OPEC+ tiếp tục ‘dằn mặt’ khi các thành viên không tuân thủ hạn ngạch sản xuất dầu
Nhóm OPEC+ liên tục có động thái cứng rắn khi Iraq, Kazakhstan và các thành viên khác chậm việc tuân thủ cắt giảm sản lượng nhằm kiểm soát giá dầu.
Tám thành viên của liên minh OPEC+, gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh trong cuộc họp ngày 3/5 đã nhất trí mức tăng sản lượng dầu 411.000 thùng/ngày trong tháng 6. Quyết định này được đưa ra ngay cả khi giá dầu đang giảm do lo ngại về tình trạng cung vượt cầu và kinh tế toàn cầu suy yếu. Động thái này đã nâng tổng sản lượng dự kiến phát hành trong tháng 4, tháng 5 và tháng 6 lên gần 1 triệu thùng/ngày, tương đương với việc hủy bỏ 44% mức cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày.

Các nguồn tin cho biết nhóm này có thể sẽ chấp thuận tăng tốc bơm dầu ra thị trường vào tháng 8, tháng 9 và tháng 10. Nếu việc tuân thủ của các quốc gia thành viên không được cải thiện, các đợt cắt giảm tự nguyện sẽ được dỡ bỏ vào tháng 11.
“Việc tuân thủ một lần nữa là trọng tâm chính, với Kazakhstan và Iraq tiếp tục không đạt được mục tiêu sản lượng, cùng với Nga ở mức độ thấp hơn”, Helima Croft, nhà phân tích của RBC Capital Markets cho biết.
Trong ba năm qua, OPEC+ đã cắt giảm sản lượng tổng cộng gần 6 triệu thùng/ngày để vực dậy giá dầu. Chiến lược này ban đầu giúp giữ giá dầu thô ở mức trên 90 USD/thùng trong suốt phần lớn năm 2022. Nhưng hiệu quả của chiến lược đã suy yếu trong bối cảnh nhu cầu ảm đạm, sản lượng dầu của Mỹ tăng và sự tuân thủ hạn ngạch sản xuất lỏng lẻo giữa các thành viên OPEC+.
Giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm vào tháng 4, xuống dưới 60 USD/thùng do OPEC+ tăng sản lượng nhanh hơn và do mức thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm dấy lên lo ngại về sự suy thoái toàn cầu.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết: "Thị trường sẽ đón nhận tin tức này theo hướng tiêu cực, miễn là hoạt động xuất khẩu dầu thô không cho thấy sự tuân thủ tốt hơn trong OPEC+". Các quan chức Saudi Arabia đã thông báo với các đồng minh và quan chức ngành công nghiệp rằng họ không muốn hỗ trợ thị trường dầu mỏ bằng cách cắt giảm nguồn cung thêm nữa.
Kazakhstan đã “thách thức” OPEC+ trong tháng này khi Bộ trưởng năng lượng của nước này tuyên bố sẽ ưu tiên lợi ích quốc gia hơn lợi ích của nhóm OPEC+ khi quyết định mức sản lượng dầu. Quốc gia này từng nhiều lần vượt hạn ngạch – đã tiếp tục tăng sản lượng trong tháng 3/2025 thêm 37.000 thùng/ngày, lên mức 1,852 triệu thùng/ngày, cao hơn mức trần 1,468 triệu thùng/ngày đã cam kết trong quý I/2025.
Tuy nhiên Bộ Năng lượng Kazakhstan cho biết nước này đã vượt hạn mức sản lượng trong tháng 3/2025 nhưng sẽ tuân thủ cam kết trong tháng 4/2025, đồng thời bù đắp phần sản lượng vượt mức trước đó, theo hãng tin Interfax.
Giá dầu đã giảm khoảng 7% trong tuần qua, giá dầu Brent hiện đang dao động ở mức 61 USD/thùng và dầu WTI đang dao động ở mức 58 USD/thùng.
Trong báo cáo hàng tháng, OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1,30 triệu thùng/ngày trong năm 2025, và 1,28 triệu thùng/ngày trong năm 2026 - đều giảm 150.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng 3/2025.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các mức thuế thương mại mới, cùng với kế hoạch tăng sản lượng của nhóm OPEC+ đã tạo áp lực giảm giá dầu trong tháng 4/2025 và làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.