Theo đó, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh trong giai đoạn đầu năm dưới áp lực thanh khoản trong hệ thống bị thiếu hụt trước Tết Nguyên Đán.
Thanh khoản tại thời điểm hiện tại đã tương đối ổn định và chỉ mang tính thiếu hụt cục bộ ở một số ngân hàng nhỏ, tuy nhiên lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao trong bối cảnh tín dụng cho dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.
Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố dữ liệu mới nhất về số liệu tăng trưởng M2, huy động và tín dụng trong hệ thống ngân hàng. Tính đến cuối tháng 1/2022, M2 đạt hơn 13,7 triệu tỷ đồng, tăng 2,59% so với cuối năm 2021 (tương đương 12,7% so với cùng kỳ).
Quy mô huy động vốn tăng nhẹ 0,32% so với cuối 2021, trong đó, quy mô tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 1,21% do yếu tố mùa vụ (Tết Nguyên Đán). Ngược lại, tiền gửi của dân cư ghi nhận tăng 1,95%, cao hơn với mức tăng trung bình 1,25% tháng 1 hàng năm trong giai đoạn trước dịch từ năm 2015 đến 2020.
Mức tăng trưởng tiền gửi từ khu vực dân cư trong tháng 1 cho thấy dòng vốn có thể đang quay trở lại hệ thống ngân hàng, trong bối cảnh lãi suất huy động cũng đã tăng nhẹ khoảng 0,25 - 0,5 điểm % so với cuối năm 2021.
Về thị trường ngoại hối, trong tuần qua, đồng VND giao dịch tương đối ổn định. Công ty chứng khoán cho biết áp lực đối với đồng VND rõ nét hơn trong thời gian qua khi có sự phân kỳ giữa chính sách tiền tệ giữa Việt Nam và các NHTW lớn khác.
Về mặt tích cực, VND vẫn được kỳ vọng được hỗ trợ từ dòng tiền ngoại tệ tích cực. Giải ngân FDI
trong 3 tháng đầu năm đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ.
Trên thị trường liên ngân hàng, USD/VND tiếp tục giao dịch quanh mức 22.870/USD, trong khi tỷ giá niêm yết tại các NHTM tăng 10 đồng, kết tuần ở mức VND 22.700-23.010.
Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục giảm nhiệt, giao dịch ở VND 23.350-23.410 và chênh lệch giữa thị trường tự do – niêm yết tại NHTM đang được thu hẹp dần.
Phương Thảo
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam