Khẩn trương, quyết liệt triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn Ngân sách Nhà nước

28/05/2022 - 03:00
(Bankviet.com) (thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 27/5/2022 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn Ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN.

Hội nghị nhằm quán triệt các nhiệm vụ, nội dung của Nghị định 31/2022/NĐ-CP, Thông tư 03/2022/TT-NHNN, hướng dẫn toàn hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) và tới từng địa phương nhằm sớm đưa chính sách vào thực tiễn, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi kinh tế. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tiên sử dụng ngân sách nhà nước có quy mô lớn được triển khai qua hệ thống NHTM

Thời gian qua, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới nhiều ngành, lĩnh vực, ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất, thanh toán, cũng như các chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ… trong hơn 2 năm qua bằng chính nguồn lực của mình nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế.

Theo kết quả khai thác tại hệ thống báo cáo tập trung của NHNN, đến cuối tháng 4/2022, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN là hơn 695 nghìn tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng. Dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198 nghìn tỷ đồng của gần 680 nghìn khách hàng; lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91 nghìn tỷ đồng cho gần 490 nghìn khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ hiện còn gần 18 nghìn tỷ đồng của hơn 166 nghìn khách hàng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, ngay từ đầu năm 2022, NHNN đã có chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; kết quả, đến ngày 20/5/2022 tín dụng đạt trên 11 triệu tỷ đồng, tăng 7,66% so với cuối năm 2021; cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ngành, lĩnh vực thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vẫn được kiểm soát chặt chẽ. Nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.

Thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, NHNN đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, NHTM trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP và theo thẩm quyền ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các NHTM thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị.

Phó Thống đốc cho biết, đây là chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tiên sử dụng ngân sách nhà nước có quy mô lớn được triển khai qua hệ thống NHTM. Do đó, ngay từ trong quá trình dự thảo, NHNN đã tích cực, chủ động phối hợp, bàn bạc rất kỹ lưỡng với các bộ, ngành, các NHTM thông qua rất nhiều cuộc họp cũng như lấy ý kiến bằng văn bản để xây dựng, hoàn thiện Nghị định và Thông tư hướng dẫn nhằm sớm đưa chính sách hỗ trợ vào thực tiễn, với mục tiêu giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất thấp hơn để vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nền tảng và động lực phát triển nền kinh tế; đồng thời đảm bảo nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, hạn chế tối đa các sai phạm trong quá trình triển khai, quyết toán hỗ trợ lãi suất.

Tại hội nghị, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đã trình bày một số nội dung chính của nghị định 31. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ lãi suất là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; trong đó có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế nói trên nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản quy định tại mã ngành kinh tế (L) theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg; để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố.

Về điều kiện được hỗ trợ lãi suất, khách hàng có đề nghị được hỗ trợ lãi suất, đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; khoản vay được hỗ trợ lãi suất là khoản vay bằng đồng Việt Nam, được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2023, sử dụng vốn đúng mục đích theo quy định nêu trên, chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác; quy định 2 trường hợp khoản vay không được tiếp tục hỗ trợ lãi suất (tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 31).

Thời hạn được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023. Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định tại Nghị định.

Về phương thức hỗ trợ lãi suất, đến thời điểm trả nợ của từng kỳ hạn trả nợ lãi, ngân hàng thương mại thực hiện giảm cho khách hàng số lãi tiền vay phải trả bằng số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi suất trong kỳ theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Căn cứ kết quả hỗ trợ lãi suất của ngân hàng đối với khách hàng, NSNN sẽ thanh toán số tiền hỗ trợ lãi suất cho các ngân hàng.

Để tổ chức triển khai chính sách nhanh chóng, thuận lợi cho cả khách hàng và ngân hàng, đúng mục tiêu, đối tượng theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, tại Nghị định còn quy định một số nội dung về nguyên tắc hỗ trợ lãi suất; hồ sơ, quy trình, thủ tục lập dự toán, thực hiện dự toán và quyết toán hỗ trợ lãi suất (giữa ngân sách nhà nước với ngân hàng); trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND tỉnh thành phố, ngân hàng, khách hàng.

