Kido chỉ hoàn thành 13% mục tiêu lợi nhuận năm 2024, nợ vay vượt mốc 4.000 tỷ đồng

05/02/2025 - 17:36
(Bankviet.com) Kido báo cáo lợi nhuận trước thuế năm 2024 chỉ đạt 107 tỷ đồng, tương đương 13% kế hoạch đề ra. Trong khi đó, tổng nợ vay đã vượt 4.000 tỷ đồng, tăng mạnh 22% so với thời điểm hồi đầu năm.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2024 của Công ty CP Tập đoàn Kido (HOSE: KDC) ghi nhận doanh thu thuần trong quý cuối năm đạt 2.556 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp theo đó cũng tăng 22%, đạt 472 tỷ đồng.

Kido chỉ hoàn thành 13% mục tiêu lợi nhuận năm 2024, nợ vay vượt mốc 4.000 tỷ đồng
Tổng nợ vay của Kido tính đến cuối năm 2024 ở mức 4.060 tỷ đồng, trong đó có 497 tỷ đồng là nợ trái phiếu, còn lại chủ yếu là các khoản vay ngân hàng.

Tuy nhiên, các nguồn thu tài chính lại sụt giảm khi doanh thu tài chính chỉ đạt gần 45 tỷ đồng, giảm 20% so với quý IV/2023. Ngược lại, Kido đã tiết giảm đáng kể chi phí tài chính, chỉ còn 48 tỷ đồng, giảm mạnh tới 93%.

Mặc dù vậy, chi phí hoạt động lại tăng đáng kể. Cụ thể, chi phí bán hàng trong quý tăng 62% lên 321 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt 243%, lên mức 141 tỷ đồng. Điều này tạo áp lực không nhỏ lên lợi nhuận chung của tập đoàn.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí và thuế, Kido báo lãi sau thuế chỉ 13,7 tỷ đồng, dù vậy con số này cũng đã được cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 551 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước.

Tính chung cả năm 2024, Kido ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.331 tỷ đồng, giảm 3,7% so với năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 107 tỷ đồng, giảm mạnh 67% so với năm 2023, còn lợi nhuận sau thuế cũng sụt giảm 50%, xuống còn 67 tỷ đồng.

Kido chỉ hoàn thành 13% mục tiêu lợi nhuận năm 2024, nợ vay vượt mốc 4.000 tỷ đồng
Lợi nhuận của Kido liên tục sụt giảm kể từ năm 2021 đến nay (Nguồn: Dữ liệu kinhtechungkhoan.vn)

Đáng chú ý, kết quả này vẫn còn xa so với kế hoạch mà tập đoàn đề ra. Trước đó, Kido đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 đạt 13.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 800 tỷ đồng. Với kết quả thực tế, doanh thu mới chỉ hoàn thành 66% kế hoạch, trong khi lợi nhuận trước thuế đạt vỏn vẹn 13% chỉ tiêu.

Tính đến thời điểm ngày 31/12/2024, quy mô tổng tài sản của Kido đạt 13.223 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với đầu năm. Tuy nhiên, cấu trúc tài sản có sự thay đổi đáng kể.

Tiền mặt và các khoản tương đương tiền giảm mạnh 38%, xuống còn 1.355 tỷ đồng. Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn cũng sụt giảm 62%, từ 719 tỷ đồng đầu năm xuống còn 268 tỷ đồng. Hàng tồn kho của Kido tăng 18%, lên mức 1.270 tỷ đồng.

Trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 13%, đạt 3.353 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản phải thu về cho vay ngắn hạn tăng đột biến từ 740 tỷ đồng lên 1.740 tỷ đồng. Trong đó, hai đối tác chính là Công ty TNHH MTV Đầu tư Châu Á Châu (415 tỷ đồng) và Công ty CP Thương mại Đầu tư TVH (810 tỷ đồng).

Về mặt đầu tư, Kido tiếp tục mở rộng danh mục khi tăng thêm 218 tỷ đồng vào các công ty liên doanh, liên kết và đồng kiểm soát. Trong đó, đáng chú ý là khoản đầu tư hơn 67 tỷ đồng vào TAFOCO – một doanh nghiệp bất động sản được thành lập từ năm 2005.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Kido đạt 6.084 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Đáng chú ý, vay nợ của công ty tăng 22%, lên mức 4.060 tỷ đồng, trong đó có 497 tỷ đồng là trái phiếu, còn lại chủ yếu là các khoản vay ngân hàng.

Bên cạnh đó, tập đoàn vẫn phải trích lập dự phòng hơn 753 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào Lavenue – chủ đầu tư dự án Lavenue Crown tọa lạc tại vị trí đắc địa trên đường Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM. Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty trong năm qua.

Một điểm đáng chú ý khác là tại Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 24/1/2025, 91,3% cổ đông tham dự đã không thông qua kế hoạch bán 24,03% cổ phần tại Kido Foods (KDF).

Trước đó, Kido đã thực hiện chuyển nhượng 24,03% cổ phần tại KDF, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 49%. Đối tác nhận chuyển nhượng là Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood. Sau khi mua thêm từ các cổ đông khác, Nutifood đã nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% vào tháng 9/2024, trở thành cổ đông chi phối tại KDF. Dù không còn kiểm soát KDF, Kido vẫn giữ quyền sở hữu các thương hiệu chủ lực như Celano và Merino trước khi thoái vốn.

Dabaco (DBC) vượt kế hoạch lợi nhuận 2024, mục tiêu doanh thu tỷ USD vẫn ngoài tầm với

Dabaco ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng năm 2024 với lợi nhuận sau thuế đạt 769 tỷ đồng, vượt 5% kế hoạch đề ...

PCE vượt 13% kế hoạch lợi nhuận năm 2024 dù doanh thu giảm nhẹ

Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung (PCE) ghi nhận lãi ròng gần 28 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 33% so với ...

Thu Hà

Thu Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán