Masan vay thêm 1.500 tỷ đồng trái phiếu, tổng nợ vay vượt 2,4 tỷ USD

28/09/2022 - 23:17
(Bankviet.com) Tính đến cuối quý II, nguồn vốn tài chính của Masan đạt 125.259 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả đóng góp 86.463 tỷ đồng. Đáng chú ý, dư nợ vay chiếm đến 56.872 tỷ đồng, tương đương hơn 2,4 tỷ USD và cao gấp rưỡi vốn chủ sở hữu.

Công ty CP Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) vừa huy động thêm 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 60 tháng, đáo hạn vào ngày 21/9/2027.

Masan vay thêm 1.500 tỷ đồng trái phiếu, tổng nợ vay vượt 2,4 tỷ USD

Năm 2020, Masan cũng phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu trong nước qua 4 đợt, tất cả đều có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào năm 2023

Theo nghị quyết thông qua phương án phát hành trái phiếu của HĐQT, đối tượng Masan chào bán 2 lô trái phiếu trên là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, với lãi suất 2 kỳ tính lãi đầu tiên cố định 9,5%/năm.

Sau đó, lãi suất đối với các kỳ tính lãi còn lại là lãi suất thả nổi bằng tổng của 3,975%/năm và lãi suất tham chiếu của 4 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh (Vietinbank, Vietcombank, AgribankBIDV) công bố vào ngày xác định lãi suất có liên quan.

Mục tiêu ban đầu của Masan là dùng số tiền thu được để thanh toán khoản gốc đáo hạn của trái phiếu MSNPO2022_01 được phát hành ngày 26/9/2019.

Sau điều chỉnh, số tiền này sẽ được dùng để thanh toán gốc của trái phiếu BondMSN012023 phát hành vào ngày 9/3/2020 và đáo hạn ngày 9/3/2023. Thời gian dự kiến sử dụng vốn là quý I/2023.

Đợt huy động này của Masan diễn ra chỉ vài hôm ngay trước thềm lô trái phiếu phát hành trước đó đáo hạn. Cụ thể, lô trái phiếu trị giá 1.500 tỷ đồng, được Masan phát hành ngày 26/9/2019 với kỳ hạn 3 năm đã đáo hạn vào ngày 25/9/2022 vừa qua.

Hồi năm 2020, Masan cũng đã phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu trong nước qua 4 đợt. Tất cả đều có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào năm 2023.

Vào tháng 1/2021, Masan tiếp tục thực hiện chào bán ra công chúng thêm 4.000 tỷ đồng trái phiếu nữa.

Tính đến cuối quý II, nguồn vốn tài chính của Masan đạt 125.259 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả đóng góp 86.463 tỷ đồng. Đáng chú ý, dư nợ vay chiếm đến 56.872 tỷ đồng, tương đương 66% nợ phải trả và gấp rưỡi vốn chủ sở hữu.

Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm, Masan đạt doanh thu thuần hợp nhất 36.023 tỷ đồng, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 3.110 tỷ đồng, tăng 122% so với cùng kỳ.

Năm 2022, Masan đặt kế hoạch tổng doanh thu 90.000 - 100.000 tỷ đồng, tăng 1,5% - 12,8% so với thực hiện 2021; lợi nhuận sau thuế dự kiến là 6.900 - 8.500 tỷ đồng, giảm từ 15,8% - 31,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, Masan còn cách khá xa kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Tập đoàn cũng lên phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế và phương án phát hành cổ phiếu để chuyển đổi trái phiếu và tăng vốn điều lệ. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2022 và/hoặc 2023.

Mệnh giá trái phiếu dự kiến 100.000 USD và là bội số của 1.000 USD hoặc mệnh giá khác được phù hợp với thông lệ thị trường. Số lượng trái phiếu dự kiến phát hành tối đa 500 triệu USD.

Tân Mai

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán