Cụ thể, tính tới thời điểm ngày 11/6, đã có ít nhất 15 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi từ cuối tháng 5 đến nay. Tuy nhiên, đợt tăng tăng lãi suất lần này vẫn đang diễn ra ở nhóm các ngân hàng tư nhân, trong khi tại 4 ngân hàng quốc doanh (Big 4), biểu lãi suất vẫn giữ nguyên trong hai tháng qua.
Theo ghi nhận, các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi tiền gửi từ cuối tháng 5 đến nay gồm MB, VPBank, Techcombank, TPBank, MSB, Eximbank, SeABank, ABBank, BVBank, NamABank, NCB, BacABank, OCB, Oceanbank, VietBank và GPBank.
Hình minh họa. |
Trong nhóm được điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi, ABBank là ngân hàng có mức tăng mạnh nhất khi điều chỉnh tăng từ 0,4 đến 1,7 điểm % tuy từng kỳ hạn, đáng chú ý tại kỳ hạn 12 tháng tại ngân hàng này đã tăng thêm tới 1,7 điểm %, lên mức 5,4%/năm.
Tiếp đến là BVBank khi cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi từ 0,3 đến 0,8 điểm %, ghi nhận mức tăng cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng, từ 4,85%/năm lên 5,6%/năm. Để hút tiền gửi từ dân cư, nhà băng này cũng quay lại phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất 5,4% với khoản tiền từ 10 triệu đồng.
Bên cạnh đó, hai "ông lớn" tư nhân MB và Techcombank cũng tham gia vào đợt tăng lãi suất, với mức điều chỉnh 0,1- 0,7 điểm phần trăm trong tháng qua, chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn.
Hiện, ba nhà băng BVBank, ABBank và BacABank trả mức lãi cao nhất hệ thống (ở mức 5,6%/năm đối với khoản tiền gửi 12 tháng, tối đa 1 tỷ đồng). Bên cạnh đó, ngày càng nhiều ngân hàng trả lãi suất từ 5% trở lên cho người gửi tiền so với tháng trước.
Mặc dù vậy, nhóm 4 ngân hàng do nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank vẫn đang áp dụng biểu lãi suất tiền gửi ở mức thấp lịch sử.
Theo số liệu tại họp báo Chính phủ, dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 5 tăng khoảng 2,4% so với cuối năm ngoái, cách xa định hướng tăng trưởng 14% của cả năm.
Động thái điều chỉnh lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng, theo chuyên gia là nhằm cân bằng lại với lợi suất sinh lời của các kênh đầu tư khác, đặc biệt là sự áp đảo của vàng trong thời gian qua. Tính toán từ đầu năm đến nay, kim loại quý ghi nhận tỷ suất sinh lời trên 22%, trong khi tiền gửi tiết kiệm (kỳ hạn 12 tháng) chỉ khoảng 1,5%.
Tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024 được tổ chức vào ngày 6/6 vừa qua, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhận định, lãi suất huy động đã tăng khá nhanh trong thời gian qua do có một số kênh đầu tư hấp dẫn hơn tạo áp lực tăng lãi suất để thu hút tiền gửi, tuy nhiên mức tăng không nhiều. Vị chuyên gia này cho rằng, trong thời gian tới, lãi suất tiền gửi sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ trong một số thời điểm nhu cầu tín dụng thời vụ tăng cao như quý 3 hoặc quý 4/2024.
Theo giới chuyên gia, việc tăng hay giảm lãi suất tiền gửi tùy thuộc vào chính sách huy động vốn của từng ngân hàng. Tuy nhiên, tiền gửi kỳ hạn dài trong hệ thống đang giảm đi, do đó việc tăng lãi suất ở kỳ hạn này sẽ giúp ngân hàng tránh tình trạng căng thẳng thanh khoản khi tín dụng phục hồi rõ nét hơn. Sau các đợt tăng lãi suất dồn dập gần đây, mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn đang ở mức thấp, cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại vẫn đang ổn định.
Trong khi đó, các chuyên gia tại Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động có thể cao hơn từ 0,5 - 1%/năm. Tuy nhiên, đà tăng lãi suất huy động sẽ khó tạo ra một cuộc chạy đua trên toàn thị trường, dòng tiền vẫn có xu hướng tìm đến kênh vàng, bất động sản, chứng khoán hơn là gửi tiết kiệm.
Lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng mạnh những ngày đầu tháng 6 Các ngân hàng vẫn tiếp tục tăng mạnh lãi suất tiền gửi trong những ngày đầu tháng 6/2024, tuy nhiên chủ yếu chỉ xuất hiện ... |
Lãi suất Vietcombank: Gửi tiết kiệm 500 triệu đồng kỳ hạn 6 tháng nhận bao nhiêu tiền lãi? Theo khảo sát mới nhất ngày 12/6, lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân tại Vietcombank (VCB) dao động trong khoảng 0,2 ... |
Phạm Hường