Lợi nhuận lũy kế đạt hơn 12.600 tỷ đồng, Sacombank đặt mục tiêu kinh doanh 2023 đầy tham vọng

22/04/2023 - 02:19
(Bankviet.com) Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) vừa công bố tài liệu đại hội cổ đông năm 2023 với kế hoạch đầy tham vọng. Cụ thể, năm 2023 Ngân hàng này hướng tới mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 50%, đạt 9.500 tỷ đồng, theo đúng kế hoạch đã đặt ra cho giai đoạn 2020 – 2025.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank cho rằng bước sang năm 2023, Ngân hàng sẵn sàng bước vào một chu kỳ kinh doanh mới với mục tiêu và chiến lược chuyển đổi số toàn diện. “Chúng tôi khẳng định sẽ luôn vận động không ngừng để phát triển bền vững, luôn đổi mới để bắt kịp thời đại. Với những tín hiệu tích cực trong thời gian qua, Sacombank tự tin có thể tái cơ cấu thành công sớm hơn thay vì đến hết năm 2025”, bà Diễm nhấn mạnh.

Lợi nhuận lũy kế đạt hơn 12.600 tỷ đồng, Sacombank đặt mục tiêu kinh doanh 2023 đầy tham vọng
Lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế hiện nay của Sacombank đạt 12.672 tỷ đồng

Bước vào năm 2023, trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn và rủi ro tiềm ẩn, tuy nhiên với nền tảng vững chắc, sự năng động và nhiệt huyết của hơn 18.000 cán bộ nhân viên trên toàn hệ thống và trên cơ sở định hướng chiến lược, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2022.

Tổng tài sản đạt 657.800 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2022. Tổng nguồn vốn huy động đạt 574.600 tỷ đồng, tăng 11%. Tổng dư nợ tín dụng đạt 491.600 tỷ đồng, tăng 12%, HĐQT sẽ điều chỉnh lại các mục tiêu tăng trưởng huy động và cho vay phù hợp với hạn mức tăng trưởng tín dụng phân bổ của Ngân hàng Nhà nước.

Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động tuân thủ đúng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Từ năm 2017 đến nay, lợi nhuận (tỷ đồng) của Sacombank liên tục tăng trưởng.
Từ năm 2017 đến nay, lợi nhuận (tỷ đồng) của Sacombank liên tục tăng trưởng.

Nhìn lại kết quả kinh doanh năm vừa qua, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm đánh giá, dù đối mặt với không ít khó khăn trong năm 2022 nhưng Sacombank vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng và có bước chuyển mình mạnh mẽ theo hướng số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động. Đây cũng là năm có nhiều đột phá quan trọng mà thành quả rõ rệt nhất là việc Sacombank đã đặt bước chân vững chắc cho chặng cuối của lộ trình tái cơ cấu.

Đến cuối năm 2022, Sacombank có tổng tài sản đạt 591.908 tỷ đồng, tăng 13,6% so với đầu năm. Trong đó tài sản có khả năng sinh lời tăng 16% và nâng tỷ trọng trong tổng tài sản từ 87,4% lên 89,2%.

Tổng nguồn vốn huy động đạt 519.132 tỷ đồng, tăng 11,8%. Trong đó, 92,6% là huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư, chiếm 4% thị phần tiền gửi toàn ngành.

Tổng dư nợ tín dụng đạt 438.752 tỷ đồng, tăng 13%, theo đúng hạn mức Ngân hàng Nhà nước phân bổ, chiếm 3,6% thị phần tín dụng toàn ngành. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,93%, giảm 0,55 điểm phần trăm.

Lợi nhuận trước thuế đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44,1% so với năm trước, vượt 20% kế hoạch. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 2.674 đồng/cổ phiếu.

Năm 2022, Sacombank thu hồi xử lý 15.886 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng. Trong đó, 12.010 tỷ đồng là các khoản thuộc đề án, kéo giảm tỷ trọng trong tổng tài sản xuống còn 4,3%. Đặc biệt, Sacombank đã hoàn tất xử lý toàn bộ 21.576 tỷ đồng lãi dự thu được khoanh thuộc đề án và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định.

Giá trị vốn hóa thị trường cuối năm 2022 đạt 42.417 tỷ đồng, tương đương 1,8 tỷ USD. Cổ phiếu Sacombank thuộc nhóm thanh khoản tốt và hấp dẫn vốn ngoại, trong đó quỹ đầu tư Dragon Capital đã quay lại trở thành cổ đông lớn sau 11 năm, nắm giữ trên 5% cổ phần.

Hiện nay, Sacombank còn nằm trong đề án tái cơ cấu nên chưa được chia cổ tức cho cổ đông. Theo tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2022, sau khi trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, lợi nhuận hợp nhất sau thuế và trích các quỹ năm 2022 là 3.741 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất giữ lại năm trước 8.931 tỷ đồng nên lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế hiện nay đạt 12.672 tỷ đồng - đây là nguồn vốn để chia cổ tức cho cổ đông sau khi đề án được hoàn thành.

Kiều Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán