Tung bay lá cờ ASEAN nhân Kỷ niệm 57 năm Ngày thành lập Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Malaysia trong ASEAN ASEAN tiếp tục giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc |
Ngày 19/8, Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) cho biết, xuất khẩu của nước này tăng 5,1% lên 862,23 tỷ RM và nhập khẩu tăng 15,5%, lên 789,71 tỷ RM trong 7 tháng, dẫn đến thặng dư thương mại là 72,52 tỷ RM.
Chỉ tính riêng về hiệu suất trong tháng 7/2024, Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia thông tin, thương mại đã tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước, tốc độ nhanh nhất trong 21 tháng qua. Cùng đó, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng trong tháng thứ tư liên tiếp, tăng 12,3% lên 131,15 tỷ RM trong khi nhập khẩu tăng 25,4% lên 124,73 tỷ RM. Thặng dư thương mại đạt 6,42 tỷ RM, đánh dấu tháng thứ 51 liên tiếp thặng dư kể từ tháng 5/2020.
Tăng trưởng xuất khẩu của Malaysia đang đà tăng mạnh mẽ. Ảnh minh họa |
Cũng theo Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia, tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng đối với dầu cọ và các sản phẩm nông nghiệp từ dầu cọ, máy móc, thiết bị và phụ tùng, sản phẩm dầu mỏ và các sản phẩm điện và điện tử (E&E).
Xuất khẩu sang các đối tác thương mại lớn, cụ thể là ASEAN, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), ghi nhận mức tăng trưởng hai con số. “Tất cả các lĩnh vực chính đều ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ ở mức hai chữ số vào tháng 7 năm 2024. Xuất khẩu hàng hóa sản xuất chiếm 85,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 10,6% lên 112,08 tỷ RM” - Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia nhấn mạnh.
Ngoài ra, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mạnh mẽ của Malaysia là 5,9% trong quý II/2024, mở đường cho quốc gia này đạt tăng trưởng kinh tế 4,0 - 5,0%.
Trước đó, Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Anwar Ibrahim từng phát biểu, tăng trưởng kinh tế của Malaysia dự kiến ở mức 5,8% trong quý II/2024, giúp nước này vươn lên thành một quốc gia hùng mạnh. Chính phủ Malasyia đã hứa hẹn về cơ hội việc làm, đào tạo và chuyển giao công nghệ tốt hơn để đưa đất nước hướng tới quá trình chuyển đổi năng lượng và kỹ thuật số.
Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Tengku Datuk Seri Zafrul Abdual Aziz cũng cho biết, Malaysia đang xem xét việc gia nhập một số tổ chức quốc tế bao gồm Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Trong nỗ lực duy trì sự cân bằng giữa phát triển kinh tế đất nước và quan hệ tốt đẹp với tất cả các đối tác thương mại, đặc biệt là các cường quốc kinh tế thế giới, Malaysia sẽ tiếp tục đảm bảo một chính sách đối ngoại độc lập, nguyên tắc và thực dụng.
Ngân hàng Đầu tư Kenanga Bhd đã duy trì dự báo tăng trưởng cho năm 2024 ở mức 4,5 - 5,0% bất chấp ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II năm 2024 của Cục Thống kê Malaysia (DOSM) mạnh hơn dự kiến là 5,8% do rủi ro giảm giá vẫn tồn tại, chủ yếu xuất phát từ khu vực bên ngoài.
Về hoạt động xuất nhập khẩu với Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Malaysia trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 7,3 tỷ USD, tăng tới 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu là 2,6 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 5,9% so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu đạt 4,7 tỷ USD, tăng mạnh tới 31,3% so với cùng kỳ.
Tuy nhập khẩu tăng mạnh là từ những mặt hàng nguyên, nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn như xăng dầu, khí đốt các loại nhưng thâm hụt cán cân thương mại quá lớn trong khi đầu tư từ Malaysia sang Việt Nam tăng chậm sẽ gây bất lợi cho cán cân vãng lai giữa hai nước. Nguyên nhân chính là do thuế xuất nhập khẩu một số mặt hàng sản phẩm dầu khí giảm về 0% theo cam kết của Việt Nam trong ATIGA dẫn đển các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam mua nhiều hơn từ Malaysia. Tuy nhiên, nguy cơ gian lận về xuất xứ hàng hóa cũng cần được xem xét do mặt hàng sản phẩm dầu khí chỉ thể hiện xuất xứ hàng hóa trên chứng từ giao hàng.