Không chỉ vì mất khách hàng lớn, bước đi đầu tiên tại sân bay Long Thành cũng đang khiến lợi nhuận SGN hụt hơi
Không chỉ hụt hơi vì mất khách hàng lớn, SGN còn đang chịu áp lực từ bước khởi đầu tại sân bay Long Thành, nơi được kỳ vọng sẽ mở ra tương lai dài hạn.
Ngày 24/7, Công ty CP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (HOSE: SGN) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2025, ghi nhận doanh thu thuần đạt 356 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Mức sụt giảm này thấp hơn lo ngại ban đầu, khi thị trường từng dự báo kết quả kinh doanh SGN sẽ bị ảnh hưởng mạnh do ngừng cung cấp dịch vụ trọn gói cho Vietjet – đối tác từng chiếm tới 39% doanh thu trong quý I.

Lợi nhuận sau thuế trong kỳ đạt 63,9 tỷ đồng, giảm hơn 9% so với quý II/2024. Tuy vậy, đây vẫn là mức giảm “mềm” hơn so với dự báo của nhiều công ty chứng khoán.
SGN lý giải, việc tiếp tục cung cấp dịch vụ cho Vietjet tới ngày 20/5/2025 nhằm duy trì hoạt động ổn định trong giai đoạn chuyển giao đã giúp hạn chế phần nào tác động tiêu cực đến doanh thu. Song song đó, doanh thu tài chính tăng trưởng mạnh 61%, đạt gần 20 tỷ đồng cũng đóng vai trò hỗ trợ.
Tuy nhiên, trong phần giải trình kết quả kinh doanh, SGN cho biết khoản lỗ phát sinh từ công ty con mới thành lập phục vụ sân bay Long Thành cũng là nguyên nhân kéo lợi nhuận đi xuống. Cụ thể, trong quý II, SGN đã rót vốn thành lập Công ty TNHH Phục vụ mặt đất Sài Gòn - Long Thành, nắm giữ 75% vốn điều lệ. Do công ty này vẫn đang trong quá trình đầu tư xây dựng, chưa tạo ra doanh thu và đã ghi nhận lỗ 6,9 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận hợp nhất của SGN. Nếu không tính yếu tố này, kết quả lợi nhuận quý II của SGN gần như không đổi so với cùng kỳ.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 diễn ra ngày 20/6, trước câu hỏi của cổ đông về chiến lược hoạt động sau năm 2027, Chủ tịch HĐQT SGN đã nhấn mạnh một cột mốc quan trọng: lần đầu tiên sau 21 năm hoạt động, công ty chính thức sở hữu quỹ đất riêng tại sân bay Long Thành.
“Sau 21 năm, SGN mới có 'đất cắm dùi', vì từ trước đến nay toàn bộ mặt bằng đều đi thuê. Lần này chúng tôi trúng thầu khu đất rộng hơn 7.000 m² cùng các tài sản xây dựng đi kèm tại Long Thành. Đây là nền tảng quan trọng để công ty phát triển bền vững hơn trong tương lai,” vị lãnh đạo chia sẻ.
Ông cũng cho biết, khi sân bay Long Thành đi vào khai thác và sản lượng tại Tân Sơn Nhất giảm dần, SGN sẽ thực hiện tái phân bổ nguồn lực, gồm nhân sự và thiết bị kỹ thuật, giữa các cảng hàng không để đảm bảo vận hành hiệu quả và thích ứng với sự thay đổi về sản lượng phục vụ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, SGN đạt 773 tỷ đồng doanh thu thuần và 127 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 3% và 2% so với nửa đầu năm 2024. Đây được xem là kết quả tích cực trong bối cảnh công ty mất đi một đối tác lớn và phải gánh chi phí đầu tư ban đầu cho đơn vị mới.
Dù vậy, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SGN đã trải qua giai đoạn điều chỉnh sâu trong bốn tháng trở lại đây. Giá cổ phiếu từng rơi hơn 40% từ đỉnh tháng 2/2025, xuống gần 60.000 đồng/cp, sau khi xuất hiện thông tin chấm dứt hợp tác với Vietjet trên các nền tảng mạng xã hội, cùng thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp dụng chính sách thuế đáp trả mới.
Tính đến thời điểm cuối tháng 6/2025, quy mô tổng tài sản của SGN ở mức hơn 1.730 tỷ đồng, tăng hơn 240 tỷ đồng so với thời điểm hồi đầu năm. Trong đó, tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn tăng mạnh, lần lượt lên mức 529 tỷ đồng và 756 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của công ty tăng mạnh 52% so với đầu năm, lên mức 447 tỷ đồng, phần lớn đến từ khoản phải trả người lao động và các khoản phải trả khác. Cụ thể, phải trả người lao động tăng mạnh từ 96,4 tỷ đồng hồi đầu năm lên mức 175,6 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản phải trả, phải nộp khác tăng mạnh gấp 205 lần so với đầu năm, lên mức 88,7 tỷ đồng.