Kim ngạch tăng mạnh 40%, Việt Nam nhập khẩu sữa nhiều nhất từ quốc gia nào trong 3 tháng đầu năm?
Kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa về Việt Nam đã tăng mạnh 39% trong 3 tháng đầu năm.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2025 Việt Nam đã chi hơn 114 triệu USD nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa, giảm 6,6% so với tháng trước đó nhưng tăng 16% so với T3/2024.

Lũy kế trong 3 tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này đạt hơn 340 triệu USD, tăng 39,1% so với 3 tháng đầu năm 2024.
Xét về thị trường, Newzealand, Mỹ, Australia, Ireland và Thái Lan là các thị trường chủ yếu cung cấp sữa và sản phẩm cho Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Newzealand với kim ngạch đạt hơn 125 triệu USD, tăng mạnh 103% so với cùng kỳ năm 2024 và chiếm gần 40% thị phần.

Nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa từ thị trường Australia đứng thứ 2, đạt hơn 40 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ 3 là Ireland với 22,89 triệu USD, tăng mạnh 48% so với 3T/2024.
Nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa từ thị trường Mỹ 3 tháng đầu năm 2025 giảm mạnh 46,2%, đạt 19,36 triệu USD, chiếm 5,7%. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu sữa từ thị trường Đông Nam Á, EU… với kim ngạch tăng mạnh trong các tháng đầu năm nay.
Theo hãng phân tích Modor Intelligence, ngành sữa Việt Nam hiện là một trong những thị trường thực phẩm - đồ uống phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, với tổng giá trị thị trường đạt 4,2 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 8,65% đến năm 2029.
Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong ngành này, trong đó có 40 doanh nghiệp chuyên sản xuất và phân phối sữa. Phần lớn thị phần thuộc về các doanh nghiệp trong nước (khoảng 75%), trong khi phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài (khoảng 25%).
Các doanh nghiệp dẫn đầu thị phần sữa trong nước bao gồm Vinamilk, TH True Milk, Nutifood, IDP và Mộc Châu Milk. Trong khi đó, các doanh nghiệp nổi bật nước ngoài bao gồm FrieslandCampina (Hà Lan), Nestlé (Thụy Sĩ), Abbott (Mỹ), Mead Johnson (Mỹ) và Fonterra (New Zealand).
Thị trường sữa Việt Nam đang chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ do nhu cầu tiêu thụ tăng cao và sự cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu và nhà sản xuất, trong đó có cả nguồn cung nhập khẩu. Theo báo cáo từ IMARC Group, công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới, chuyên cung cấp các chiến lược quản lý và nghiên cứu thị trường, thị trường sữa Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ khoảng 9,4% trong giai đoạn từ 2024 đến 2032.
Hiện, thuế nhập khẩu với sữa nước dao động từ 2% đến 15%, đối với sữa bột, hiện thuế nhập khẩu là 10%. Bên cạnh đó, thị trường sữa Việt Nam cũng được hưởng lợi từ các chính sách và cơ chế khuyến khích của Nhà nước, như việc miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu sữa cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào ngành chăn nuôi bò sữa, hay việc hỗ trợ tín dụng, đào tạo, tư vấn kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi bò sữa. Ngoài ra, ngành sữa cũng được mở rộng thị trường xuất khẩu nhờ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang tham gia, như CPTPP, EVFTA, RCEP...
Gần đây, hàng trăm nhãn hiệu sữa bột giả nhắm vào người bệnh và trẻ nhỏ đã bị phanh phui, với doanh thu lên tới 500 tỷ đồng. Trước tình trạng này, cơ quan chức năng cảnh báo người dân khi mua thực phẩm là các loại sữa, người tiêu dùng phải tỉnh táo, thận trọng và có trách nhiệm đối với sức khỏe của bản thân, không nên tin tưởng mù quáng vào các lời giới thiệu từ những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên không gian mạng, cần chọn thương hiệu sữa uy tín, địa chỉ cụ thể, rõ ràng, không mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kiểm tra bao bì sản phẩm, thông tin nhà sản xuất, hạn sử dụng, số lô. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu quảng cáo sai sự thật, vi phạm pháp luật về quảng cáo hoặc kinh doanh thực phẩm cần kịp thời thông tin, phản ánh cho cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định pháp luật.