Khẩn trương triển khai nhiệm vụ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú lưu ý, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là một giải pháp bổ sung và thời gian tới sẽ song hành cùng với các giải pháp mà ngành ngân hàng đã, đang và sẽ triển khai (bao gồm cả chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội - NHCSXH) nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, góp phần kích thích cả phía cung và cầu, tạo nền tảng để tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ theo hướng bền vững hơn.

Do đó, Phó Thống đốc yêu cầu các đơn vị trong ngành ngay từ hôm nay khẩn trương, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, phối hợp với cơ quan, chính quyền địa phương, đơn vị liên quan nhằm đảm bảo thực hiện hỗ trợ lãi suất đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích; ngăn chặn các sai phạm, rủi ro, trục lợi chính sách. Cụ thể, Phó Thống đốc đề nghị các đơn vị trong ngành tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ sau:

Đối với các ngân hàng thương mại, Phó Thống đốc đề nghị tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022; Ban hành văn bản nội bộ để hướng dẫn các chi nhánh thống nhất thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN; đồng thời gửi NHNN (thông qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) để theo dõi, giám sát việc thực hiện hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng.

Tổ chức triển khai ngay việc thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN trong toàn hệ thống. Đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước trong 02 năm 2022, 2023 và từng năm theo quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP, Thông tư 03/2022/TT-NHNN và chỉ đạo của NHNN tại văn bản số 3442/NHNN-TD ngày 24/5/2022, gửi NHNN ngay trong tuần này để NHNN sớm tổng hợp, đăng ký kế hoạch gửi Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình cấp có thẩm quyền giao vốn kế hoạch hỗ trợ lãi suất.

Chủ động cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, nhất là các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất tại Nghị định 31/2022/TT-NHNN. Đẩy mạnh công tác truyền thông về chính sách hỗ trợ lãi suất để khách hàng nắm bắt được thông tin và sớm được tiếp cận chính sách. Bên cạnh việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất 2%, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chỉ đạo của NHNN. Chủ động xử lý khó khăn và kịp thời phản ánh với NHNN, lãnh đạo UBND tỉnh về các vướng mắc, đề xuất kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện. Đảm bảo thực hiện hỗ trợ lãi suất đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích; ngăn chặn các sai phạm, rủi ro, trục lợi chính sách.

Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, chỉ đạo các chi nhánh TCTD trên địa bàn đẩy mạnh triển khai chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN; theo dõi tình hình, kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất của chi nhánh các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ lãi suất của các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn; đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt và xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chính sách.

Bên cạnh đó, thực hiện thanh tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên việc cho vay hỗ trợ lãi suất của ngân hàng thương mại, chi nhánh các ngân hàng thương mại trên địa bàn theo quy định. Thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các cấp trên địa bàn để chia sẻ, thông tin, tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách, kết quả triển khai và chủ động xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình cho vay hỗ trợ lãi suất của chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn; báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh, thành phố, Thống đốc NHNN xử lý các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền. Chuẩn bị các nội dung phục vụ Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.

Đối với các đơn vị thuộc NHNN, tiếp tục tham mưu Ban lãnh đạo NHNN triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng, lãi suất…, nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho việc phát huy tối đa hiệu quả của chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước.

Tổ chức tập huấn cho các ngân hàng thương mại về chính sách hỗ trợ lãi suất, đặc biệt là các nội dung liên quan đến điều kiện, quy trình, thủ tục thực hiện thanh, quyết toán hỗ trợ lãi suất theo quy định. Theo dõi chặt chẽ kết quả hỗ trợ lãi suất của ngân hàng thương mại và tham mưu Thống đốc NHNN triển khai các nội dung, nhiệm vụ của NHNN theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.

Phối hợp các đơn vị chuyên môn của các Bộ, ngành có liên quan kịp thời giải đáp vướng mắc của các ngân hàng thương mại trong quá trình triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Thực hiện thanh tra, giám sát việc cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại theo quy định.

Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông về chính sách hỗ trợ lãi suất, giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hiểu rõ và sớm tiếp cận thông tin về chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.

Theo: