Từ giữa tháng 10/2022 đến nay, quỹ ngoại Dragon Capital liên tục thoái vốn tại Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - Công ty CP (HOSE: KBC), với tổng khối lượng bán ra gần 12 triệu cổ phiếu, và không còn là cổ đông lớn tại đây.
Mới đây nhất, Dragon Capital báo cáo đã bán gần 2,1 triệu cổ phiếu KBC trong phiên 04/11, giảm sở hữu xuống còn gần 37 triệu cổ phiếu, chiếm 4,76% vốn. Với tỷ lệ sở hữu này, quỹ ngoại chính thức rời ghế cổ đông lớn của KBC.
Trước đó, ngày 12/10, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital vừa mua vào 5.518.000 cổ phiếu KBC để nâng sở hữu từ 7,71% lên 8,43% vốn điều lệ. Trong đó, Norges Bank mua vào 2 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 0,66% lên 0,92% vốn điều lệ; CTBC Vietnam Equity Fund mua vào 1,55 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 2,02% lên 2,22% vốn điều lệ; DC Developing Markets Strategies Public Limited Company mua vào 1,5 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 1,01% lên 1,2% vốn điều lệ; và Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (Equity) mua vào 468.000 cổ phiếu để nâng sở hữu từ 0 cổ phiếu lên 468.000 cổ phiếu, tương đương 0,06% vốn điều lệ.
Sau đó, vào ngày ngày 28/10, nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý vừa thông báo đã bán 1,9 triệu cổ phiếu KBC - trong đó, hai quỹ thành viên Amersham Industries Limited và CTBC Vietnam Equity đồng loạt bán ra tổng cộng 2 triệu cổ phiếu KBC, trong khi Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (Equity) mua vào 100.000 cổ phiếu KBC.
Trên thị trường chứng khoán, tại phiên giao dịch sáng ngày 9/11, cổ phiếu KBC tăng 2,3% lên mức 15.600 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 11 triệu đơn vị.
Diến biến giá cổ phiếu KBC thời gian gần đây (Nguồn: TradingView) |
Quý III/2022, doanh thu thuần và lợi nhuận gộp của KBC đều giảm so với cùng kỳ năm trước; cụ thể lần lượt đạt 203 tỷ đồng và 97 tỷ đồng, giảm 38% và 39%. Doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 83 tỷ đồng.
Đáng chú ý, KBC ghi nhận khoản lợi nhuận 1.997 tỷ đồng từ công ty liên kết, trong khi cùng kỳ lỗ 990 triệu đồng. Khoản lợi nhuận này đã giúp lợi nhuận trước thuế của công ty tăng đột biến lên 1.959 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 35 tỷ đồng.
Theo thuyết minh của KBC, khoản lợi nhuận đột biến trên đến từ thu nhập chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh. Cụ thể, đây là giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phần tại Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (SND) phát sinh trong quý II/2022. Tuy nhiên, do tính chuyên môn cao, phức tạp, cần nhiều thời gian nên KBC đã phối hợp với các bên (có Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam - E&Y) để khắc phục và ghi nhận vào quý III/2022.
Luỹ kế 9 tháng, KBC ghi nhận doanh thu thuần 1.286 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận gộp đạt 560 tỷ đồng, giảm 68%.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng 2 lần lên 238 tỷ đồng, chủ yếu do tăng lãi tiền gửi và cho vay (234 tỷ đồng). Chi phí bán hàng được tiết giảm 65,6%, còn 41 tỷ đồng; còn chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng không đáng kể. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 2.242 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, KBC có thêm 20 tỷ đồng thu nhập khác, đem lại 11 tỷ đồng lợi nhuận khác (cùng kỳ lỗ 5,4 tỷ đồng). Công ty có lợi nhuận trước thuế 2.253 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Khấu trừ thuế, lợi nhuận của KBC tăng mạnh 3 lần, đạt 2.137 tỷ đồng; trong đó lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 2.034 tỷ đồng.
Với kết quả này, KBC mới chỉ hoàn thành 13% mục tiêu doanh thu (9.800 tỷ đồng) và 47% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2022 (4.500 tỷ đồng).
Dù vậy, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT KBC, khẳng định công ty sẽ hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đặt ra năm nay. Lãnh đạo KBC cho biết đầu tháng 11, công ty sẽ ký thoả thuận cho thuê đất 50 ha tại Bắc Ninh với doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cao. Dòng tiền thu về ước đạt 4.000 tỷ đồng.
Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của KBC tăng 9%, đạt 33.375 tỷ đồng. Trong cơ cấu tài sản, hàng tồn kho đạt 11.983 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các dự án KCN và KĐT Tràng Cát, KCN Tân Phú Trung, KĐT Phúc Ninh, KCN Nam Sơn - Hấp Lĩnh,… Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 15% so với đầu năm, đạt 10.769 tỷ đồng. Như vậy, tổng giá trị hàng tồn kho và các khoản phải thu của KBC đạt 23.805 tỷ đồng, chiếm tới 71% tổng tài sản.
Tổng dư nợ vay tại ngày kết thúc quý III/2022 giảm nhẹ so với đầu năm, đạt 6.964 tỷ đồng, chiếm 21% tổng tài sản. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu chỉ 0,79 lần.
Đáng chú ý, dòng tiền kinh doanh 9 tháng của KBC âm tới 948 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 84 tỷ đồng. Nguyên nhân là do tăng các khoản phải thu (464 tỷ đồng), tăng tồn kho (467 tỷ đồng) và tiền lãi vay (258 tỷ đồng). Bên cạnh đó, dòng tiền đầu tư âm 436 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của công ty âm 1.239 tỷ đồng, khiến lượng tiền và tương đương tiền cuối kỳ giảm 48% còn 1.323 tỷ đồng.
Tổng công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc cho biết, mới đây Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang (SBG) - công ty con đã nhận được Quyết định số 1320/QĐ-TTg ngày 4/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu mở rộng tỉnh Bắc Giang.
Được biết, Dự án này có quy mô diện tích 90 ha, tại xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang với vốn đầu tư 996 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án sẽ từ ngày cấp Quyết định chủ trương đầu tư đến hết ngày 5/2/2057.
Theo tìm hiểu, KCN Quang Châu vốn do SBG làm chủ đầu tư, là một trong những KCN tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang, được quy hoạch đầu tư, phát triển theo mô hình quần thể kiến trúc hiện đại gồm: KCN - Khu đô thị - Khu tiện ích và dịch vụ.
KCN Quang Châu mở rộng được phê duyệt năm 2022 đã nâng tổng quy mô diện tích của cả KCN từ 426 ha lên thành 516 ha. Trong đó, KCN hiện hữu 426 ha đã được lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp, thu hút 41 dự án đầu tư, bao gồm 37 dự án FDI, 4 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư lên tới 2,8 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 67.000 lao động.
Các dự án đầu tư tiêu biểu phải kể đến là các dự án đầu tư có quy mô lớn của các tập đoàn nổi tiếng như: Foxconn (với các dự án của các công ty thành viên như Fuhong, Fuyu, Fukang), Luxshare-ICT, JA Solar, Siflex, Samkwang, Crystal Martin, Lens...
Giai đoạn mở rộng với diện tích hơn 90 ha vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cho Dự án cũng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm khảo sát, đăng ký thuê với tỉ lệ lấp đầy dự kiến đạt hơn 90%.
Trong đó, đặc biệt, Tập đoàn Foxconn - một đối tác thân thiết của Tập đoàn Apple sau khi khảo sát địa điểm đã ký biên bản ghi nhớ thuê lại đất với Công ty SBG vào tháng 8/2022 xác nhận thuê lại 50,5 ha đất để triển khai dự án đầu tư tập trung chủ yếu sản xuất các sản phẩm của Apple tại tỉnh Bắc Giang, Việt Nam với quy mô vốn đầu tư hơn 300 triệu USD.
Anh Khôi