhiên, do mảng kinh doanh vàng miếng chỉ là hoạt động bổ trợ để thu hút khách hàng cho mảng kinh doanh trang sức chính, nên PNJ sẽ ưu tiên phân bổ nguồn vàng nguyên liệu cho sản xuất nữ trang.
Ở chiều ngược lại, với biên lợi nhuận gộp cao từ mảng trang sức, PNJ có lợi thế cạnh tranh đáng kể trong việc đảm bảo nguồn cung vàng nguyên liệu ổn định. Nhu cầu bán lại trang sức của người dân vẫn còn do trang sức được nhượng lại dựa theo giá trên hóa đơn chứ không theo giá vàng lên xuống từng ngày. Bên cạnh đó, giá trị gia tăng từ thiết kế, dịch vụ và thương hiệu cho phép PNJ trả giá cao hơn so với thị trường, thu hút các nhà cung cấp vàng uy tín.
Cũng theo VDSC, về dài hạn PNJ có thể vẫn gặp khó khăn về nguồn cung vàng nguyên liệu, nhưng doanh nghiệp sẽ có thời gian để thay đổi thiết kế sản phẩm theo hướng đẩy mạnh hơn các thiết kế cho biên lợi nhuận cao hơn để bù vào phần tăng chi phí nguyên vật liệu.
Ngoài ra, động thái tung ra nhiều bộ sưu tập trang sức phù hợp với thị hiếu khách hàng và triển khai nhiều chiến dịch marketing tạo điểm nhấn cho thấy Vàng Phú Nhuận đang dần chuyển dịch trọng tâm sang mảng bán lẻ trang sức. Đây vốn dĩ là mảng kinh doanh có biên lợi nhuận cao hơn mảng vàng miếng, do đó chiến lược kinh doanh này được kỳ vọng có thể giúp PNJ cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh trong tương lai.
Kết phiên 23/8/2024, thị giá của cổ phiếu PNJ dừng chân ở mức đỉnh lịch sử 108.900 đồng/CP, đưa giá trị vốn hóa doanh nghiệp trên sàn chứng khoán lên hơn 1,4 tỷ đô với nợ vay vỏn vẹn 260 tỷ đồng. Đây cũng là mức đỉnh lịch sử của CP PNJ trong nhiều năm trở lại đây.
Cổ phiếu PNJ chào tuần mới bằng "một cú vít ga" Sau thời gian đi ngang, cổ phiếu PNJ bất ngờ có cú nhấn ga tăng tốc đầy ngoạn mục phiên sáng đầu tuần mới... |
Chứng khoán khởi đầu tuần mới thuận lợi, điểm nhấn cổ phiếu PNJ Thị trường chứng khoán phiên giao dịch đầu tuần mới, thanh khoản tuy không giữ được ở mức quá cao nhưng cũng đủ để chỉ ... |
Nguyễn Phương