Lợi nhuận doanh nghiệp cảng biển bùng nổ
Năm 2024, hệ thống cảng biển Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển ước đạt 864,4 triệu tấn, tăng 14% so với năm 2023. Đáng chú ý, đội tàu biển Việt Nam vận chuyển khoảng 140,9 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ.
![]() |
Hình minh họa |
Bên cạnh đó, số lượt tàu thuyền qua cảng biển cũng có mức tăng trưởng tích cực. Tổng lượt tàu thông qua cảng ước đạt 102.670, tăng 2%. Riêng phương tiện thủy nội địa đạt khoảng 380.100 lượt, tăng trưởng mạnh ở mức 8%.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành cũng phản ánh sự khởi sắc của lĩnh vực cảng biển. Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn tiếp tục dẫn đầu với sản lượng container đạt 10,81 triệu TEU (tăng 10%), tương đương gần 160 triệu tấn hàng hóa. Tổng doanh thu đạt khoảng 32.000 tỷ đồng (tăng 16%), lợi nhuận gần 7.000 tỷ đồng (tăng 33%).
Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cũng ghi nhận thành công với sản lượng vận tải biển đạt gần 20 triệu tấn, vượt 22% kế hoạch. Sản lượng hàng hóa qua cảng biển của đơn vị này đạt 145 triệu tấn, tăng 26%. Doanh thu hợp nhất hơn 17.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3.126 tỷ đồng, tăng lần lượt 33% và 47% so với năm trước.
Ở khối tư nhân, Gemadept (GMD) ghi nhận doanh thu tăng 26%, đạt trên 4.800 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 2.162 tỷ đồng, tăng 22%, mức cao nhất trong lịch sử công ty. Dù lợi nhuận trước thuế giảm 34% xuống 2.080 tỷ đồng do không còn nguồn thu đột biến từ chuyển nhượng tài sản, kết quả này vẫn vượt 4% kế hoạch năm.
Viconship (VSC) và Cảng Hải Phòng (PHP) cũng ghi nhận doanh thu kỷ lục. Viconship đạt doanh thu gần 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 651 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ. Cảng Hải Phòng có tổng sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 40 triệu tấn, doanh thu gần 2.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 1.200 tỷ đồng, tăng 31% so với 2023.
Triển vọng tích cực trong năm 2025
Triển vọng ngành cảng biển tiếp tục lạc quan với hàng loạt dự án quy mô lớn được triển khai. Mới đây, Công ty CP Cảng Sài Gòn (SGP) đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, với tổng vốn đầu tư 113.500 tỷ đồng (4,8 tỷ USD). Khi hoàn thành vào năm 2045, cảng có thể tiếp nhận tàu mẹ 250.000 DWT, công suất tối đa 16,9 triệu TEU/năm.
Gemadept cũng đẩy mạnh đầu tư với dự án Nam Đình Vũ - Giai đoạn 3 và Cảng nước sâu Gemalink - Giai đoạn 2A, tổng vốn hơn 100 triệu USD. Công ty này còn quan tâm phát triển cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ với tổng vốn trên 50.000 tỷ đồng.
Viconship tiếp tục mở rộng, nâng tỷ lệ sở hữu tại Vinaship lên 40,01%, giúp gia tăng năng lực vận tải. Trong khi đó, Cảng Hải Phòng cũng tăng tốc khi thành lập liên doanh với STIC và TIL để phát triển hai bến container quốc tế số 3-4 thuộc Cảng nước sâu Lạch Huyện. Khi đi vào hoạt động, công suất của Cảng Hải Phòng dự kiến đạt 3,2 triệu TEU/năm, lớn nhất khu vực Hải Phòng.
Dù còn nhiều thách thức từ bất ổn kinh tế và sự tái cấu trúc các liên minh tàu vào tháng 2/2025, triển vọng ngành cảng biển vẫn rất khả quan. Chứng khoán Mirae Asset nhận định, sản lượng hàng qua cảng sẽ tiếp tục tăng nhờ đầu tư công vào hạ tầng giao thông và sự điều chỉnh giá trần, giá sàn theo Thông tư 39.
Các doanh nghiệp cảng biển dự kiến sẽ duy trì tăng trưởng trung bình 5-10%/năm trong trung và dài hạn, tạo nền tảng vững chắc để khai thác hiệu quả tiềm năng của ngành logistics Việt Nam.
![]() | Cảng Đà Nẵng (CDN) tiếp tục lập kỷ lục doanh thu và lợi nhuận năm trong 2024 Năm 2024, doanh thu Công ty CP Cảng Đà Nẵng (HNX: CDN) vượt mốc 1.450 tỷ đồng, phá kỷ lục mà doanh nghiệp này xác ... |
![]() | Doanh nghiệp ngành cao su bứt phá mạnh: PHR, DPR, GVR đồng loạt báo lãi khủng Ngành cao su Việt Nam ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng năm 2024. Cao su Phước Hòa (PHR) và Đồng Phú (DPR) vượt ... |
Thu Hà