Lời giải cho loạt diễn biến nóng tại VIC
Cổ phiếu VIC diễn biến đầy bất ngờ phiên cuối tuần qua. Trước đó chỉ một ngày, động thái từ một quỹ ngoại tại VIC cũng không khỏi khiến các nhà đầu tư đặt ra câu hỏi, chuyện gì đang diễn ra tại Vingroup?
Sau chuỗi tăng ấn tượng lên tới 57% kể từ đầu tháng 3, phiên giao dịch cuối tuần qua (18/4), cổ phiếu VIC bất ngờ giảm hết biên độ (-6,9%), đưa thị giá về 66.100 đồng/cổ phiếu. Tổng khối lượng cổ phiếu VIC được giao dịch trong phiên đạt gần 10,6 triệu cổ phiếu.
Vốn hóa của Vingroup phiên hôm qua giảm từ 271.479 tỷ đồng xuống còn khoảng 252.744 tỷ đồng, tương ứng mất khoảng hơn 18,7 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên với mức vốn hóa này, Vingroup hiện vẫn là doanh nghiệp lớn thứ 2 trên sàn chứng khoán, chỉ sau Vietcombank.

Sau phiên giảm sâu của cổ phiếu VIC, tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup - cũng giảm 106 triệu USD, còn 8,2 tỷ USD, theo cập nhật mới nhất từ Forbes.
Trước đó chỉ một ngày, VIC xuất hiện giao dịch thoả thuận được nhận định là từ SK với giá trị khủng lên tới 4.446 tỷ đồng. Theo báo cáo thường niên năm 2024, Tập đoàn SK (chaebol lớn thứ 3 Hàn Quốc) đang phân loại khoản đầu tư vào cổ phiếu Vingroup vào khoản mục tài sản nắm giữ chờ bán. Động thái này nằm trong kế hoạch tái cơ cấu danh mục đầu tư quốc tế của SK.
Trước đó vào tháng 1/2025, SK Investment Vina II - quỹ thành viên của SK Group đã bán gần 51 triệu cổ phiếu VIC, qua đó giảm sở hữu xuống còn 180,61 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 4,72%. Các giao dịch của SK sẽ không còn thuộc diện công bố thông tin do không còn là cổ đông lớn tại Vingroup.
Việc SK quyết định thoái vốn cho thấy đơn vị này đã tìm được nhà đầu tư mua lại cổ phiếu VIC, thông qua phương thức thoả thuận.
Trở lại với phiên giảm điểm mạnh của VIC cuối tuần qua, theo nhận định từ chuyên gia, diễn biến tiêu cực này nhiều khả năng chỉ mang tính chất nhà đầu tư chốt lời cổ phiếu, sau khi VIC đã ghi nhận mức tăng ấn tượng lên tới 57% kể từ đầu tháng 3. Trước đó, mã cổ phiếu này không giảm quá sâu ngay cả trong những giai đoạn thị trường chung chịu ảnh hưởng bất lợi, ví dụ như các lo ngại về chính sách thuế quan của Mỹ.
Được biết, ngày 24/4 tới, tập đoàn sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 tại Hà Nội. Theo tài liệu mới công bố, Vingroup đặt mục tiêu doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 300.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 56% và 90% so với thực hiện năm 2024.
Trước đó trong năm 2024, Vingroup ghi nhận tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 192.159 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước và là mức cao nhất lịch sử. Động lực chính đến từ tốc độ bàn giao mạnh mẽ các bất động sản tại các đại dự án, song song với sự tăng trưởng vượt bậc từ mảng xe điện. Lợi nhuận sau thuế đạt 5251 tỷ đồng, tăng 155% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch năm đề ra.