Lợi nhuận nửa đầu năm lao dốc 72%, Tập đoàn Nam Cường có còn “sống khoẻ”?

21/09/2023 - 17:25
(Bankviet.com) Kết thúc nửa đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Nam Cường lao dốc tới 72%. Tuy nhiên, điểm sáng là dư nợ của doanh nghiệp địa ốc này đã giảm đáng kể.
Lợi nhuận nửa đầu năm lao dốc 72%, Tập đoàn Nam Cường có còn “sống khoẻ”?
Tập đoàn Nam Cường báo lãi nửa đầu năm giảm 72%

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã cập nhật báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của Công ty CP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội (thường được biết đến với tên gọi Tập đoàn Nam Cường).

Theo đó, kết thúc nửa đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đạt 195 tỷ đồng, sụt giảm 72% so với mức lãi 697 tỷ ghi nhận vào cùng kỳ năm trước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) theo đó cũng giảm mạnh, chỉ đạt 2,5%, trong khi cùng kỳ lên tới 9,18%.

Mặc dù kết quả kinh doanh đi lùi nhưng chất lượng tài sản và trạng thái tài chính của Tập đoàn này vẫn được duy trì ở mức tốt.

Tính đến ngày 6/2023, vốn chủ sở hữu của Nam Cường tăng nhẹ lên mức 7.887 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm đáng kể so với cùng kỳ, ghi nhận ở mức 41,16%, tương đương với tổng nợ phải trả là 3.246 tỷ đồng. Như vậy, tổng tài sản của Tập đoàn này đạt 11.113 tỷ đồng.

Hệ số dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 4,29%. Theo đó, dư nợ trái phiếu đạt 338 tỷ đồng.

Theo dữ liệu của HNX, hiện tại, Nam Cường đang lưu hành một lô trái phiếu có lãi suất 9,5%/năm. Lô trái phiếu với giá trị 718 tỷ đồng được phát hành ngày 28/12/2018, có kỳ hạn 5 năm và sẽ đáo hạn vào cuối năm nay, ngày 28/12/2023.

Lợi nhuận nửa đầu năm lao dốc 72%, Tập đoàn Nam Cường có còn “sống khoẻ”?
Báo cáo tài chính nửa đầu năm của Tập đoàn Nam Cường

Doanh nghiệp địa ốc hiếm hoi “sống khoẻ” giữa “cơn bão” của thị trường

Vài năm gần đây, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, khi hàng loạt “ông lớn” trong ngành bất động sản thua lỗ, “ngụp lặn” trong nợ vay thì Tập đoàn Nam Cường dường như không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Trước “cơn bão” của thị trường, lợi nhuận sau thuế dù suy giảm nhưng vẫn duy trì ở mức trên 1.000 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2022, Nam Cường báo lãi 1.168 tỷ đồng. Một năm trước đó, lợi nhuận ròng của doanh nghiệp này còn lên tới gần 1.644 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Tập đoàn gốc Nam Định cũng duy trì được chất lượng tài sản và trạng thái tài chính ổn định. Theo báo cáo tài chính năm 2022, tổng tài sản của Nam Cường Group đạt hơn 11.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm phần lớn cơ cấu tài sản, ghi nhận ở mức 7.693,1 tỉ đồng, tăng 11,5% so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ phải trả và dư nợ trái phiếu đồng loạt giảm mạnh, lần lượt 1.583 tỷ đồng và 338 tỷ đồng, cho thấy tỷ lệ đòn bẩy thấp.

Tiềm lực của Tập đoàn Nam Cường lớn đến đâu?

Theo tìm hiểu, Tập đoàn Nam Cường tiền thân là Tổ hợp dịch vụ Vận tải vật tư nông nghiệp & xây dựng Xuân Thủy, được thành lập từ năm 1984 bởi cố Chủ tịch Trần Văn Cường. Doanh nghiệp này bắt đầu hoạt động theo mô hình Tập đoàn với tên Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường từ tháng 12/2007 và đến tháng 8/2009 thì cổ phần hóa, đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội như hiện tại. Sau khi cố Chủ tịch Trần Văn Cường, phu nhân của ông là bà Lê Thị Thuý Ngà đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT.

Nam Cường là một trong những “tên tuổi” đầu tiên tham gia vào thị trường bất động sản. Năm 2008, vào thời kỳ hoàng kim, doanh nghiệp này thậm chí còn được coi là “ông vua” tại miền Bắc khi sở hữu số vốn điều lệ “khổng lồ” 16.006 tỷ đồng, đồng thời nắm trong tay quỹ đất lên tới hàng nghìn ha từ Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định đến Hải Dương.

Cần biết, quỹ đất khổng lồ này được hình thành phần lớn qua các dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) mà Nam Cường tham gia.

Nổi bật nhất là năm 2008, với việc khởi công xây dựng tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông dài gần 5,1 km, với tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng theo hình thức BT, Nam Cường được giao cho khu đất có diện tích hơn 197ha trên trục đường Tố Hữu – Hà Đông. Tập đoàn này sau đó đã phát triển thành Khu đô thị Dương Nội với tổng vốn đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng.

Đến năm 2009, sau khi cùng Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico) đầu tư xây dựng dự án đường Lê Văn Lương kéo dài, cũng theo hình thức hợp đồng BT, Nam Cường Group tiếp tục làm giàu quỹ đất của mình với 46,2ha đất đối ứng tại phường Trung Văn, Nam Từ Liêm và phường Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội. Khu đất này sau đó được Nam Cường Group phát triển dự án Khu đô thị Phùng Khoang.

Song song với việc sở hữu nhiều lô đất ở Hà Nội, Nam Cường Group cũng mở rộng mạng lưới với hàng loạt đơn vị thành viên để thực hiện phát triển dự án như Công ty CP Xây dựng và Thương mại Đông Hải, Công ty CP Phát triển Hạ tầng Đô thị Evergreen, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đô thị, Công ty CP Dịch vụ Du lịch Nam Cường…

Trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, Nam Cường có các dự án như Khu tổ hợp dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Nam Cường Phú Quốc tại tỉnh Kiên Giang (32,32 ha), cùng hàng loạt khách sạn, như Khách sạn Nam Cường Hải Phòng, Khách sạn Nam Cường Nam Định, Khách sạn và Resort Nam Cường Đồ Sơn (TP Hải Phòng), Khách sạn Nam Cường Dương Nội, Khách sạn Nam Cường Hải Dương hay Khách sạn Nam Cường Phú Quốc.

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán