Tăng trưởng CASA hỗ trợ tăng lợi nhuận của ngân hàng Quý III/2023: Tín dụng “nghẽn”, bức tranh lợi nhuận ngân hàng kém sáng Lộ diện top 5 lợi nhuận ngành ngân hàng 2023 |
27 ngân hàng có lợi nhuận, chỉ một nhà băng lỗ
Tính đến trưa nay (28/4) ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, đã có 28 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý 1. Đáng chú ý, hầu hết các ngân hàng đều có tăng trưởng lợi nhuận khả quan, chỉ có 8 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ. Ngoài ra có một ngân hàng bị lỗ là NCB (-42 tỷ đồng).
Cụ thể, Vietcombank tiếp tục là “quán quân” toàn ngành về lợi nhuận. Lợi nhuận trước thuế quý 1/2024 của ngân hàng đạt 11.221 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Techcombank đứng vị trí “á quân” với lợi nhuận trước thuế đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, Techcombank cũng bỏ khá xa các ngân hàng tư nhân trên thị trường.
Các ngân hàng tiếp theo nằm trong Top 5 lợi nhuận lần lượt là BIDV (7.390 tỷ đồng, tăng trưởng 7%), VietinBank (6.210 tỷ đồng, tăng trưởng 4%), MB (5.795 tỷ đồng, giảm 11%).
Từ Top 6 đến Top 10 lần lượt gọi tên các nhà băng: ACB, VPBank, HDBank, SHB, LPBank. Trong Top 10 ngân hàng, ngoại trừ MB và ACB ghi nhận lợi nhuận giảm nhẹ so với cùng kỳ thì 8 ngân hàng còn lại đều có tăng trưởng dương.
Lợi nhuận quý I/2024 của 28 ngân hàng |
Trong nhóm ngân hàng tầm trung, ngân hàng lớn, LPBank có tăng trưởng cao nhất khi lợi nhuận tăng đến 84% và đạt 2.886 tỷ đồng. Theo đó, LPBank vượt qua loạt nhà băng như Sacombank, VIB, TPBank để vọt lên Top 10 toàn ngành.
Đa số ngân hàng nhỏ ghi nhận lợi nhuận đi ngang hoặc sụt giảm so với quý 1/2023, như ABBank giảm 71%, VietBank giảm 63%,...Trong khi đó, BVBank lại chứng kiến tăng trưởng ấn tượng với lợi nhuận đạt 69 tỷ, tăng 165% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận ngân hàng đến từ đâu?
Theo báo cáo của “quán quân” Vietcombank, động lực tăng trưởng chính của nhà băng này đến từ thu nhập lãi thuần (lãi từ hoạt động cho vay), tăng 18,6%, đạt hơn 14.200 tỷ đồng. Ngoài ra, lãi từ kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán cũng có kết quả khả quan.
Tuy nhiên, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên sáng qua (27/4), ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đã giảm trong quý đầu năm do tác động giảm lãi suất sâu.
Trong khi đó, “á quân” Techcombank có tổng thu nhập hoạt động (TOI) và lợi nhuận trước thuế lần lượt tăng 32% và 39% so với cùng kỳ năm trước, được dẫn dắt bởi thu nhập lãi, phí và các hoạt động khác tăng trưởng ấn tượng, đồng thời duy trì quản trị chi phí chặt chẽ.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng của Techcombank tiếp tục cao hơn thị trường, biên lãi thuần (NIM) cải thiện, và số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tiếp tục tăng ~2% từ đầu năm, trên mức nền cao tại cuối 2023. Động lực tăng trưởng CASA được củng cố thông qua những định vị giá trị độc đáo được ra mắt trong quý như tính năng “Sinh lời tự động” và nền tảng khách hàng thân thiết Techcombank Rewards, hỗ trợ nâng tỷ lệ CASA lên ngưỡng 40,5%.
Doanh thu của các ngân hàng chủ yếu đến từ hoạt động cho vay |
Tại VietinBank với khoản lợi nhuận trước thuế hơn 6.210 tỷ đồng trong quý I, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước nhà băng này cho biết, đóng góp chính vào đà tăng đó là khoản thu nhập lãi thuần tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, đạt 15.174 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh cũng ghi nhận tăng trưởng dương trong quý vừa qua.
