Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng về Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia

24/06/2021 - 23:18
(Bankviet.com) Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7//2020 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 34/NQ-CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ về Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.

Theo đó Kế hoạch hành động nêu rõ sẽ, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, qua đó kiến tạo môi trường kinh doanh ổn định, thuận lợi để tổ chức tín dụng (TCTD) có điều kiện mở rộng tín dụng đối với tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là ngành lương thực.

NHNN chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, các địa phương triển khai hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng góp phần tăng cường ứng dụng công nghệ cao, hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đơn giản hóa thủ tục vay vốn; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp. Kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Đa dạng các hình thức triển khai Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các chương trình, dự án liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao và các dự án đầu tư vào sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm.

Đẩy mạnh thanh toán qua thiết bị di động, phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số cho người dân, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Phát triển các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền dễ sử dụng phù hợp.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

T.Dũng

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