Thông tin từ Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG), Công ty TNHH Tôn Hòa Phát vừa được BSI – Tổ chức chứng nhận quốc tế hàng đầu của Vương quốc Anh kiểm tra xác nhận Báo cáo Kiểm kê khí nhà kính cho doanh nghiệp theo tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018. Đây là tiêu chuẩn liên quan đến lĩnh vực môi trường và hướng tới chương trình ứng phó biến đổi khí hậu cũng như các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Tôn Hoà Phát đã được kiểm tra xác nhận Báo cáo Kiểm kê khí nhà kính cho doanh nghiệp theo tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018 |
Cần biết, tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018 là một khuôn khổ chắc chắn để thực hiện định lượng, báo cáo phát thải và loại bỏ khí nhà kính của một doanh nghiệp hay một tổ chức. Đồng thời, đây cũng là một trong những hoạt động mà doanh nghiệp sản xuất thép, tôn phải triển khai, làm tiền đề đáp ứng các yêu cầu khác khi xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới, nhất là khu vực châu Âu.
Về phía Hoà Phát, lãnh đạo Tập đoàn này chia sẻ thêm, việc lập sẵn Báo cáo Kiểm kê khí nhà kính còn có tác dụng trong việc vay vốn từ các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nước ngoài.
Được biết, từ tháng 6/2023, Tôn Hòa Phát đã bắt đầu tiếp xúc các đơn vị tư vấn lập báo cáo, kiểm kê phát thải khí nhà kính và cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan để phục vụ kiểm kê khí nhà kính giai đoạn 2022-2023.
Tháng 12/2023, Tôn Hòa Phát đã được Tổ chức BSI thực hiện kiểm tra xác nhận Báo cáo Kiểm kê khí nhà kính tại công ty. Kết quả kiểm tra xác nhận cho thấy công tác quản lý khí nhà kính của doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu, đủ điều kiện xác nhận và công bố Báo cáo Kiểm kê khí nhà kính theo tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018.
Bên cạnh đó, Tôn Hòa Phát đã hoàn thành quá trình Kiểm kê xác nhận theo ISO 14067: 2018 – Định lượng dấu vết carbon cho các dòng sản phẩm vào tháng 2/2024. Dự kiến vào tháng 4 tới đây, BSI sẽ ban hành xác nhận Báo cáo Dấu vết Carbon trên Sản phẩm theo ISO 14067:2018 cho sản phẩm của Tôn Hòa Phát.
Cần biết, Tôn Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất tôn đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tự chủ được nguồn nguyên liệu thép cuộn cán nóng (HRC) từ Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn giúp doanh nghiệp kiểm soát, đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định từ đầu vào đến đầu ra, đồng thời chiếm lĩnh thị trường với giá thành cạnh tranh. Bên cạnh đó, với xuất xứ sản phẩm 100% của Việt Nam, Tôn Hòa Phát dễ dàng gia tăng sản lượng hàng xuất khẩu vào các thị trường lớn, đặc biệt các nước có yêu cầu nghiêm ngặt về xuất xứ. Năm 2023, sản lượng xuất khẩu của Tôn Hoà Phát đạt gần 140.000 tấn, đóng góp 43% tổng sản lượng bán hàng của doanh nghiệp. Hiện thị trường xuất khẩu chính của Tôn Hòa Phát là các quốc gia, vùng lãnh thổ tại châu Âu, châu Mỹ, châu Á, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là tôn tẩy gỉ, tôn cán nguội, tôn mạ kẽm, tôn mạ lạnh và tôn mạ màu.
Đáng chú ý, cũng trong tháng 2/2024, một doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái Hoà Phát là Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đã được BSI kiểm tra xác nhận báo cáo kiểm kê khí nhà kính theo yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018. Điều này cho thấy Tập đoàn Hòa Phát luôn chủ động áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, quản trị sản xuất, vận hành mới nhất tại các nhóm sản phẩm của công ty thành viên trong Tập đoàn nhằm đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Giới quan sát đánh giá, việc các công ty thành viên của Tập đoàn Hòa Phát hoàn thành từ sớm các báo cáo kiểm kê khí nhà kính đã thể hiện những nước đi chiến lược của “vua thép” trong việc “đón đầu” cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu.
Bên cạnh đó, Hòa Phát cũng được đánh giá là một doanh nghiệp sở hữu tài “căn giờ” đỉnh cao khi liên tục đưa các nhà máy đi vào hoạt động đúng vào chu kỳ của ngành thép và bất động sản. Cụ thể, trong một báo cáo mới đây về Tập đoàn Hòa Phát, hãng chứng khoán BSC chỉ ra rằng, trong các dự án mở rộng trước đây của “vua thép”, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Hải Dương (Giai đoạn 1 - 2010; Giai đoạn 2 - 2013; Giai đoạn 3 - 2016) và Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 1 (năm 2019) đều được lấp đầy nhanh, phù hợp với chu kỳ ngành bất động sản (năm 2013), chu kỳ ngành thép (năm 2016, 2020 - 2021).
Tương quan chu kỳ giá thép với các lần mở rộng trước đây của Tập đoàn Hoà Phát |
Nhờ nghệ thuật 'căn giờ' đúng thời điểm, thị phần của Hòa Phát đã nhanh chóng được mở rộng. Sau Khu liên hợp thép Hòa Phát Hải Dương giai đoạn 1, thị phần của Hòa Phát từ vị trí thứ ba với mức 12% năm 2010 đã tăng lên 15,2% năm 2013, vươn lên vị trí thứ hai, chỉ thấp hơn một chút so với doanh nghiệp đứng đầu thời đó là Thép Pomina. Đến tháng 6/2014, dù thị trường bất động sản còn khó khăn và nhu cầu sắt thép chưa khởi sắc, lần đầu tiên sản lượng thép xây dựng tiêu thụ của Hòa Phát đã vượt Pomina và vươn lên giữ vị trí dẫn đầu với 18% thị phần. Trong khi đó, thị phần của bốn doanh nghiệp thép còn lại đều bị sụt giảm.
Các dự án mở rộng trước đây của Tập đoàn Hoà Phát thường được lấp đầy công suất chỉ sau 2 - 3 năm có mẻ thép thương mại đầu tiên |
Năm nay, với việc ngành bất động sản và thép đang ở đáy của chu kỳ, BSC kỳ vọng thời điểm đi vào hoạt động của dự án Dung Quất 2 cũng được tính toán rơi vào chu kỳ mới. Cần biết, kết thúc năm 2023, dự án Dung Quất 2 đã hoàn thành 45% tiến độ xây dựng và theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành trong nửa đầu năm 2025.
Theo BSC, việc môi trường pháp lý đã hoàn thiện trong 2022 – 2023 sẽ khơi thông mạnh mẽ nguồn cung bất động sản trong năm 2024 – 2025. Do đó, ngành thép và ngành bất động sản sẽ bước vào chu kỳ mới trong 2025 – 2026.
Tỷ phú ngành thép bứt phá nhờ cổ phiếu, tài sản được kỳ vọng chạm 5 tỷ USD Gần đây, tài sản của vị tỷ phú này ghi nhận tăng mạnh nhờ giá cổ phiếu "vua thép" hồi phục. Túi tiền của ông ... |
Triển vọng ngành thép nhìn từ "đầu tàu" Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim Với việc kết quả kinh doanh tạo đáy năm 2023, năm 2024 được coi là bước chạy đà để các doanh nghiệp ngành thép bứt ... |
Vào thời kỳ hoàng kim là giai đoạn 2020 - 2021, Tập đoàn Hoà Phát liên tục tạo ra kỷ lục kinh doanh với mức ... |
Hà Lê