Sở dĩ thu nhập lãi thuần quý I của VietinBank tăng mạnh quý đầu năm là do tăng trưởng tín dụng tích cực của ngân hàng này trong quý. Chia sẻ tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên hôm qua (27/4), ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank, cho biết tính riêng quý I, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã đạt 3,7% và đến cuối tháng 4 là 4,1%, cao hơn nhiều so với mức tăng chung toàn ngành (hơn 1%).
Bên cạnh doanh thu từ hoạt động lãi thuần, theo báo cáo tài chính quý I của các ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng cho thấy, đóng góp vào bức tranh lợi nhuận của ngân hàng của mảng dịch vụ khá lớn. Chẳng hạn tại TPBank, mảng đầu tư chứng khoán đã mang về lợi nhuận đáng kể cho ngân hàng khi thu nhập từ mảng này tăng hơn 120% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, MSB ghi nhận khoản lãi hơn 550 tỷ đồng từ mảng kinh doanh ngoại hối, tương đương 54% lãi thuần hoạt động này trong cả năm 2023.
Đối với nhóm ngân hàng sụt giảm lợi nhuận, lý do được các nhà băng đưa ra là phải gia tăng trích lập dự phòng rủi ro là. Đơn cử như tại MB, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sụt giảm đến từ thu nhập hoạt động cốt lõi kém khả quan và ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng. Cụ thể, thu nhập lãi thuần quý I của ngân hàng chỉ ở mức 9.062 tỷ đồng, giảm 11,4% so với cùng kỳ, đồng thời MB tăng khá mạnh chi phí dự phòng rủi ro với mức tăng 46,4% lên 2.707 tỷ đồng.
Điều này cũng được ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, nguyên nhân khiến lợi nhuận quý I của ACB giảm nhẹ so với cùng kỳ do trích lập dự phòng chung cao hơn cùng kỳ.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, lợi nhuận của ngành ngân hàng nhìn chung sẽ vẫn yếu do tăng trưởng tín dụng chỉ tăng tốc vào cuối tháng 3 và hoạt động dịch vụ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nợ quá hạn có thể tăng lên, trong khi biên lãi thuần vẫn chịu áp lực và tăng trưởng tín dụng vẫn yếu.
Nói về kế hoạch lợi nhuận ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng chia sẻ, thông thường lợi nhuận của ngân hàng đi theo tăng trưởng tín dụng. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đưa ra mức tăng trưởng tín dụng cao hơn năm ngoái, từ 14 - 15%, bởi nhiều dự báo cho thấy năm nay tình hình kinh tế của Việt Nam có thể sẽ ổn định hơn vào nửa năm sau. Vì thế, các ngân hàng cũng thấy lạc quan hơn trong vấn đề hoạt động tín dụng của họ.
Song diễn biến các tháng qua cho thấy, các ngân hàng đang có cả lạc quan và chủ quan. Lạc quan với tăng trưởng tín dụng khi có thể tốt hơn từ nửa sau năm 2024. Chủ quan vì nền kinh tế còn tiếp nối khó khăn của năm 2023, minh chứng nhiều ngân hàng cũng thận trọng trong việc cấp tín dụng.
Theo Công ty Chứng khoán MBS, mặc dù tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng trong 3 tháng đầu năm 2024 vẫn còn khá chậm, nhưng những dấu hiệu tích cực đến từ hoạt động xuất khẩu và dòng vốn FDI cho thấy tín dụng có thể được đẩy mạnh trong phần còn lại năm 2024.
MBS cho rằng, những ngân hàng có những đặc điểm sau sẽ có được kết quả kinh doanh khả quan hơn so với toàn ngành: Thứ nhất, NIM có thể chống chọi được sự bào mòn do hoạt động cắt giảm lãi suất cho vay nhằm cạnh tranh tăng trưởng tín dụng. Những ngân hàng được kỳ vọng sẽ có NIM bền vững là những ngân hàng có chi phí vốn thấp và ưu thế về CASA như: Vietcombank, Techcombank, MB...
Thứ hai, những ngân hàng có mảng tín dụng tăng trưởng tốt và ổn định nhờ có tệp khách hàng riêng như: HDBank, Techcombank,...
Cuối cùng, những ngân hàng có chất lượng tài sản cải thiện mạnh mẽ cùng gia tăng trích lập lớn trong năm 2023 sẽ giảm được áp lực trích lập trong năm 2024, từ đó giúp lợi nhuận sau thuế gia tăng đáng kể hơn so với toàn ngành như: VIB, Techcombank VietinBank...