MBS đi theo xu hướng tăng vốn của ngành chứng khoán, cổ phiếu có đáng xuống tiền?
MBS phát hành quyền mua cổ phiếu giá 10.000 đồng, chiết khấu gần 60% thị giá. Cơ hội đầu tư hấp dẫn nhưng không thiếu rủi ro pha loãng cần lưu ý.
Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) vừa công bố nghị quyết triển khai phương án phát hành quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ, động thái được kỳ vọng sẽ tạo lực đẩy mới cho hoạt động kinh doanh trong giai đoạn thị trường đang phân hóa mạnh.

Cụ thể, MBS dự kiến chào bán 68,7 triệu cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 100:12, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ có quyền mua thêm 12 cổ phiếu mới. Với mức giá phát hành thấp hơn tới gần 60% so với thị giá hiện tại (27.100 đồng/cp phiên 13/5), đây được đánh giá là cơ hội đầu tư hấp dẫn cho cổ đông hiện hữu.

Nếu đợt phát hành diễn ra thành công, MBS sẽ thu về 687,3 tỷ đồng. Trong đó, 150 tỷ đồng được dùng để bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh và bảo lãnh phát hành, còn lại 537 tỷ đồng sẽ được dùng để tăng quy mô cho vay margin – một trong những trụ cột tăng trưởng quan trọng của công ty. Sau phát hành, vốn điều lệ của MBS dự kiến nâng từ hơn 5.728 tỷ đồng lên mức 6.415 tỷ đồng, tương ứng số lượng cổ phiếu lưu hành tăng lên 641,5 triệu đơn vị.
Trả lời cổ đông về khả năng phát hành thành công trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT MBS khẳng định Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank), cổ đông lớn sở hữu gần 77% vốn, sẽ chắc chắn tham gia đợt tăng vốn lần này. Điều đó cho thấy mức độ đảm bảo cao cho kế hoạch phát hành.
Động thái tăng vốn của MBS diễn ra trong thời điểm doanh nghiệp ghi nhận nhiều chỉ số tài chính tích cực. Trong quý I/2025, MBS đạt doanh thu hoạt động 669 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế đạt gần 339 tỷ đồng, tăng tới 48% nhờ chiến lược tối ưu chi phí – đặc biệt là giảm mạnh lỗ FVTPL và chi phí môi giới, kéo tổng chi phí hoạt động xuống gần 60% còn 108 tỷ đồng. Lãi sau thuế đạt 270 tỷ đồng, tăng 47% so với quý I/2024
Cơ cấu doanh thu cho thấy sự dịch chuyển đáng chú ý giữa các mảng kinh doanh: doanh thu môi giới giảm 28%, lãi từ FVTPL giảm 10%; trong khi đó lãi từ AFS tăng 32%, HTM tăng 60% và cho vay đạt 277 tỷ đồng, tăng 7%. Điều này cho thấy MBS đang cơ cấu lại dòng tiền theo hướng ổn định và bền vững hơn.
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của MBS đạt 22.409 tỷ đồng, tăng gần 300 tỷ đồng so với đầu năm. Các khoản cho vay chiếm hơn 11.442 tỷ đồng, tăng 11%. Danh mục FVTPL mở rộng 30%, trong đó đầu tư cổ phiếu tăng 2,7 lần, trái phiếu giữ ổn định hơn 900 tỷ đồng. Về phía nguồn vốn, MBS ghi nhận nợ tài chính ngắn hạn 13.112 tỷ đồng, nợ trái phiếu dài hạn 1.061 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 15.230 tỷ đồng.
Từ góc nhìn nhà đầu tư, đợt phát hành quyền mua cổ phiếu giá 10.000 đồng của MBS là cơ hội hấp dẫn cả về chiết khấu giá lẫn tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn. Việc bổ sung vốn margin và tự doanh có thể giúp MBS mở rộng quy mô hoạt động trong thời gian tới, đồng thời cải thiện lợi nhuận trong bối cảnh thị trường phục hồi.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý đến nguy cơ pha loãng cổ phiếu sau phát hành. Với hơn 68 triệu cổ phiếu bổ sung – tương ứng mức tăng gần 12% lượng cổ phiếu lưu hành – EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) của MBS có thể bị ảnh hưởng nếu tốc độ tăng trưởng lợi nhuận không theo kịp quy mô vốn mới.
Ngoài ra, dù MBBank cam kết tham gia phát hành, nhà đầu tư cá nhân chưa chắc sẽ đủ nguồn lực để thực hiện quyền mua, từ đó có thể dẫn đến điều chỉnh về quyền biểu quyết hoặc mức sở hữu thực tế trên thị trường. Đồng thời, trong ngắn hạn, áp lực chốt lời hoặc hiệu ứng pha loãng cũng có thể gây ra biến động giá cổ phiếu trên thị trường thứ cấp.
Vì vậy, cùng với việc nắm bắt cơ hội từ chính sách giá hấp dẫn, cổ đông cũng cần theo dõi sát khả năng sử dụng vốn sau phát hành và tiến độ giải ngân hiệu quả từ phía doanh nghiệp để đánh giá lại tiềm năng của cổ phiếu MBS trong trung – dài hạn.