Năm 2023, định hướng tín dụng tăng khoảng 14-15% |
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, năm 2022, lạm phát chỉ tăng 3,15%, nguyên nhân là do mặc dù CPI bình quân năm 2022 tăng của một số mặt hàng nguyên liệu tăng so với năm trước. Tuy nhiên theo các chuyên gia, áp lực năm 2023 sẽ còn lớn hơn rất nhiều bởi độ trễ và tác động của tỷ giá.
Tại họp báo Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2023, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho rằng sức ép lạm phát trong năm 2023 là rất lớn và định hướng điều hành chính sách tiền tệ là không thể chủ quan với rủi ro lạm phát. Với độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện tại, áp lực lạm phát nhập khẩu và áp lực lên tỷ giá là rất lớn.
"Mặt bằng lạm phát cao và xu hướng dịch chuyển dòng vốn trên thế giới sẽ tiếp tục được duy trì. Tất nhiên, mức độ tác động dữ dội, nhanh mạnh của xu hướng thế giới đến kinh tế Việt nam sẽ không như năm 2022 nhưng vẫn sẽ tiếp tục dai dẳng trong năm 2023", ông Quang nhận định.
Ngân hàng sẽ đón nhận nhiều thách thức trong năm 2023. Ảnh minh họa |
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, áp lực lạm phát của Việt Nam năm 2023 sẽ ở mức độ cao hơn một chút so với năm ngoái.
"Lý do chính là vì chúng ta có độ trễ, nhập khẩu nhiều, tác động vòng 2, vòng 3 của hàng nhập khẩu đến lạm phát tiêu dùng cũng chậm hơn", ông Lực nói.
Thêm nữa, độ trễ của lượng cung tiền trong những tháng cuối năm nay và trong năm tới vẫn khá chậm. Do đó, TS. Lực kỳ vọng rằng trong những tháng tới, vòng quay tiền sẽ ở mức độ nhanh hơn và như vậy áp lực lạm phát sẽ cao hơn, dự báo ở mức 4-4,5%.
Về mặt bằng lãi suất, TS. Cấn Văn Lực cho rằng năm 2023 không nên và không nhất thiết phải tăng lãi suất, NHNN nên giữ ổn định mặt bằng lãi suất đã là rất tốt. Mặc dù mặt bằng lãi suất có thể không tăng nhưng cũng khó có thể giảm.
VDSC cũng cho rằng NHNN sẽ không tăng lãi suất điều hành trong năm 2023 trên cơ sở định hướng kiềm giữ đà tăng lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, áp lực tỷ giá là yếu tố chính khiến lãi suất điều hành tăng trong năm 2022, áp lực này hạ nhiệt là cơ sở để NHNN giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm 2023.
"Lãi suất điều hành sẽ không chạy theo lãi suất thị trường với định hướng kiềm chế lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát đà tăng lãi suất để đảm bảo an toàn hệ thống, đặc biệt trong bối cảnh vấn đề nợ xấu tăng sẽ nổi cộm hơn trong năm 2023," VDSC cho biết.
Năm 2023, nhóm chuyên gia cho rằng ưu tiên của chính sách tiền tệ sẽ dịch chuyển theo hướng kiềm giữ đà tăng lãi suất trong nền kinh tế để hỗ trợ cho đà tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự ổn định của hệ thống (hỗ trợ thanh khoản, tránh xảy ra đổ vỡ và mất niềm tin đối với hệ thống ngân hàng).
Để thực hiện các mục tiêu này, NHNN có thể phải đánh đổi một số mục tiêu ổn định và an toàn dài hạn để giải quyết vấn đề ngắn hạn. Mục tiêu lạm phát năm 2023 được nới lỏng lên 4,5% và được chia sẻ bởi chính sách tài khoá trong khi điều hành tỷ giá kỳ vọng sẽ bớt áp lực hơn.
SSI Research đưa ra nhận định, bức tranh tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 có thể được chia rõ rệt thành hai màu sắc, tăng mạnh trong nửa đầu năm và giảm nhiệt trong nửa cuối năm trong bối cảnh các điều kiện tài chính thắt chặt hơn.
Tuy nhiên, sang năm 2023, giới phân tích cho rằng tín dụng sẽ bị kìm hãm với việc tăng trưởng tín dụng dự báo sẽ tăng chậm lại.
Chứng khoán KB (KBSV) nhận định nguyên nhân của việc này với rào cản lớn nhất là vấn đề căng thẳng thanh khoản hệ thống.
Các điều kiện kinh tế vĩ mô đang có tín hiệu ổn định sẽ tạo điều kiện cho NHNN có các động thái để cải thiện cung tiền nhờ đó giảm áp lực thanh khoản cho hệ thống. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng để cung tiền và tăng trưởng tín dụng đạt được điểm cân bằng sẽ phải mất từ 3-6 tháng chưa kể khả năng vấn đề tỷ giá và lạm phát có thể quay trở lại. Do đó tín dụng sẽ bị kìm hãm trong nửa đầu năm 2023 và được kỳ vọng sẽ cải thiện vào nửa cuối năm.
VDSC cũng có chung quan điểm khi ước tính tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ vào khoảng 11-12% cho cả năm 2023, thấp hơn mức mục tiêu 15,5-16% của năm 2022 do nhu cầu tín dụng giảm trong bối cảnh lãi suất tăng cùng với các động lực tăng trưởng kinh tế có xu hướng suy giảm và quan điểm hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro của nhà điều hành.
“Tăng trưởng tín dụng sẽ khác nhau giữa các ngân hàng với danh mục khác nhau, đối với những ngân hàng có hỗ trợ ngân hàng 0 đồng, hỗ trợ chi phí tài trợ kinh tế thông qua giảm lãi suất cho vay, có bảng cân đối ít phơi nhiễm với các lĩnh vực rủi ro và chất lượng thanh khoản của các NHTM sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng cùng ngành.
Theo đó, VDSC nhận định Vietcombank, MB, VPBank và HDBank có thể sẽ là những ngân hàng có hạn mức tăng trưởng cao so với bình quân ngành.
Hồng Giang