Lỗ lũy kế của doanh nghiệp nhà nước năm 2023 tăng cao, vượt 115.000 tỷ đồng

09/10/2024 - 13:30
(Bankviet.com) Tính đến cuối năm 2023, tổng lỗ lũy kế của các doanh nghiệp nhà nước đã lên mức 115.270 tỷ đồng, tăng mạnh 66% so với năm trước. Đáng chú ý, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Vietnam Airlines là hai doanh nghiệp dẫn đầu về lỗ phát sinh trong năm 2023.

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình tài chính và sản xuất kinh doanh của 671 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm 2023 cho thấy sự gia tăng đáng kể trong số lượng doanh nghiệp thua lỗ. Báo cáo này bao gồm 473 doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp có trên 50% vốn Nhà nước.

Lỗ lũy kế của doanh nghiệp nhà nước năm 2023 tăng cao, vượt 115.000 tỷ đồng
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lỗ tới 26.700 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 29% so với năm trước (hình minh họa)

Đáng chú ý, 134 doanh nghiệp ghi nhận lỗ lũy kế tổng cộng 115.270 tỷ đồng (tương đương 4,6 tỷ USD theo tỷ giá ngày 8/10), cao hơn 1,7 lần so với cuối năm 2022 (69.900 tỷ đồng). Điển hình như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lỗ tới 26.700 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 29% so với năm trước. Lý do chính là do chi phí sản xuất tăng và giá bán lẻ điện chưa đủ bù đắp.

Ngành vận tải cũng gặp khó khăn lớn, đặc biệt là Vietnam Airlines. Công ty mẹ của Tổng công ty Hàng không Việt Nam ghi nhận lỗ hơn 8.850 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2023, khiến vốn chủ sở hữu của hãng âm 8.377 tỷ đồng vào cuối năm 2023. Ngành xi măng cũng không thoát khỏi khủng hoảng khi Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) lỗ 1.078 tỷ đồng trong năm này, cùng với việc lỗ tại 6 công ty con và 2 đơn vị liên doanh sản xuất xi măng.

Ở chiều ngược lại, các tập đoàn lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vẫn duy trì mức lãi cao, lần lượt đạt 56.400 tỷ đồng và 6.329 tỷ đồng sau thuế. Trong lĩnh vực viễn thông, Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel) lãi 46.331 tỷ đồng trước thuế, tăng 2% so với năm trước.

Tuy vậy, tổng lợi nhuận của 671 DNNN chỉ đạt 211.200 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2022. Điều này cho thấy phần nào hiệu quả kinh doanh của nhiều DNNN chưa thực sự tương xứng với nguồn lực mà họ nắm giữ.

Chính phủ nhận định, các DNNN vẫn đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực chiến lược như an ninh năng lượng, viễn thông và xăng dầu. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao và công nghiệp mũi nhọn. Ngoài ra, việc đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng như năng lượng tái tạo và công nghệ bán dẫn vẫn chưa được chú trọng.

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, Chính phủ đã đưa ra giải pháp tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, đẩy mạnh thoái vốn và tái cơ cấu tại các doanh nghiệp thua lỗ. Chính phủ cũng cam kết sẽ xử lý dứt điểm các dự án đầu tư ngoài ngành và giảm thiểu tổn thất cho Nhà nước.

Việc đẩy mạnh tái cơ cấu, xử lý các dự án thua lỗ và cải thiện năng lực quản lý vẫn là những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động.

Đau đáu với khoản lỗ lũy kế suốt 4 năm, doanh nghiệp họ Vicem làm gì để thoát diện cảnh báo?

Cổ phiếu DXV của Công ty CP VICEM Vật liệu Xây dựng Đà Nẵng tiếp tục bị cảnh báo do lỗ lũy kế suốt hơn ...

Thu ngân sách Nhà nước vượt 1.400 ngàn tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024

Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách Nhà nước ước tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ...

Phạm Hường

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán